Theo Thanh tra Bộ Tài chính, có 7 khoản đầu tư tại Tổng công ty Xi măng Việt Nam tiềm ẩn rủi ro mất vốn đầu tư khi phải trích lập dự phòng tổn thất các khoản đầu tư với số tiền là hơn 3.017 tỷ đồng.
Trước đó, Thanh tra Bộ Tài chính đã tiến hành thanh tra việc chấp hành pháp luật về tài chính, kế toán và thuế tại Công ty mẹ – Tổng công ty Xi măng Việt Nam (VICEM); Công ty TNHH MTV Xi măng Vicem Tam Điệp; Công ty TNHH MTV Xi măng Hải Phòng; Công ty Cổ phần Xi măng Hà Tiên.
Trích lập dự phòng tổn thất hơn 3.017 tỷ đồng
Theo Kết luận Thanh tra (KLTT) vừa được công bố, 7 khoản đầu tư của VICEM vào các công ty con tiềm ẩn rủi ro mất vốn đầu tư khi ngày 31/12/2023, tổng công ty này đã phải trích lập dự phòng tổn thất với số tiền hơn 3.017 tỷ đồng.
Đáng chú ý, VICEM đã đầu tư cho Công ty TNHH MTV Xi măng Vicem Tam Điệp với số vốn hơn 1.132 tỷ đồng (tỷ lệ 100% vốn điều lệ). Tuy nhiên, công ty con này đã lỗ lũy kế hơn 1.126 tỷ đồng, bằng 99,5% so với vốn góp của chủ sở hữu; trích lập dự phòng hơn 1.069 tỷ đồng.
Theo đánh giá của Thanh tra Bộ Tài chính, Công ty này đang mất cân đối vốn, khả năng thanh toán nợ thấp. VICEM đang hỗ trợ cho Công ty vay vốn để thanh toán các khoản nợ đến hạn với tổng số tiền là 396 tỷ đồng.
Qua thanh tra còn phát hiện Công ty TNHH MTV Xi măng Vicem Tam Điệp hạch toán tăng không đúng chi phí hơn 575 triệu đồng, dẫn đến phải giảm lỗ hơn 575 triệu đồng. Do đó, VICEM phải điều chỉnh giảm số trích lập dự phòng tổn thất đầu tư tại Công ty TNHH MTV Xi măng Vicem Tam Điệp số tiền hơn 575 tỷ đồng.
Tại Công ty Cổ phần Xi măng Hạ Long, VICEM đã rót vốn đầu tư hơn 1.605 tỷ đồng (tỷ lệ 82,69% vốn điều lệ); năm 2023 lỗ hơn 647 tỷ đồng; lỗ lũy kế là hơn 4.902 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu âm hơn 2.960 tỷ đồng; trích lập dự phòng hơn 1.605 tỷ đồng.
Trước đó, Công ty Cổ phần Xi măng Hạ Long được chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước từ Tổng công ty Sông Đà về VICEM. Tại thời điểm chuyển giao (ngày 01/01/2016), vốn điều lệ của công ty này là 982 tỷ đồng, tổng tài sản 5.332 tỷ đồng; tổng nợ vay 7.862 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu âm 2.658 tỷ đồng; lỗ lũy kế 3.640 tỷ đồng.
“Tình hình sản xuất kinh doanh gặp rất nhiều khó khăn, dẫn đến Công ty liên tục thua lỗ, tình hình tài chính tiếp tục mất cân đối nghiêm trọng, không còn khả năng trả nợ đến hạn, đứng trước nguy cơ phải dừng hoạt động vì không có dòng tiền”, theo Thanh tra Bộ Tài chính.
Tại Công ty Cố phần Xi măng Vicem Sông Thao, VICEM đã đầu tư hơn 516 tỷ đồng (tỷ lệ 80,79% vốn điều lệ). Tuy nhiên, lỗ lũy kế của công ty con này đến 31/12/2023 là hơn 312 tỷ đồng, bằng 48,89% vốn góp của chủ sở hữu; trích lập dự phòng hơn 252 tỷ đồng.
Trước đó, VICEM cũng tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu phần vốn tại Công ty cổ phần Xi măng Vicem Sông Thao từ Tổng công ty Đầu tư Phát triển Nhà và Đô thị từ tháng 6/2017. Tại thời điểm chuyển giao (ngày 31/12/2016), lỗ lũy kế của công ty này là 430,4 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu là 208,97 tỷ đồng.
Cũng theo kết luận thanh tra mới công bố, VICEM cũng đầu tư cho Công ty Cổ phần Xi măng Vicem Hải Vân với số vốn 314,6 tỷ đồng (tỷ lệ 75,75% vốn điều lệ); năm 2023 công ty này lỗ 64,1 tỷ đồng; lỗ lũy kế 60,7 tỷ đồng, bằng 14,63% vốn góp của chủ sở hữu; trích lập dự phòng 33,9 tỷ đồng.
VICEM rót vốn cho Công ty Cổ phần Sông Đà 12 số tiền 12 tỷ đồng (tỷ lệ 24% vốn điều lệ) nhưng năm 2023 công ty này lỗ 3,4 tỷ đồng; lỗ lũy kế đến 31/12/2023 là 232,9 tỷ đồng; trích lập dự phòng 10,2 tỷ đồng. Công ty có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Tương tự, tại Công ty Cổ phần Tấm lợp Vật liệu Xây dựng Đồng Nai VICEM đã đầu tư là 43,6 tỷ đồng (tỷ lệ 12,5% vốn điều lệ); năm 2023 công ty này lỗ 98,9 tỷ đồng; lỗ lũy kế đến 31/12/2023 là 787,7 tỷ đồng; trích lập dự phòng 41,3 tỷ đồng. Công ty có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Công ty Cổ phần Cao su Đồng Nai – Kratie được VICEM đầu tư 96 tỷ đồng (tỷ lệ 11,27% vốn điều lệ) nhưng công ty này lỗ lũy kế đến 31/12/2023 là 179,5 tỷ đồng; trích lập dự phòng 4,2 tỷ đồng.
Ngoài ra, 09 công ty con, công ty liên doanh liên kết khác được VICEM đầu tư cũng có kết quả kinh doanh lỗ năm 2023 nhưng vốn chủ sở hữu được cho là vẫn cao hơn vốn đầu tư.
Nguyên nhân do đâu?
Theo VICEM, nguyên nhân 10 công ty con sản xuất xi măng có hiệu quả thấp, nhiều công ty lỗ lớn trong năm 2023 và lỗ luỹ kế hơn 6.702 tỷ đồng bởi nhiều lý do.
Trong đó, lỗ lũy kế của 03 đơn vị Tổng công ty nhận bàn giao phần vốn nhà nước từ địa phương hoặc các doanh nghiệp khác thuộc Bộ Xây dựng (Công ty Cổ phần Xi măng Hạ Long, Công ty TNHH MTV Xi măng Vicem Tam Điệp, Công ty Cổ phần Xi măng Vicem Sông Thao ) tính đến thời điểm 31/12/2023 là 6.341,430 tỷ đồng, tại thời điểm bàn giao đã lỗ 4.070,4 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, sản lượng sản xuất thấp hơn nhiều công suất thiết kế tối đa dẫn đến định phí tính trên 1 đơn vị sản phẩm tăng và các chi phí duy trì bảo dưỡng tăng theo. Giá bán clinker, xi măng không tăng và một số sản phẩm thấp hơn giá thành toàn bộ; Chi phí lãi vay lớn do một số công ty đầu tư chủ yếu bằng vốn vay; do tỷ giá biến động dẫn đến phát sinh chi phí tài chính do lỗ chênh lệch tỷ giá lớn; giá nguyên vật liệu đầu vào tăng làm tăng chi phí dẫn đến hiệu quả kinh doanh thấp; việc sử dụng nguyên nhiên liệu thay thế trong sản xuất xi măng chưa áp dụng đồng đều tại các công ty thành viên VICEM…
Từ nguy cơ thua lỗ, mất vốn, Thanh tra Bộ Tài chính đề nghị VICEM tổ chức rà soát, đánh giá các khoản đầu tư tài chính tại doanh nghiệp kinh doanh kém hiệu quả; chỉ đạo Người đại diện vốn tại các doanh nghiệp có vốn góp của tổng công ty có ý kiến với Hội đồng thành viên/Hội đồng quản trị Công ty xây dựng phương án cụ thể để khắc phục các khó khăn tài chính của doanh nghiệp, khắc phục tình trạng lỗ luỹ kế kéo dài, đảm bảo nguyên tắc bảo toàn và phát triển vốn đầu tư theo quy định, tránh thất thoát vốn, tài sản của Nhà nước và của doanh nghiệp. Tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án cơ cấu lại Tổng công ty giai đoạn 2021-2025 đã được Bộ Xây dựng phê duyệt. Thực hiện nghiêm Chỉ thị số 28/CT- TTg ngày 26/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ.
Đồng thời khẩn trương xem xét, quyết định thực hiện giám sát tài chính phù hợp với các công ty có dấu hiệu mất an toàn tài chính theo quy định tại Nghị định số 87/2015/NĐ-CP ngày 06/10/2015 của Chính phủ và Điều 6 Thông tư số 200/2015/TT-BTC ngày 15/12/2015 của Bộ Tài chính.
Chỉ đạo Người đại diện vốn tại các doanh nghiệp có vốn góp của tổng công ty đôn đốc, giám sát, thu hồi lợi nhuận, cổ tức được chia theo Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 của các công ty có cổ phần, vốn góp của Tổng công ty theo quy định tại khoản 4 Điều 135 Luật Doanh nghiệp năm 2020 và điểm d khoản 2 Điều 30 Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp số 69/2014/QH13 ngày 26/11/2014.
Theo Thanh tra Bộ Tài chính, đầu tư tài chính dài hạn của VICEM tại thời điểm 31/12/2023 là 13.973 tỷ đồng vào 31 công ty (bao gồm: 17 công ty con, 10 công ty liên doanh, liên kết và 4 công ty khác) chiếm 93% vốn góp của chủ sở hữu. Cổ tức, lợi nhuận được chia VICEM hạch toán vào doanh thu tài chính năm 2023 là hơn 417 tỷ đồng, bằng 3% tổng số vốn đầu tư.
Năm 2023, có 17 công ty có kết quả kinh doanh lãi là 186.385.582.573 đồng; có 14 công ty có kết quả kinh doanh lỗ số tiền 1.610,6 tỷ đồng (trong đó Công ty cổ phần Xi măng Hạ Long có số lỗ lớn nhất là 647,8 tỷ đồng). Có 15 công ty lỗ lũỵ kế đến 31/12/2023, là 7.923,7 tỷ đồng, tương ứng với tỷ lệ góp vốn của VICEM tại từng công ty là 5.895 tỷ đồng, bằng 85,3% vốn VICEM đã đầu tư tại các công ty này. Trong đó 08/10 công ty con sản xuất xi măng thuộc Tổng công ty Xi măng Việt Nam có lỗ lũy kế đến 31/12/2023 là 6.702,6 tỷ đồng.