Đổi mới y tế cơ sở theo hướng tinh gọn và hiệu quả là nội dung được đặt ra tại Hội thảo góp ý xây dựng hệ thống tổ chức y tế ở địa phương do Bộ Y tế tổ chức,vừa diễn ra tại Hà Nội.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, Việt Nam là nước cuối cùng ở Đông Nam Á chưa triển khai Trung tâm kiểm soát bệnh tật. Việc duy trì nhiều trung tâm y tế (TTYT) như TTYT dự phòng; TTYT Sốt rét – ký sinh trùng; TT Phòng chống HIV/AIDS; TT Chăm sóc sức khỏe sinh sản… tại các tỉnh, thành phố còn chồng chéo, kém hiệu quả.
Do đó, theo Bộ trưởng cần phải đổi mới toàn diện hệ thống y tế cơ sở cả về con người, mô hình hoạt động và cơ sở vật chất, tài chính.
Sáp nhập các trung tâm y tế hiện nay theo mô hình CDC để nâng cao hiệu quả hoạt động y tế tuyến tỉnh
Theo TS Phạm Văn Tác - Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Y tế), hiện nay ở các địa phương đang có 6 trung tâm cùng chức năng. Có địa phương chỉ 5 TTYT, nhưng có địa phương tới 12-15 TTYT và việc tổ chức các trung tâm chưa hiệu quả là một thực trạng. Do đó, cần phải thay đổi mô hình, thay đổi cơ chế đầu tư, quản lý, tài chính để bảo đảm chăm sóc sức khỏe với việc lồng ghép liên tục và đạt hiệu quả cao nhất bằng việc thành lập Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Chủ trương này đã được Bộ Y tế chỉ đạo các địa phương thực hiện hơn 1 năm nay, theo Thông tư liên tịch số 51/2015/TTLT-BYT-BNV.
Ông Tác cũng cho biết, tính đến 30/4, Bộ Y tế đã nhận được 37 quyết định của UBND cấp tỉnh Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Y tế, trong đó có việc tổ chức các đơn vị y tế dự phòng theo mô hình Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC).
Có 4 tỉnh đang xây dựng đề án kiện toàn thành Trung tâm kiểm soát bệnh tật gồm Hà Nội, Hưng Yên, Nghệ An, Quảng Trị.
Tuy vậy, vẫn còn tới 9 tỉnh đang giữ nguyên mô hình các trung tâm hiện có. Tới đây, Bộ Y tế sẽ có văn bản chính thức gửi tất cả 9 tỉnh/ thành này, yêu cầu dứt khoát trước năm 2020 phải hoàn thành việc thực hiện sáp nhập theo chủ trương này, ông Tác cho hay.
Hiện đã có 24 tỉnh, thành phố trên cả nước đưa ra quy định thực hiện mô hình Trung tâm Kiểm soát bệnh tật. Trong đó, nhiều tỉnh, thành đã sáp nhập, hợp nhất các trung tâm, chi cục trực thuộc Sở Y tế thành Trung tâm Kiểm soát bệnh tật.
Cũng theo ông Tác, khó khăn duy nhất là tổ chức mô hình liên quan đến con người, để bảo đảm quyền lợi của người lao động khi thực hiện sáp nhập các hệ thống y tế ở địa phương.
Ở tuyến tỉnh, trung bình một tỉnh có 6 trung tâm, tức có 6 giám đốc, 18 phó giám đốc. Khi sát nhập làm 1 để tổ chức theo mô hình CDC thì chỉ còn 1 giám đốc, đồng nghĩa sẽ dôi dư ra 5 giám đốc, khoảng 15 phó giám đốc.
Như vậy, chỉ ở tuyến tỉnh đã thừa khoảng 1.200 lãnh đạo. Ở tuyến huyện hiện có 500/715 huyện chưa sáp nhập các TTYT, cũng dôi dư khoảng 2.000 cán bộ lãnh đạo. Do đó, cũng cần phải giải quyết để làm sao tinh gọn đội ngũ lãnh đạo, giảm hành chính, tăng cường phục vụ công tác chuyên môn.
Ông Phạm Văn Tác cho biết hướng giải quyết là những người giỏi chuyên môn sẽ chuyển sang làm công tác chuyên môn, người giỏi quản lý sẽ tiếp tục giữ vị trí lãnh đạo. Bên cạnh đó, sẽ duy trì việc luân phiên cán bộ, bỏ phiếu bầu để tìm ra lãnh đạo thật sự giỏi quản lý. Đội ngũ hành chính, bảo vệ, tổ chức cán bộ… sẽ chuyển công tác hoặc tinh giảm biên chế, bảo đảm chỉ có 18-20% số người làm hành chính, giữ nguyên 80-82% làm công tác chuyên môn.