Doanh nghiệp - Doanh nhân

Sở Giao dịch hàng hóa - công cụ thiết yếu của nền kinh tế hiện đại

Trang Nhi 28/05/2025 - 08:56

Việc giao dịch hàng hóa thông qua Sở giao dịch đang dần khẳng định vai trò là công cụ thiết yếu trong nền kinh tế hiện đại với những vai trò như bảo hiểm giá, phòng ngừa rủi ro thị trường…

Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV), đơn vị tại Việt Nam được cấp phép giao dịch hàng hoá, đã tạo dựng được nền móng thị trường vững chắc qua việc tổ chức giao dịch 46 mặt hàng và liên thông với 10 Sở giao dịch hàng hoá lớn trên thế giới như CME, ICE, SGX...

so-giao-dich-hang-hoa.jpg
Ảnh minh họa

Theo số liệu của MXV, hiện có 30 công ty thành viên và môi giới, giá trị giao dịch trung bình đạt từ 5.000-7.000 tỷ đồng/ngày, thậm chí có phiên lên tới 11.000 tỷ đồng, đạt mức tăng trưởng 10% giai đoạn 2023-2024.

Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong cũng cho biết, việc phát triển giao dịch hàng hóa qua Sở giao dịch còn góp phần hình thành kênh đầu tư tài chính hiện đại nhờ sự phát triển đồng bộ các loại thị trường và hoàn thiện các thể chế cạnh tranh lành mạnh, minh bạch giữa các bên tham gia thị trường; giảm bớt sự phụ thuộc vào trung gian và thao túng giá; góp phần cụ thể hoá và hiện thực hóa các định hướng lớn của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân: Lấy kinh tế tư nhân làm động lực quan trọng nhất trong tăng trưởng kinh tế, đổi mới sáng tạo, nâng cao sức cạnh tranh và giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta thời gian tới.

Phó Tổng Giám đốc MXV Nguyễn Ngọc Quỳnh cho biết, nhằm hướng tới một thị trường giao dịch hàng hóa hiện đại, tiệm cận quốc tế, trong nhiều năm qua, MXV đã nỗ lực để xây dựng hệ thống quản lý, giao dịch hiệu quả và nhận được đánh giá cao từ các đối tác nước ngoài.

“Điển hình như hệ thống công nghệ giao dịch M-System do MXV tự phát triển có khả năng xử lý khối lượng giao dịch lớn, an toàn, nhanh chóng, phục vụ hiệu quả cho hàng nghìn nhà đầu tư mỗi ngày”, Phó Tổng Giám đốc MXV chia sẻ.

Đáng chú ý, sự phát triển của hoạt động giao dịch hàng hóa qua MXV luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo và điều hành sát sao từ Chính phủ cùng các cơ quan quản lý.

Bộ Công Thương - với vai trò cơ quan chủ quản - đã thể hiện tầm nhìn chiến lược trong việc kiến tạo hành lang pháp lý cho thị trường giao dịch hàng hóa Việt Nam, khi đã chủ động xây dựng một hệ thống chính sách mới, nhằm hướng tới tương thích với chuẩn mực quốc tế, tạo nền tảng vững chắc cho hoạt động giao dịch hàng hóa phát triển bền vững.

Điển hình là định hướng xây dựng Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 158/2006/NĐ-CP Quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hoá qua Sở Giao dịch hàng hóa và Nghị định số 51/2018/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 158/2006/NĐ-CP, Bộ Công Thương đã thể hiện tư duy đột phá với ba trụ cột cải cách quan trọng.

Đó là: Tối ưu hóa điều kiện và thủ tục gia nhập thị trường, bảo đảm chỉ những tổ chức có đủ năng lực và uy tín mới được tham gia vận hành; hoàn thiện toàn diện khung pháp lý điều chỉnh hoạt động của các chủ thể - từ doanh nghiệp đến cá nhân - nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả giao dịch; xây dựng cơ chế quản lý nhà nước hiện đại với khả năng giám sát chặt chẽ, thực thi pháp luật nghiêm minh và xử lý vi phạm kịp thời, tạo môi trường kinh doanh minh bạch và công bằng.

Về phía Bộ Tài chính, cơ quan này đã tạo lập môi trường thuận lợi cho thị trường giao dịch hàng hóa phát triển thông qua chính sách quản lý thuế, trong đó có chính sách thuế VAT phù hợp thông lệ quốc tế và thực tiễn Việt Nam giúp giảm chi phí giao dịch và tăng tính cạnh tranh của thị trường.

Hơn nữa, để bảo đảm tính minh bạch trong báo cáo tài chính và quản lý rủi ro đối với sản phẩm tài chính, Bộ Tài chính cũng đã có kế hoạch phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương xây dựng hệ thống quy định về chế độ hạch toán kế toán chuyên biệt cho hoạt động giao dịch hàng hóa để hoàn thiện khung pháp lý cho giao dịch hàng hóa phái sinh - một công cụ quan trọng giúp doanh nghiệp phòng ngừa rủi ro giá cả. Việc xây dựng các tiêu chuẩn kế toán riêng biệt cho các sản phẩm phái sinh hàng hóa không chỉ nâng cao tính chuyên nghiệp mà còn tạo sự tin cậy cho các nhà đầu tư quốc tế.

Còn về phía Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đã ban hành các quy định về thanh toán, chuyển tiền chuyên biệt cho giao dịch hàng hóa tại Thông tư 20/2022/TT-NHNN về việc hướng dẫn hoạt động chuyển tiền một chiều từ Việt Nam ra nước ngoài và thanh toán, chuyển tiền cho các giao dịch vãng lai khác, nâng cao đáng kể hiệu quả của hoạt động giao dịch hàng hóa và thể hiện sự chủ động và tầm nhìn xa trong việc xây dựng hạ tầng thanh toán hiện đại, tạo nền tảng vững chắc cho hoạt động giao dịch hàng hóa.

Đáng chú ý, Ngân hàng Nhà nước cũng đã thiết lập cơ chế giám sát chặt chẽ đối với các khoản thanh toán, chuyển tiền của Sở giao dịch hàng hóa. Cơ chế kiểm soát nghiêm ngặt này không chỉ nâng cao tính an toàn và bảo vệ thị trường giao dịch hàng hóa, mà còn góp phần bảo đảm an ninh cho hệ thống thanh toán tài chính.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sở Giao dịch hàng hóa - công cụ thiết yếu của nền kinh tế hiện đại