Để có thể đưa những chiếc siêu xe hạng sang vào Việt Nam mà không cần bỏ ra khoản tiền lớn nộp thuế nhập khẩu, những tay chơi xe đã dùng mọi mánh khóe. Một trong số đó là việc “mua” lại biển ngoại giao từ những chủ xe được miễn thuế.
Theo quy định, khi đến công tác tại Việt Nam, các nhân viên ngoại giao được mang theo một xe ô tô. Đúng theo quy định, sau khi hết thời gian công tác, chiếc xe mang theo cũng phải tái xuất, chuyển nhượng hoặc tiêu hủy. Tuy nhiên, trên thực tế, có tình trạng tự ý thay đổi mục đích sử dụng hoặc chuyển nhượng “chui” cho người khác, nhiều xe quá hạn vẫn không làm thủ tục này.
Xuất hiện tình trạng này là do nhiều người đã mua và sử dụng các siêu xe, xe sang, siêu sang đeo biển đối ngoại. Cụ thể, khi biết một số viên chức của cơ quan ngoại giao công tác tại Việt Nam không có nhu cầu sử dụng ô tô, những tay “cò” sẽ tìm cách tiếp cận, hỏi mua lại suất này. Giá mua tùy thuộc vào thời gian công tác còn lại của các viên chức ngoại giao tại Việt Nam, khoảng từ vài chục ngàn đến hơn 100.000 USD/suất.
Chiếc Lamborghini Aventador và xe BMW cùng biển số
Số liệu thống kê của hải quan cho thấy, hiện còn tới hàng trăm chiếc xe ô tô của các cơ quan ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam đã quá hạn, nhưng chưa thực hiện các thủ tục chuyển nhượng, tái xuất, tiêu huỷ đúng thời gian.
Có thể kể tới trường hợp giữa năm 2016, dân chơi xe Việt Nam bất ngờ khi chiếc Mercedes Benz GTS AMG 2 cửa, màu đỏ, đời 2015 (giá thị trường hơn 8 tỉ đồng sau khi ra biển số trắng lăn bánh ở Việt Nam) xuất hiện trên đường phố Hà Nội mang BS 80-xxx-CV-08.
Mặc dù xe này do ông P.S (công tác tại một đại sứ quán ở Hà Nội) đứng tên, nhưng mỗi lần xuất hiện trên phố lại do một “thiếu gia” ở Hà Nội chạy. Sau một thời gian phô diễn trên đường, có lẽ do lo ngại “bị dòm ngó” nên người này bán lại cho một salon ở Hà Nội.
Đến tháng 4/2017, C. (tay chơi xe nổi tiếng ở Sài thành) mua chiếc Mercedes Benz GTS AMG này đem vào TP.HCM thay “áo mới” bằng decal màu xám đen. Chơi một thời gian, C. cũng bán cho người khác và sau khi qua tay thêm một vài chủ nhân nữa thì nay siêu xe này thuộc về chủ một cửa hàng thời trang ở Q.5 (TP.HCM) với giá 140.000 USD.
Trước đây, Công an Q.7 (TP.HCM) từng tạm giữ xử lý 13 ô tô hạng sang như Bentley, Porsche, Lexus... mang biển số, giấy tờ giả, trong đó có cả xe mang biển số ngoại giao. Sau đó, công an tiến hành rà soát loại xe này và tình hình có vẻ lắng xuống. Song thực tế phong trào “mua suất” xe ngoại giao vẫn tồn tại, gây nhiều hệ lụy về kinh tế, xã hội…
Theo Thông tư 93/2018/TT-BTC sửa đổi Thông tư 19/2014/TT-BTC về thủ tục tạm nhập khẩu ô tô của đối tượng được quyền ưu đãi, miễn trừ tại Việt Nam, Bộ Tài chính vừa ban hành, thì kể từ 20/11/2018, để được tạm nhập khẩu miễn thuế ô tô và xe gắn máy vào Việt Nam phải được Bộ Ngoại giao cấp tiêu chuẩn tạm nhập khẩu, tại sở định mức hàng miễn thuế theo quy định.
Đối với trường hợp người kế nhiệm đề nghị tạm nhập khẩu xe ô tô, xe gắn máy, Bộ Ngoại giao chỉ cấp khi người tiền nhiệm, đã hoàn thành thủ tục tái xuất hoặc tiêu hủy ô tô, xe gắn máy, chuyển nhượng theo đúng quy định, trên cơ sở thông báo của cơ quan hải quan.
Ngoài ra, quy định mới cũng mở rộng hơn đối tượng được mua xe ngoại giao. Tại thời điểm chuyển nhượng, nếu năm sản xuất của ô tô quá 5 năm, thì cơ quan ngoại giao, viên chức ngoại giao được chuyển nhượng xe. Trước đây, các xe thuộc diện này không được chuyển nhượng cho cơ quan, tổ chức, thương nhân, cá nhân tại Việt Nam mà chỉ đối tượng được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ tại Việt Nam mới được nhận chuyển nhượng.
Với quy định mới này, nhiều người hy vọng sẽ ngăn chặn hiện tượng xe sang, siêu sang, siêu xe mang biển số ngoại giao bùng phát thời gian qua.