Người vợ khi sinh con sẽ được hưởng trợ cấp một lần khi sinh con. Mức trợ cấp bằng 2 lần mức lương cơ sở.
Hỏi: Tôi tham gia đóng bảo hiểm từ tháng 01/2018 với mức lương 3,5 triệu đồng. Theo dự kiến, đầu năm 2022 tôi sinh em bé. Vậy xin hỏi luật sư khi sinh tôi được hưởng chế độ bảo hiểm như thế nào trong trường hợp sinh thường hoặc sinh mổ? Chồng tôi có được hưởng chế độ gì không? (chồng tôi tham gia đóng bảo hiểm từ 1/2020 với mức lương 4 triệu đồng). Nơi đăng ký khám chữa bệnh theo thẻ bảo hiểm y tế của tôi là bệnh viện quận ở Hà Nội. Vậy nếu tôi đăng ký sinh tại bệnh viện Phụ sản Hà Nội hoặc bệnh viện Phụ sản Trung ương có bị coi là vượt tuyến, trái tuyến không? Tôi được hưởng bao nhiêu % bảo hiểm y tế nếu đăng ký sinh tại 2 viện này?
Nguyễn Thị Hoa, Đan Phượng, Hà Nội.
Trả lời: Trường hợp cả hai vợ chồng bạn đều là người lao động làm việc theo hợp đồng không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, có thời gian đóng Bảo hiểm xã hội quá 6 tháng trước khi mang thai, sinh con thì cả vợ và chồng cùng đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản theo quy định tại điều 2, 30 và 31 văn bản Hợp nhất Luật Bảo hiểm xã hội 2018.
Trong trường hợp của bạn, thì người vợ được hưởng các chế độ sau liên quan đến thai sản, bao gồm: Chế độ khám thai, chế độ nghỉ sinh, được nhận trợ cấp một lần khi sinh con; chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản. Người chồng sẽ được hưởng chế độ thai sản khi vợ sinh con, không được hưởng chế độ trợ cấp một lần khi sinh con do người vợ đã được hưởng rồi.
Thời gian người vợ được nghỉ việc để đi khám thai là 05 lần, mỗi lần 01 ngày. Trường hợp ở xa cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc người mang thai có bệnh lý hoặc thai không bình thường thì được nghỉ 02 ngày cho mỗi lần khám thai. Mức hưởng chế độ bằng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội 6 tháng trước khi nghỉ chia cho 24 ngày nhân số ngày nghỉ theo quy định. Giả sử bạn khám thai trong điều kiện sức khỏe bình thường thì số ngày nghỉ là 05, mức tiền hưởng là 729 nghìn đồng, nếu nghỉ trong trường hợp đặc biệt thì số ngày và số tiền được nhân đôi.
Người vợ khi sinh con sẽ được hưởng trợ cấp một lần khi sinh con. Mức trợ cấp bằng 2 lần mức lương cơ sở. Năm 2021, mức lương cơ sở là 1.490.000 đồng/tháng. Do đó, mức trợ cấp một lần khi sinh con là 2.960.000 đồng/tháng. Người chồng không được hưởng trợ cấp 01 lần khi vợ sinh con do người vợ đã được hưởng chế độ thai sản rồi.
Thời gian người vợ được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trước và sau khi sinh con là 06 tháng. Thời gian hưởng chế độ thai sản trước khi sinh tối đa không quá 02 tháng. Theo Điều 39 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định tiền trợ cấp thai sản khi lao động nữ sinh con bằng 100% nhân mức bình quân tiền lương tháng đóng Bảo hiểm xã hội 6 tháng trước khi nghỉ nhân với 06 tháng. Trường hợp của bạn, người vợ được hưởng số tiền là 21 triệu đồng.
Người chồng đang đóng Bảo hiểm xã hội khi vợ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản như sau: 05 ngày làm việc (sinh thường); 07 ngày làm việc (phải phẫu thuật, sinh con dưới 32 tuần tuổi). Mức hưởng chế độ bằng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội 6 tháng trước khi nghỉ chia cho 24 ngày nhân số ngày nghỉ theo quy định. Giả sử vợ bạn sinh thường thì số ngày nghỉ là 05, mức tiền hưởng là 833 nghìn đồng.
Thêm một quyền lợi mới cho lao động nam quy định tại Thông tư 06/2021/TT-BLĐTBXH đó là được nghỉ chế độ thai sản thành nhiều lần khi vợ sinh con. Trước đây khi không có quy định này, việc nghỉ hưởng chế độ thai sản của lao động nam khi vợ sinh con thường thực hiện một lần cho toàn thời gian được quy định. Với quy định mới, từ ngày 01/9/2021, lao động nam có thể nghỉ hưởng chế độ thai sản một cách linh hoạt hơn nhờ chia thời gian nghỉ thành nhiều lần nhưng phải đảm bảo thời gian bắt đầu nghỉ việc của lần cuối cùng phải trong 30 ngày đầu từ ngày vợ sinh con.
Ngay sau thời gian hưởng chế độ thai sản nêu trên, trong khoảng thời gian 30 ngày đầu làm việc mà sức khỏe chưa phục hồi thì người vợ được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe từ 05 đến 10 ngày. Số ngày nghỉ thực tế do người sử dụng lao động và Ban chấp hành Công đoàn cơ sở quyết định nhưng tối đa là 07 ngày đối với trường hợp sinh con phẫu thuật và 05 ngày đối với trường hợp sinh thường. Mức hưởng bằng 30% nhân với lương cơ sở. Năm 2021, mức lương cơ sở là 1,49 triệu đồng/tháng. Do đó, mức hưởng dưỡng sức sau sinh là 447.000 đồng/ngày.
Căn cứ vào Quyết định 222/QĐ-BHXH năm 2021 thì trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày trở lại làm việc, người lao động nộp hồ sơ hưởng chế độ thai sản nêu trên cho Người sử dụng lao động. Trong vòng 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ từ người lao động, người sử dụng lao động có trách nhiệm lập hồ sơ nộp cho cơ quan Bảo hiểm xã hội. Cơ quan bảo hiểm xã hội chi trả tiền thai sản cho người lao động trong vòng 06 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ từ người sử dụng lao động.
Khi tham gia bảo hiểm y tế, người tham gia buộc phải đăng ký nơi khám chữa bệnh ban đầu. Tùy vào từng đối tượng nơi khám chữa bệnh ban đầu có thể là tuyến xã, tuyến huyện, tuyến tỉnh hoặc trung ương. Sinh con trái tuyến là việc sản phụ sinh con ở cơ sở khám chữa bệnh mà không phải là cơ sở khám chữa bệnh ban đầu. Bạn đăng ký khám chữa bệnh tại bệnh viện tuyến huyện nhưng lại muốn khám và điều trị tại Bệnh viện tuyến tỉnh và Trung ương được coi là vượt tuyến.
Căn cứ theo quy định tại Khoản 15, Điều 1, Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi, bổ sung 2014 và Khoản 1, Điều 22, Luật Bảo hiểm y tế thì trường hợp bạn làm việc theo hợp đồng lao động, sinh con trái tuyến tại bệnh viện tuyến trung ương thì mức hưởng là 40% của 80% chi phí điều trị nội trú. Tức bình thường, bạn điều trị đúng tuyến thì được giảm 80% chi phí khám chữa bệnh, bạn phải thanh toán 20%. Nay bạn đi khám trái tuyến tại Bệnh viện tuyến trung ương thì chỉ được giảm 40% của 80% chi phí. Sinh con trái tuyến tại bệnh viện tuyến tỉnh được hưởng 100% của 80% chi phí điều trị nội trú.
Với các quy định nêu trên, có thể thấy, pháp luật hiện hành tạo điều kiện tối đa cho người lao động thực hiện tốt nhất thiên chức của mình. Chính vì vậy, các cặp vợ chồng sinh con cần đặc biệt lưu ý các quyền lợi thuộc chế độ thai sản.