"Sự phản kháng của người tiêu dùng đối với hình thức tiếp thị liên kết trên mạng xã hội" (Trường Đại học Mở TP.HCM) là một trong những đề tài nghiên cứu nhận được sự quan tâm lớn của các bạn trẻ tại Hội thảo Khoa học trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ II. Ngoài chỉ ra nguyên nhân, nhóm nghiên cứu còn đề xuất nhiều giải pháp thiết thực.
Đây là một trong bốn báo cáo xuất sắc được Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam trao bằng khen tại Hội thảo Khoa học trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ II, với chủ đề "Thanh niên trong bối cảnh chuyển đổi số".
Theo bạn Trần Cát Anh (Trường ĐH Mở TP.HCM) - Chủ nhiệm đề tài, affiliate marketing đã tạo nên sức hấp dẫn như một tiềm năng tăng trưởng vàng, một kế hoạch kinh doanh với chi phí thấp cho mỗi doanh nghiệp, cá nhân và luôn có cơ hội cho những người muốn kiếm tiền từ việc quảng bá các sản phẩm tiếp thị liên kết. Từ các doanh nghiệp nhỏ chỉ kinh doanh một mặt hàng cho đến các tập đoàn khổng lồ, việc tham gia tiếp thị liên kết như một phần tấn yếu trong chiến lược kinh doanh.
Tại Việt Nam, theo số liệu tháng 1/2022 có 72,10 triệu người mạng Internet; 76,95 triệu người dùng mạng xã hội. Trong đó có 51,78 triệu người dùng mua hàng trực tuyến thông qua Internet. Điều này cho thấy tiềm năng tiếp thị liên kết tại thị trường Việt Nam là rất lớn, khi số lượng người tiêu dùng tham gia vào quá trình mua sắm trực tuyến ngày một tăng cao. Có thể thấy Việt Nam đang trong thời kỳ tăng trưởng vàng công nghệ số. Do vậy, hình thức tiếp thị liên kết tại Việt Nam hiện vẫn còn nhiều cơ hội để phát triển và tăng trưởng.
Tuy nhiên, phần lớn các nghiên cứu trước đây đều tập trung vào nghiên cứu những ứng dụng thực tế nhằm mô tả lợi ích, hiệu quả mà hình thức này mang lại cho doanh nghiệp. Trong khi đó, kỷ nguyên 4.0 phát triển và người tiêu dùng ngày càng trở nên thông minh trong tiêu dùng. Do vậy, cần có những nghiên cứu sâu về hành vi của người tiêu dùng đối với hình thức tiếp thị liên kết nhằm điều chỉnh những lạm dụng quá mức hình thức marketing này trong các chiến dịch marketing.
"Đề tài của nhóm nghiên cứu hướng đến việc xác định những yếu tố tác động đến sự phản kháng của người tiêu dùng và từ đó đề xuất các giải pháp giúp doanh nghiệp cũng như các đơn vị tiếp thị liên kết có thể áp dụng hình thức tiếp thị liên kết vào các chiến lược marketing một cách hiệu quả", Cát Anh cho hay.
Để giải quyết những nội dung này, nhóm đã làm việc chăm chỉ trong nhiều tháng với nhiều cuộc khảo sát, đánh giá khác nhau. Trong đó, nhóm bạn trẻ chú trọng khảo sát thực trạng nhận thức về tác động tiêu cực của tiếp thị liên kết.
Theo đó, hành vi phản kháng đến từ các yếu tố như niềm tin, thái độ, sự lo lắng về bảo mật thông tin khiến người tiêu dùng e ngại khi sử dụng hình thức tiếp thị liên kết trên mạng xã hội.
Từ khảo sát thực tiễn cho thấy, người tiêu dùng hoặc người thân của họ đã từng có những mất mát về thông tin riêng tư sẽ gia tăng mối lo ngại về quyền riêng tư về sau. Bên cạnh đó các hành vi xấu như lạm dụng spam, đưa content sai thông tin, lừa người mua hàng cũng là điều tiêu cực xảy ra nhiều hiện nay…. Nó gây phiền toái cho khách hàng, gây ra ấn tượng xấu cho khách hàng không chỉ về sản phẩm mà còn cả nhà cung cấp lẫn đơn vị trung gian.
Từ đó, nhóm nghiên cứu đã đưa ra cảnh báo về việc lạm dụng quá mức hình thức tiếp thị này, cũng như đề ra một số giải pháp cho đối tượng hưởng lợi là các doanh nghiệp, đơn vị tiếp thị liên kết, các nhà sáng tạo nội dung nhằm nâng cao hiệu quả tiếp thị và tạo dựng lòng tin, thái độ của người dùng khi sử dụng tiếp thị liên kết trên mạng xã hội.
Với sự thiết thực và mang tính thời sự cao, đề tài nghiên cứu của nhóm bạn trẻ sẽ được Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam phối hợp với các tập thể, cá nhân có chuyên môn hỗ trợ, hoàn thiện hướng đến việc công bố quốc tế.
Tiếp thị liên kết (affiliate marketing) là một hình thức tiếp thị dựa trên hiệu suất.
Đây là một cách để các doanh nghiệp tiếp thị các sản phẩm, dịch vụ của mình dựa trên nền tảng internet. Các cá nhân, tổ chức sẽ quảng bá sản phẩm hoặc dịch vụ cho nhiều cá nhân, đơn vị có nhu cầu quảng cáo khác và được hưởng hoa hồng từ phương thức quảng bá này thông qua lượng truy cập, doanh số bán hàng hoặc mức độ thành công của đơn hàng.