Trong báo cáo kinh tế vĩ mô năm 2012 do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội vừa công bố, vấn đề sở hữu chồng chéo trong hệ thống ngân hàng hiện nay đã được đề cập, trong đó, nổi bật là việc sở hữu ngân hàng TMCP bởi các tập đoàn, tổng công ty nhà nước và tư nhân.
Hiện tại có khoảng gần 40 doanh nghiệp nhà nước và tư nhân có sở hữu trên 5% tại các ngân hàng thương mại cổ phần. Hầu hết các tập đoàn nhà nước đều có các công ty tài chính. Mối quan hệ giữa ngân hàng thương mại cổ phần với các tập đoàn tư nhân ngày càng trở nên phức tạp. Nhiều ngân hàng có thể được sở hữu bởi rất nhiều công ty gia đình hoặc các thành viên gia đình vốn đồng thời lãnh đạo ở các doanh nghiệp khác.
Việc sở hữu chéo có thể khiến các doanh nghiệp sở hữu ngân hàng vay vốn dễ dàng hơn (ảnh minh họa).
Trường hợp của ông Đặng Thành Tâm được báo cáo như một dẫn chứng, theo đó ông Đặng Thành Tâm chỉ sở hữu 2,97% tại Navibank và không có cổ phần tại Western Bank, nhưng ông lại sở hữu gián tiếp cả hai ngân hàng này thông qua một doanh nghiệp mà công ty của ông có vốn đầu tư.
Bình luận về vấn đề này, có ý kiến cho rằng vấn đề sở hữu chồng chéo đã tồn tại rất lâu trong hệ thống ngân hàng Việt Nam và hệ lụy của nó là gây nên tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các ngân hàng. Nó cũng là một trong những nguyên nhân của việc cho vay theo quan hệ, bất chấp hiệu quả sử dụng vốn vay. Các ngân hàng thương mại đôi khi trở thành sân sau của các doanh nghiệp chuyên huy động vốn trong dân để phục vụ các dự án của mình. Khi cho vay lại thiếu cẩn trọng trong thẩm định dự án, làm tăng nợ xấu, gây bất ổn cho thị trường tài chính. Đây cũng chính là kẽ hở của pháp luật về quan hệ sở hữu tại các tổ chức tài chính tín dụng. Kẽ hở này cần nhanh chóng được lấp đầy để tránh tình trạng “thâu tóm các ngân hàng trái pháp luật” của một số cá nhân, tổ chức.
Ý kiến khác cho rằng, đây mới chỉ là phần nổi của tảng băng, thực tế của chuyện sở hữu chồng chéo tại các ngân hàng còn lớn hơn nhiều. Theo quy định của pháp luật, cá nhân không được sở hữu quá 5% vốn của một tổ chức tín dụng, còn một tổ chức không được sở hữu quá 15% vốn. Tuy nhiên, bằng các thủ đoạn khác nhau, một số cá nhân, tổ chức đã tìm cách sở hữu nhiều hơn quy định trên nhằm gây ảnh hưởng nhất định đối với hoạt động của ngân hàng.
Liên quan đến vấn đề này, ngày 5-9, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam đã khẳng định trước báo giới: Hiện nay, cơ quan chức năng đang quyết liệt đối với các hành vi vi phạm để làm trong sạch hệ thống ngân hàng, đảm bảo mạch máu cơ thể nền kinh tế được thông suốt, lành mạnh.
Trung Nguyễn