Theo thông tin từ Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, từ đầu năm 2017 đến nay cả nước có 48.898 trường hợp mắc sốt xuất huyết trong đó có 14 trường hợp tử vong.
Theo đó, các tỉnh ở khu vực miền Nam số mắc trong tuần chiếm 66,8 % số mắc cả nước; khu vực miền Trung, Tây Nguyên số ca mắc sốt xuất huyết giảm đáng kể; khu vực miền Bắc cao so hơn so với cùng kỳ năm 2016 là 404%.
Phun thuốc muỗi, hóa chất để xua đuổi muỗi, phòng chống lây nhiễm bệnh sốt xuất huyết. Ảnh minh họa.
Trong tuần vừa qua, cả nước ghi nhận hơn 3.100 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, trong đó có một trường hợp tử vong tại tỉnh Tiền Giang. So với tuần trước, số ca mắc bệnh đã giảm 8,7%.
Tại Hà Nội, từ đầu năm đến nay đã ghi nhận 4.147 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 1 trường hợp tử vong.
Mới đây, ở quận Hoàng Mai phát hiện 541 trường hợp mắc sốt xuất huyết. Đồng thời Hà Nội cũng phát hiện 125 ổ dịch tại 14/14 phường. Hiện tại, vẫn còn 30 ổ dịch đang hoạt động, 50 bệnh nhân đang được điều trị tại các cơ sở y tế.
Theo chia sẻ của ông Đặng Quang Tấn, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết: “Nguyên khiến sốt xuất huyết gia tăng là do khu vực Hà Nội mùa hè đến sớm nên đàn muỗi có điều kiện phát triển. Không những thế, hiện sự cố vỡ nước sông Đà khiến người dân tăng dự trữ nước tạo điều kiện cho bọ gậy, loăng quăng phát triển.
Ngoài ra, các công trình xây dựng đang triển khai trong khu vực dân cư cùng vói điều kiện vệ sinh tại khu nhà trọ của công nhân lao động kém cũng là nguy cơ cho loại muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết phát triển.
“Hiện tại bệnh sốt xuất huyết chưa có vaccine phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Biện pháp phòng bệnh chủ yếu và hiệu quả là diệt muỗi, diệt loăng quăng/bọ gậy và phòng muỗi đốt”, ông Tấn cho biết thêm.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh sốt xuất huyết, ngành y tế đã triển khai nhiều biện pháp ngăn chặn.