Sẽ cấm Pokemon Go vì khó quản lý?

Hải Nam| 18/08/2016 06:11
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Có mặt tại Việt Nam từ ngày 6/8/2016, trò chơi Pokemon Go đã và đang gây sốt trong xã hội, đặc biệt là các bạn trẻ bởi nhiều yếu tố mới lạ, hấp dẫn nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại cao.

Ngay từ những ngày đầu có mặt tại Việt Nam, nhiều nhóm người với nhiều độ tuổi khác nhau đã tụ tập tại những nơi có không gian rộng như Hồ Gươm, Quốc Tử Giám hay trung tâm của các thành phố lớn… để chơi game.

Để tìm hiểu chi tiết hơn về “làn sóng” này, chúng tôi đã có những ghi nhận ý kiến đánh giá từ các chuyên gia quản lý, chuyên gia phát triển game và từ chính những người tham gia trải nghiệm game để gửi đến độc giả có cái nhìn đa chiều và chính xác nhất.

Tác động lợi và hại

Nhiều chuyên gia về game nhận thấy, Pokemon Go mang một chiến thuật đơn giản, đồ họa cũng bình thường nhưng lại đang trở thành một cơn sốt khó cưỡng trên toàn thế giới. Một trong những nguyên nhân được đưa ra là do tâm lý hoài cổ về một trò chơi có nguồn gốc từ Nhật Bản gắn bó với thế hệ 8x và 9x đã chiếm một phần, và điều quan trọng nhất là khả năng tương tác thực tại ảo của tựa game này.

Theo ông Nguyễn Bá Thành - chuyên gia phát triển game, nguyên Giám đốc điều hành Công ty WePlay: “Không thể phủ nhận sức hấp dẫn của Pokemon Go, khi về Việt Nam đã tạo thành một làn sóng. Sức hấp dẫn của nó đến từ 4 nguyên nhân: Một là đem lại cảm giác trở về tuổi thơ, người biết đến Pokemon sẽ chơi để có cảm xúc về ngày xưa; hai là tâm lý chinh phục thú ảo; ba là mong muốn sở hữu vật phẩm; bốn là tương tác thực tế ảo. Đây là game đầu tiên bắt người chơi ra ngoài chứ không quanh quẩn một chỗ như kiểu truyền thống”.

Sẽ cấm Pokemon Go vì khó quản lý?

Trò chơi Pokemon Go đang gây sốt đối với nhiều bạn trẻ

Ngoài ra, đây là cơ hội thuận lợi để khai thác kinh tế như tạo ra các dịch vụ ăn theo, dịch vụ phục vụ cho trò chơi, tạo traffic, thu tiền; lấy game để phát triển giáo dục, quảng cáo.

Trái lại, chính những hấp dẫn đó khiến nguy cơ về sự xao nhãng khi di chuyển, trong công việc, dễ bị lợi dụng để chơi game,…trở nên đáng báo động hơn bao giờ hết. Mặt khác, lợi dụng chơi game nhiều sẽ lãng phí về thời gian, tài nguyên con người không chỉ ở các cơ quan nhà nước mà ở cả các công ty, đơn vị kinh doanh. Khi đó, nhân viên xao nhãng dưới bất cứ hình thức nào, không chỉ chơi game, đều đáng bị phê phán.

Theo ông Lê Quang Tự Do, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông, dù có những mặt tích cực nhưng còn có các tiêu cực, ảnh hưởng xấu đến toàn xã hội mà tất cả các nước đều gặp phải. Đó là game Pokemon Go phát hành ở nước ngoài, máy chủ ở nước ngoài, không được cấp phép hoạt động ở Việt Nam. Khi đó, người chơi sẽ không được pháp luật bảo vệ nếu gặp rủi ro về lộ thông tin cá nhân, mất vật phẩm hay mất cả tài khoản vì nhà sản xuất chưa chắc đã bảo vệ.

Tuy nhiên, theo ông Bá Thành, ở góc độ người chơi thì việc được vận động nhiều (bản chất người Việt vận động ít) ngay trong khi chơi các trò chơi tạo cho họ cảm giác thú vị, hấp dẫn hơn các trò chơi truyền thống nên họ sẵn sàng bỏ qua các nguy cơ về sự xao nhãng khi di chuyển, trong công việc, dễ bị lợi dụng để chơi game.

Việc đổi bản đồ khi chơi game của những người thiếu văn hóa sẽ không ảnh hưởng đến bản đồ trên Google Maps. Bởi đại diện Google Việt Nam đã chính thức lên tiếng rằng, việc thay đổi bản đồ trên Google được kiểm duyệt rất kỹ càng, như vậy, việc người chơi liên tục thay đổi dữ liệu để chơi game sẽ không qua mắt được khâu kiểm duyệt trước khi cập nhật vào bản đồ chính thức.

Tuy rằng, ông Lê Bách - đại diện nhóm Google Maps Maker Việt Nam (tập hợp những thành viên đầy nhiệt huyết với nhiều đóng góp tích cực trong việc cung cấp các dữ liệu chuẩn xác cho bản đồ Google; đây không phải thành viên của Google) đã từng lên tiếng cảnh báo về việc người dùng sẽ làm ảnh hưởng đến bản đồ Việt Nam.

Nhà nước quản lý như thế nào?

Ở các nước phương Tây, tồn tại rất nhiều nguy cơ đánh bom, nên việc người dân Việt Nam lo lắng không phải là không có căn cứ. Bởi khi chơi game, rất nhiều người tụ tập tại các địa điểm, các trung tâm cả ngày lẫn đêm nên lực lượng an ninh rất khó quản lý, khó kiểm soát. Từ đó, nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến xã hội lẫn chính người chơi như có thể bị cướp giật, móc túi, va quệt, tai nạn giao thông.

Hiện tại, ở một số nước họ đã cấm chơi Pokemon triệt để hoặc từng phần. Iran cấm triệt để. Nga và Trung Quốc cấm ở những khu vực liên quan đến an ninh quốc phòng. Ở nhiều nước khác có cảnh báo với người chơi. Ở Việt Nam, game mới ra mắt 10 ngày cũng đã bắt đầu gặp phải các nguy cơ đã có như ở các nước khác.

Ông Lê Quang Tự Do cho biết: “Bộ TT&TT đã nghiên cứu, cảnh báo tăng cường an toàn cho người chơi. Đồng thời liên hệ với nhà sản xuất và phát hành yêu cầu tuân thủ pháp luật Việt Nam. Nếu không tuân thủ, phía quản lý sẽ có biện pháp xử lý”.

Ở thời điểm hiện tại, phía nhà quản lý không khuyến khích chơi game chưa cấp phép, chưa thẩm định,….tuy nhiên, cơ quan này đang tìm các biện pháp để bảo vệ người chơi trước những ảnh hưởng, tác động xấu của trò chơi này.

Ngoài ra, các cơ quan nhà nước, cơ mật trọng yếu đều có yêu cầu cấm người không được phép hoạt động ở vùng đó, cấm đi vào, quay phim chụp ảnh, không chỉ với những người chơi Pokemon Go. Các game thủ sẽ phải dừng lại, không được phép đi vào những nơi này khi đi săn Pokemon. Với các cơ quan công quyền, sắp tới chúng  tôi sẽ có quy định cấm không chơi game ở những nơi đó. Cán bộ công chức sẽ không được chơi game trong giờ làm việc.

Theo các chuyên gia, game nào cũng có vòng đời riêng, thường chỉ 3-6 tháng. Game này có thể còn lâu hơn nhưng cũng sẽ chìm dần vì người Việt “cả thèm chóng chán”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sẽ cấm Pokemon Go vì khó quản lý?