Shangri-La 2016: Biển Đông dâng "sóng cả", Mỹ - Trung đối đầu trong kiềm chế?

Nhật Minh| 03/06/2016 07:15
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sự quan tâm của giới truyền thông cũng làm vấn đề Biển Đông trở nên nóng hơn tại Đối thoại Shangri-La 2016”, TS. Trần Việt Thái - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược - Bộ Ngoại giao nhận định.

Shangri-La 2016: Biển Đông dâng

Vấn đề Biển Đông sẽ "đặc biệt nóng" tại Đối thoại Shangri-La 2016 (SLD 2016). Ảnh: StraitTimes

Hội nghị thượng đỉnh An ninh châu Á lần thứ 15 - Đối thoại Shangri-La 2016 (SLD 2016), chính thức khai mạc ngày 3/6, tại Singapore. Diễn ra trong 3 ngày (từ 3/6-5/6), các quan chức tham gia SLD 2016 sẽ tập trung thảo luận các vấn đề an ninh khu vực, thậm chí công khai tranh luận về căng thẳng cũng như xu hướng phát triển của khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Những chủ đề được quan tâm tại SLD lần này bao gồm: căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên liên quan đến việc Bình Nhưỡng thử hạt nhân và liên tục phóng tên lửa; mối đe dọa từ các nhóm phiến quân cực đoan tại Đông Nam Á; vấn đề an ninh mạng sau nhiều vụ tấn công vào các ngân hàng để lấy cắp tiền tại Bangladesh và Ecuador…, và đặc biệt phải kể đến vấn đề Biển Đông.

“Cơ hội cuối” cho Mỹ - Trung

SLD 2016 diễn ra tại thời điểm Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) sắp đưa ra phán quyết pháp lý mang tính bước ngoặt liên quan tới vụ kiện Biển Đông do Philippines khởi xướng. Chính vì vậy, theo nhận định của giới phân tích, diễn đàn lần này được xem như là “cơ hội cuối cùng” để Mỹ - đồng minh thân cận của Philippines - và Trung Quốc thể hiện rõ lập trường, quan điểm, đồng thời tranh thủ sự ủng hộ của các nước (trước khi PCA ra phán quyết).

Shangri-La 2016: Biển Đông dâng

Tại Shangri-La năm nay, Mỹ - Trung sẽ đối đầu nhưng vẫn "cố gắng kiềm chế giống như đã từng thể hiện năm 2015? Trong ảnh là ông Tôn Kiến Quốc (trái) và ông Ashton Carter (phải) có cuộc gặp gỡ, trao đổi sau phiên thảo luận tại SLD 2015.

Lý Kiệt, một chuyên gia quân sự tại Bắc Kinh phát biểu trên South China Morning Post rằng, ông Tôn Kiến Quốc đến Shangri-La để trình bày quan điểm của ông Tập Cận Bình: “Trung Quốc không gây rắc rối, nhưng sẽ không sợ bất kỳ rắc rối nào”.

Trong khi đó, khu vực châu Á - Thái Bình Dương hiện có những thay đổi mang tính chiến lược. Đáng chú ý, Philippines (quốc gia khởi xướng vụ kiện Biển Đông) vừa có tân Tổng thống - ông Rodrigo Duterte, người đi theo đường lối ngoại giao cứng rắn lại được giới truyền thông nhận định là “vô nguyên tắc”, thậm chí có phát ngôn “sốc” không kém tỷ phú Donald Trump - ứng viên Tổng thống Mỹ.

Shangri-La 2016: Biển Đông dâng “Sự quan tâm của giới truyền thông cũng làm vấn đề Biển Đông trở nên nóng hơn tại Đối thoại Shangri-La 2016”.

TS. Trần Việt Thái - Phó Viện trưởng
Viện Nghiên cứu Chiến lược - Bộ Ngoại giao

Đặc biệt, việc tuyên bố dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm buôn bán vũ khí với Việt Nam, cùng nhiều hoạt động nhằm tăng cường thúc đẩy quan hệ với một loạt nước ASEAN (kể từ Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - ASEAN tại Sunnylands hồi tháng 2/2016, cùng chuyến thăm một loạt nước châu Á - Thái Bình Dương trước thềm Hội nghị thượng đỉnh G7, trong đó có Việt Nam) cho thấy thiện chí hòa giải rõ ràng, cam kết cao và chắc chắn của Mỹ.

Điều này, theo đánh giá của TS. Trần Việt Thái - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược - Bộ Ngoại giao, “sẽ tạo thuận lợi cho ASEAN trong việc tăng cường nhận thức, nâng cao năng lực ứng phó với các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống trong khu vực”.

Cũng cho rằng vấn đề Biển Đông sẽ “nóng” tại SLD 2016, song theo TS. Tim Huxley - Giám đốc khu vực châu Á thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), do nhận thức rõ về hậu quả nghiêm trọng của tình trạng căng thẳng kéo dài trong quan hệ song phương, Mỹ và Trung Quốc vẫn sẽ “cố gắng kiềm chế giống như đã từng thể hiện năm 2015”, nhất là khi tình hình Đông Nam Á và cả Đông Bắc Á hiện có những diễn biến căng thẳng hơn.

Tiếng nói của ASEAN trong vấn đề Biển Đông

Tại diễn đàn Shangri-La năm nay, dư luận và giới quan sát đều hướng sự chú ý tới bài phát biểu khai mạc của Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha, nhất là sự thể hiện vai trò của đất nước xứ Chùa Vàng trong vấn đề Biển Đông.

Bởi, xét về chính sách đối ngoại của Thái Lan hiện nay, một mặt, quan hệ giữa Bangkok và Bắc Kinh tiến triển khá tích cực cả về quan hệ thương mại và quốc phòng; mặt khác, Bangkok lại có nhiều chính sách phù hợp với phương Tây. “Do đó, họ có lý do để tỏ ra thận trọng về các hành vi của Trung Quốc trong khu vực”, TS. Tim Huxley nhận định.

Ngay trước SLD 2016, các quan chức ASEAN đã có cơ hội chia sẻ những đánh giá về tình hình an ninh khu vực tại Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước thành viên ASEAN lần thứ 10 (ADMM 10) ở Vientiane, Lào; trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến vấn đề an ninh hàng hải trên biển, bao gồm cả Biển Đông. Tuyên bố chung tại ADMM 10 cũng khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định cũng như tự do hàng hải, hàng không tại Biển Đông theo các nguyên tắc đã được luật pháp quốc tế công nhận, như Công ước của Liên hiệp quốc về Luật Biển (UNCLOS).

Shangri-La 2016: Biển Đông dâng

Dư luận đặc biệt quan tâm đến bài phát biểu khai mạc của Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha tại Đối thoại Shangri-La 2016 vào ngày 3/6. Ảnh: IISS

Chính vì thế, giới quan sát và truyền thông cũng đặc biệt quan tâm tới quan điểm của các thành viên ASEAN về Biển Đông ở Shangri-La lần này, khi mà cho đến nay họ chưa có được tiếng nói chung (trong vấn đề này). Và, chắc chắn, như lời tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen tuyên bố trên Facebook cá nhân, tại Shangri-La, các nhà lãnh đạo “sẽ có cơ hội để trao đổi về từng vấn đề cụ thể”. Bởi theo ông, “chỉ khi gặp gỡ như thế này chúng ta mới có thể giải quyết những thách thức nói trên”.

Hội nghị Thượng đỉnh An ninh châu Á, hay Đối thoại Shangri-La (SLD) là một diễn đàn an ninh liên chính phủ, do Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) - một tổ chức cố vấn độc lập - tổ chức hàng năm.

Với sự tham dự của các Bộ trưởng Quốc phòng, các Bộ trưởng thường trực và các tướng lĩnh quân đội của hơn 20 quốc gia châu Á - Thái Bình Dương, SLD hiện được xem như một diễn đàn về quân sự khu vực, nơi các đoàn đại biểu có thể nêu và tiếp nhận ý kiến, và chưa có một cơ chế ràng buộc nào.

Tham dự Đối thoại Shangri-La lần thứ 15 (SLD 2016), đoàn đại biểu Mỹ do Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter dẫn đầu, trong khi lãnh đạo đoàn Trung Quốc là Phó Tổng tham mưu trưởng quân đội, Đô đốc Tôn Kiến Quốc.

Đoàn Việt Nam tham dự SLD do Bộ trưởng Quốc phòng, Đại tướng Ngô Xuân Lịch làm Trưởng đoàn.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Shangri-La 2016: Biển Đông dâng "sóng cả", Mỹ - Trung đối đầu trong kiềm chế?