Giáo dục

Sở GD&ĐT tỉnh Đắk Lắk: Quan tâm đặc biệt đến giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Lê Hiếu 14/12/2023 - 21:32

Chất lượng giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh Đắk Lắk thời gian qua đã được nâng lên rõ rệt, rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các dân tộc, vùng miền, đô thị và nông thôn.

Thời gian qua, hoạt động giáo dục trong vùng dân tộc và miền núi ở tỉnh Đắk Lắk được đẩy mạnh. Đây được xem là nỗ lực của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh Đắk Lắk khi đã kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm các chính sách về giáo dục đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, phát huy hiệu quả tích cực. Từ đó, chất lượng giáo dục ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) được nâng lên rõ rệt, rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các dân tộc, vùng miền, đô thị và nông thôn.

Từng bước khẳng định chất lượng giáo dục vùng dân tộc

Theo đánh giá của Sở GD&ĐT tỉnh Đắk Lắk, trong thời gian qua, giáo dục dân tộc đã đạt được những thành quả rất đáng khích lệ. Các chính sách về GD&ĐT, bồi dưỡng nguồn nhân lực phát huy hiệu quả tích cực. Các trường phổ thông dân tộc nội trú triển khai thực hiện đồng bộ các hoạt động giáo dục, dạy chữ đến dạy nghề, chất lượng giáo dục ngày càng được nâng cao…

Toàn tỉnh Đắk Lắk hiện có 6 Trường phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) ở cấp huyện; trong đó có 4 trường PTDTBT tại huyện M’Drắk; 1 trường PTDTBT liên cấp tại huyện Krông Búk. Trường phổ thông có học sinh bán trú theo Nghị định số 116/2016/NĐ-CP gồm 18 trường với quy mô gần 6.000 HS.

Từ khi có mô hình trường PTDTBT và các chính sách hỗ trợ đi kèm, chất lượng giáo dục ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đã được nâng lên rõ rệt, nhất là vấn đề tiếp cận công bằng trong giáo dục và chất lượng giáo dục đại trà.

Năm học 2022-2023, kết quả giáo dục học sinh dân tộc thiểu số (HSDTTS) hoàn thành chương trình lớp học đạt 96% (tăng 1,6% so với cùng kì năm học trước); HSDTTS hoàn thành chương trình tiểu học đạt 99,8% (tăng 0,6% so với cùng kì năm 2022). HSDTTS học đúng tuổi đạt 84,3%.

theo-tien-si-do-tuong-hiep-dau-tu-phat-trien-giao-duc-va-dao-tao-vung-dan-toc-thieu-so-la-nhiem-vu-quan-trong-cua-nganh-giao-duc.(1).png
Tiến sĩ Đỗ Tường Hiệp - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Đắk Lắk

Cơ sở vật chất, thiết bị trường học phục vụ hoạt động dạy và học của các cơ sở giáo dục vùng DTTS, miền núi được quan tâm đầu tư đã góp phần ổn định và phát triển quy mô giáo dục, tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục phấn đấu đạt chuẩn quốc gia và hoàn thiện dần mạng lưới cơ sở giáo dục ở các địa phương.

Chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục ở vùng DTTS miền núi ngày càng được nâng cao, đáp ứng yêu cầu thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (CTGDPT 2018).

TS. Đỗ Tường Hiệp, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Đắk Lắk cho biết, với những chính sách đầu tư, chăm lo phát triển giáo dục dân tộc, hàng năm, thành tích của học sinh, sinh viên, thanh niên DTTS xuất sắc, tiêu biểu của tỉnh tăng hơn các năm trước cả về số lượng và chất lượng. Điều này khẳng định, chất lượng giáo dục vùng DTTS đã và đang phát triển mạnh mẽ cả về quy mô và chất lượng giáo dục.

“Địa phương luôn thực hiện chính sách ưu tiên đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo vùng dân tộc thiểu số nhằm thu hẹp khoảng cách về chất lượng giáo dục giữa các vùng, bảo đảm điều kiện phát triển giáo dục bền vững, coi đây là giải pháp quan trọng nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương”, ông Hiệp nói.

Bảo đảm giáo dục chất lượng, công bằng, toàn diện

Đắk Lắk là tỉnh có 49 dân tộc, anh em cùng sinh sống, trong đó, đồng bào DTTS chiếm hơn 30%. Các xã vùng sâu, vùng xa có địa bàn rộng, điều kiện cơ sở vật chất nhà trường còn thiếu, chưa đồng bộ, trang thiết bị còn chưa đáp ứng yêu cầu dạy và học, chất lượng giáo dục có sự chênh lệch so với vùng có điều kiện thuận lợi. Để khắc phục những điều đó, Sở GD&ĐT tỉnh Đắk Lắk đã đưa ra phương hướng, nhiệm vụ, triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để đồng bào các DTTS có cơ hội tiếp cận giáo dục bình đẳng.

Nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục vùng đồng bào dân tộc, đảm bảo đủ giáo viên cho từng cấp học, môn học. Đội ngũ giáo viên các cấp đáp ứng yêu cầu thực hiện CTGDPT 2018. Ưu tiên đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo vùng dân tộc thiểu số đảm bảo nền giáo dục có chất lượng, công bằng, toàn diện và thúc đẩy các cơ hội học tập suốt đời cho tất cả mọi người.

Theo TS. Đỗ Tường Hiệp, trong những năm qua, Sở GD&ĐT tỉnh với chức năng là cơ quan quản lý nhà nước về công tác giáo dục đã nỗ lực phấn đấu, khắc phục khó khăn; cùng các sở, ban, ngành tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện nhiều chương trình, chính sách, kế hoạch quan trọng góp phần thực hiện phát triển GD&ĐT, đặc biệt là phát triển GDĐT vùng DTTS, vùng nông thôn nhằm thu hẹp khoảng cách về chất lượng giáo dục giữa vùng DTTS, vùng nông thôn với khu vực thành thị.

toan-nganh-giao-duc-dong-long-quyet-tam-chuan-hoa-doi-ngu-giao-vien-can-bo-quan-ly..png
Toàn ngành giáo dục đồng lòng, quyết tâm chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý

Thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục dân tộc. Đảm bảo công bằng trong tiếp cận giáo dục và đáp ứng nhu cầu học tập của người dân tộc thiểu số, người sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và các đối tượng chính sách khác. Phát triển các phương thức giáo dục hòa nhập, chuyên biệt và bán chuyên biệt để đáp ứng quyền được học của người học là người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục học sinh dân tộc; Nâng cao chất lượng quản lý và tổ chức các hoạt động giáo dục của trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú; Thực hiện có hiệu quả Đề án tăng cường tiếng Việt cho học sinh tiểu học vùng DTTS giai đoạn 2; kế hoạch triển khai Chương trình nâng cao chất lượng dạy học các môn tiếng DTTS trong chương trình giáo dục phổ thông giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh.

Tăng cường thu hút các nguồn lực hợp pháp để đầu tư cho GD&ĐT; Ưu tiên củng cố, phát triển các trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú và các trường phổ thông có học sinh bán trú, các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

“Với kết quả đạt được, trong thời gian tới Sở GD&ĐT sẽ tiếp tục tập trung vào các mục tiêu đề ra, thực hiện hiệu quả các biện pháp phát triển bền vững cho vùng DTTS, miền núi. Bởi đây là con đường ngắn nhất góp phần nâng cao mặt bằng dân trí và chất lượng nguồn nhân lực, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển nhanh và bền vững của vùng DTTS và miền núi”, TS. Đỗ Tường Hiệp nhận định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sở GD&ĐT tỉnh Đắk Lắk: Quan tâm đặc biệt đến giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi