Tại Hà Nội, xu hướng sử dụng văn phòng ghi nhận nhiều thay đổi, doanh nghiệp chú trọng hơn vào việc tăng thêm diện tích tương tác giữa nhân viên và đồng thời tính toán lại diện tích làm việc sử dụng thực tế.
Với tốc độ tăng trưởng nóng của các doanh nghiệp ICT hay các sàn thương mại điện tử, diện tích thuê văn phòng có thể hiện tại đang ở mức 1.000 m2 nhưng trong vòng 3 năm tới có thể tăng gấp đôi nhân sự. Do đó, diện tích thuê văn phòng có thể tăng gấp hai hay thậm chí ba lần.
Đối với trường hợp khách thuê có nhu cầu mở rộng và ngành nghề kinh doanh có mức độ tăng trưởng rất tốt, các chủ đầu tư cần có những gói hỗ trợ để họ tiếp tục mở rộng trong tương lai, tránh trường hợp khách thuê không có diện tích để mở rộng khiến họ phải đi tìm mặt bằng thuê khác.
Trước đây, đa phần các toà nhà văn phòng hạng B và C ở cả Hà Nội đều có mật độ nhân viên tại văn phòng khá dày, trung bình khoảng 4 - 6m2/nhân viên, trong khi tại các toà nhà hạng A là khoảng 10m2/nhân viên. Tuy nhiên, khi nhân viên làm việc tại nhà nhiều hơn thì việc điều chỉnh lại mật độ sao cho phù hợp với nhu cầu sử dụng thực tế là cần thiết.
Ví dụ, một công ty có 100 nhân sự sẽ chỉ cần bố trí chỗ làm việc cho 60 – 70 người và mọi người có thể linh động làm việc tại nhà hoặc đến văn phòng. Với phần diện tích còn lại, công ty có thể tích hợp nhiều tiện ích và công năng khác như khu vực ăn uống, nghỉ ngơi cho nhân viên hay thậm chí bổ sung thêm số lượng phòng họp. Đây cũng là một trong những yếu tố khiến các công ty thay đổi nhiều hơn về mô hình làm việc.
Ngoài ra, giá thuê hạng A được đánh giá sẽ ổn định trong năm tới, với việc Capital Place gia nhập thị trường và đem đến diện tích cho thuê hơn 90.000 m2 tại khu vực nội thành đã kéo nguồn cung hạng A tăng 24% theo năm và giá thuê trung bình tăng 7% theo năm trong nửa đầu năm 2021. Tuy nhiên, sẽ cần nhiều thời gian để các toà nhà văn phòng với diện tích lớn được lấp đầy. Vì vậy giá thuê hạng A được dự đoán sẽ duy trì ổn định do số lượng dự án cao cấp vẫn hạn chế tới năm 2023.