Trạm Y tế xã Chiềng Xôm (Sơn La) phải dừng toàn bộ hoạt động tiêm chủng, lô vắc xin khiến bé gái 2 tháng tuổi tử vong cũng phải ngừng sử dụng.
Ông Nguyễn Tiến Dũng - Giám đốc Trung tâm kiểm soát Bệnh tật tỉnh Sơn La cho biết, khoảng 1h30 phút ngày 12/10, Trung tâm nhận được báo cáo nhanh qua điện thoại của Trung tâm Y tế TP Sơn La về 4 trường hợp trẻ em bị phản vệ sau khi tiêm vắc xin, gồm 2 cháu ở phường Chiềng An và hai cháu ở xã Chiềng Xôm.
Trong 2 trường hợp tại xã Chiềng Xôm có một trường hợp cháu gái tên là P.G.H., hơn 2 tháng tuổi, ở bản Ái cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sơn La do phản vệ sau tiêm vắc xin mức độ 4.
Sau hơn 2 giờ đồng hồ cấp cứu tích cực, đến 4h30 phút chiều 12/10, cháu H. đã tử vong. Nguyên nhân tử vong bước đầu được xác định là do phản ứng phản vệ mức độ 4 (mức độ cao nhất).
Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sơn La thăm khám cho các bệnh nhi nhập viện sau khi tiêm vắc xin.
Theo Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Sơn La, đây là đợt tiêm chủng đợt tháng 10/2020 của TP được triển khai ở 7/12 xã, phường. Các loại vắc xin trong đợt tiêm chủng lần này gồm Combe Five và OPV (phòng, chống bại liệt).
Cụ thể, vắc xin Combe Five: Lô 220110218B, hạn sử dụng đến ngày 31/3/2021; được Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương vận chuyển bằng xe chuyên dụng bàn giao tại kho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Sơn La với số lượng 6.528 liều. Sau đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Sơn La đã cấp toàn bộ cho 12 huyện, TP. Báo cáo cho biết, đến thời điểm hiện tại đã sử dụng 956 liều, còn tồn 5.572 liều.
Vắc xin OPV: Lô bP-0619, hạn sử dụng đến ngày 16/6/2021. Số lượng nhập 19.760 liều, đến thời điểm hiện tại đã sử dụng 5.020 liều, còn tồn 14.740 liều.
Sau khi xảy ra sự việc, các đơn vị liên quan đã tổ chức niêm phong toàn bộ các loại vắc xin và lấy mẫu gửi về Văn phòng Tiêm chủng mở rộng khu vực miền Bắc, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương; đồng thời dừng toàn bộ hoạt động tiêm chủng tại Trạm Y tế xảy ra sự cố.
Bên cạnh đó, Sở Y tế tạm dừng sử dụng các lô thuốc nêu trên; thành lập đoàn thanh tra và tiến hành điều tra đối với những trường hợp phản vệ nặng sau tiêm chủng đúng quy định của Bộ Y tế.
Trường hợp cháu H. được gia đình đưa đến Trung tâm Y tế xã Chiềng Xôm tiêm chủng khoảng 9h sáng 12/10. Trước khi tiêm, cháu đã được kiểm tra sức khỏe và sau khi tiêm thực hiện theo dõi 30 phút tại chỗ theo quy định không phát hiện sự việc bất thường.
Ngoài quy định chung, Trung tâm Y tế TPố yêu cầu giữ liên lạc giữa nhân viên y tế thực hiện tiêm và gia đình được tiêm chủng. Buổi trưa cùng ngày (sau gần 3 giờ) nhân viên y tế trực tiếp tiêm cho cháu H. đã gọi điện để kiểm tra tình hình sức khỏe thì được gia đình thông báo một số biểu hiện như: Sốt, khó thở…
Trạm Y tế xã Chiềng Xôm cùng gia đình đã đưa cháu đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sơn La. Nhưng do phản vệ sau tiêm mức độ nặng, lại không được phát hiện sớm nên được cấp cứu tích cực, cháu đã tử vong.
Ngay sau khi sự việc xảy ra, cơ quan Công an TP Sơn La và phòng PC 03 - Công an tỉnh đã vào cuộc, niêm yết toàn bộ lô thuốc, kiểm tra lập biên bản quy trình tiêm chủng… Theo ý kiến của lãnh đạo Trung tâm Y tế TP thì đợt tiêm chủng này, các nhân viên y tế của TP và xã Chiềng Xôm đã được tập huấn theo quy định, cơ sở vật chất của Trạm Y tế xã đều bảo đảm, các lô thuốc được bảo quản theo quy định.
Cũng theo thông tin từ Trung tâm kiểm soát Bệnh tật tỉnh Sơn La, năm 2019, khi địa phương bắt đầu triển khai vắc xin ComBE Five thay thế vắn xin Quinvaxem, toàn tỉnh đã ghi nhận gần 80 ca nhập viện. 3 trường hợp tại các huyện Sốp Cộp, Vân Hồ và Mai Sơn đã phản ứng nặng sau tiêm chủng dẫn đến tử vong.
Từ đầu năm 2020 đến nay, tỉnh Sơn La cũng ghi nhận 12 trường hợp phản ứng nghiêm trọng sau tiêm phòng phải nhập viện điều trị, trong đó có 4 ca tử vong và 8 ca đã hồi phục.