Mỗi sáng thức dậy, tôi mở điện thoại xem thông tin tình hình dịch bệnh nCoV tiến triển đến đâu, bao nhiêu người đã tử vong, có tin vui nào từ giới y học hay không?
Mọi thứ vẫn chưa có dấu hiệu chậm lại. Hơn 900 mạng người đã tử vong. Virus vẫn lây lan, mỗi ngày hàng ngàn con người trên đại lục Trung Quốc nhiễm mới. Cuộc chiến chống lại dịch bệnh căng như dây đàn.
Hôm nay, học sinh tại Việt Nam bước sang tuần thứ 2 phải nghỉ học. Những ngày nghỉ bất đắc dĩ không biết có còn kéo dài? Mọi thứ sinh hoạt dường như có chút xáo trộn nhưng không ảnh hưởng quá nhiều. Chúng ta đang kiểm soát khá tốt tình hình dịch bệnh trong khi ca nhiễm mới tiếp tục tăng thêm.
Đền, chùa vơi vắng người viếng thăm, trung tâm thương mại, hàng quán những ngày này cũng thưa thớt khách. Những khuôn mặt bịt kín khẩu trang, chỉ còn lộ ra đôi mắt lo âu. Những cái bắt tay và câu chuyện giữa người với người trở nên dè dặt.
Tin tức về dịch bệnh vẫn phủ kín các trang báo hàng ngày. Bên cạnh báo chí, mạng xã hội cũng ngập ngụa những video, hình ảnh về virus corona. Có những tin thật và cũng không ít những hoang tin.
Trung Quốc, nơi dịch bệnh đang tàn phá ở mức độ khủng khiếp, người ta vẫn lan truyền những câu chuyện đẹp. Những nhân viên y tế đang gồng mình giữa tâm dịch. Những khẩu hiệu "Vũ Hán cố lên" giăng ở nhiều quốc gia trên thế giới. Khi dịch bệnh chưa có thuốc chữa thì có lẽ sự lạc quan là liều thuốc tốt nhất để đẩy lùi nỗi sợ hãi, hoang mang.
Có người nói, đời người tựa như ván cờ, muốn thắng thì không được gấp. Kỳ thực, bất ổn có thể xảy ra bất cứ khi nào, căng thẳng cũng xuất hiện ở bất kỳ nơi đâu. Còn vội vàng như một phản xạ sẽ tạo ra sự hỗn loạn, tuyệt vọng.
Hai hôm trước, tại tỉnh Nakhon Ratchasima đông bắc Thái Lan xảy ra thảm kịch. Một binh sĩ trong cơn điên loạn đã xả súng khiến 26 người chết đau đớn. Hung thủ cũng gục ngã trước những loạt đạn của cảnh sát. Chớp mắt, mấy mươi mạng người rời bỏ thế gian trong tức tưởi. Ngẫm thấy, cuộc đời ngắn đến chừng nào.
Quay trở về một tuần lễ trước, ai cũng vội vã chạy ra hiệu thuốc giành lấy vài hộp khẩu trang giá đắt mang về tích trữ. Hệ lụy của nó ra sao thì ai cũng đã thấy.
Một dòng trạng thái vừa đăng lên mạng xã hội, có người nhanh tay nhấp chuột chia sẻ rộng rãi với bạn bè, để rồi nhận ra nó chỉ là thông tin nhào lặn, vô căn cứ.
Có lẽ trong những ngày này, ai cũng vội vã. Gặp nhau vội vàng, chia tay chóng vánh. Con virus chết tiệt ấy khiến khoảng cách giữa người với người giãn rộng ra. Từ việc cách ly y khoa-hành động tất yếu để kiểm soát dịch, đáng buồn sự kỳ thị lại xuất hiện. Những tổn thương vô hình trung đang khoét sâu hơn không phải do virus.
Có thể chậm lại một chút được không? Những bất ổn tự thân nó sẽ ổn thỏa khi con người chúng ta chậm lại. Chậm lại để trân quý cuộc sống. Chậm lại để suy nghĩ trước khi đưa ra phán xét. Chậm lại để vượt qua biến động của thời cuộc.
Benjamin Franklin, nhà thông thái, chính trị gia người Mỹ từng nói: "Phần lớn những nỗi thống khổ của nhân loại đều do con người tự gây ra vì đánh giá nhầm giá trị của nhiều điều”.
Xét cho cùng, những tai họa hôm nay đều có phần lỗi của con người ngày hôm qua. Chẳng biết, những tai họa sẽ ập đến khi nào và kéo dài bao lâu. Nhưng, hãy cứ sống chậm lại và hi vọng. Bởi ngày mai, dù có thế nào thì mặt trời vẫn mọc.