Sáp nhập các sở ngành cần hết sức thận trọng, nhập rồi lại tách ra thì rất tốn kém

Ngọc Mai| 11/12/2018 09:20
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sáp nhập các sở ngành cần hết sức thận trọng, sửa cho nhập, rồi lại tách ra thì rất tốn kém, cần có thời gian ổn định để nghiên cứu thấu đáo mới đưa vào sửa luật thì phù hợp hơn, Tổng thư ký QH, Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Hạnh Phúc đề xuất.

Ngày 10/12, tại phiên họp 29, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019.

Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, trong quá trình thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, xuất phát từ yêu cầu triển khai các Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4, 5, 6, 7, 8 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII và yêu cầu của thực tiễn, có 3 dự án luật cần thiết phải được bổ sung vào Chương trình: Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.

Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết, lý do bổ sung Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương nhằm vào chương trình nhằm thể chế hóa Nghị quyết số 18 năm 2017 của Hội nghị Trung ương 6 về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu quả, trong đó tập trung vào các nội dung: Cơ bản hoàn thành việc sắp xếp, kiện toàn một số tổ chức và đầu mối bên trong của từng tổ chức theo hướng giảm đầu mối, giảm tối đa trung gian, giảm cấp phó.

Nghiên cứu giảm hợp lý số lượng đại biểu HĐND các cấp và giảm đại biểu HĐND công tác ở các cơ quan quản lý nhà nước, giảm số lượng Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh, cấp huyện phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, gắn với nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động để thực hiện từ nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Quy định khung số lượng các cơ quan trực thuộc HĐND, UBND cấp tỉnh, cấp huyện và khung số lượng cấp phó của các cơ quan này; Nghiên cứu ban hành quy định để thực hiện hợp nhất Văn phòng HĐND, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Văn phòng UBND cấp tỉnh thành một văn phòng tham mưu giúp việc chung.

Cùng với đó là từng bước sắp xếp, kiện toàn, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã chưa đủ tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật; khuyến khích sáp nhập, tăng quy mô các đơn vị hành chính các cấp ở những nơi có đủ điều kiện để nâng cao năng lực quản lý, điều hành và tăng cường các nguồn lực của địa phương; khẩn trương, cương quyết sắp xếp, sáp nhập các thôn, tổ dân phố không bảo đảm tiêu chuẩn theo quy định của Nhà nước.

Ngoài lý do trên, cũng theo Bộ trưởng Lê Thành Long, việc cần thiết phải sửa Luật Tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương là do có nhiều bất cập, hạn chế khi triển khai trên thực tế.

Ví dụ như một số quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã chưa rõ; quy định về số lượng Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh, cấp huyện, Phó Trưởng ban của HĐND cấp tỉnh, cấp huyện hoạt động chuyên trách, số lượng Phó Chủ tịch UBND cấp xã theo phân loại đơn vị hành chính cấp xã đã bộc lộ hạn chế…

Cho ý kiến về việc điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ, việc bổ sung Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019 trước hết phải được đặt trong tổng thể Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh 2019 đã được QH thông qua.

Đồng thời, căn cứ vào Nghị quyết của Trung ương, kế hoạch của Bộ Chính trị để cụ thể hóa những danh mục luật cần phải sửa đổi, những pháp lệnh nào cần ban hành. Theo đó, việc sửa đổi các luật về tổ chức bộ máy nhà nước cũng phải đồng bộ.

Sáp nhập các sở ngành cần hết sức thận trọng, nhập rồi lại tách ra thì rất tốn kém

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc phát biểu tại phiên họp

Phát biểu sau đó, ông Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng Thư ký Quốc hội cho rằng, trong quá trình nghiên cứu thực hiện triển khai, nhiều địa phương băn khoăn hợp nhất 3 văn phòng: Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND. Do đó, đề nghị cần có thời gian tổng kết đánh giá mô hình thí điểm sau đó sửa cho phù hợp, chú ý lùi lại từ kiện toàn tổ chức bộ máy bên trong đến số lượng đại biểu.

Tổng thư ký QH, Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương luôn đi liền với nhau. Vừa qua, VPQH đã được UBTVQH giao nghiên cứu, đề xuất những ý kiến liên quan đến sửa Luật Tổ chức Quốc hội và đã báo cáo Ủy ban Pháp luật để thẩm tra. Các luật về tổ chức bộ máy nhà nước có liên quan đến tổng kết thí điểm việc thực hiện Nghị quyết số 56/2017/QH14 của QH về tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; QH cũng vừa xem xét thí điểm hợp nhất 3 Văn phòng, đó là Văn phòng Đoàn ĐBQH, Văn phòng HĐND và Văn phòng UBND cấp tỉnh.

Trong quá trình nghiên cứu và triển khai thực hiện, hướng dẫn, có rất nhiều địa phương còn băn khoăn về việc thí điểm hợp nhất 3 Văn phòng này; việc hợp nhất 2 Văn phòng Đoàn ĐBQH và Văn phòng HĐND thì không vấn đề gì, nhưng sáp nhập Văn phòng UBND còn rất nhiều ý kiến khác nhau, bởi lẽ một bên là hành pháp, một bên lập pháp, liên quan đến giám sát, Tổng thư ký QH cho biết.

Tổng thư ký QH, Chủ nhiệm VPQH cũng nhấn mạnh, việc thực hiện thí điểm hợp nhất 3 Văn phòng được thực hiện trong vòng một năm (đến ngày 31/12/.2019), tức là đến thời điểm đó mới bắt đầu tổng kết, đánh giá và đề xuất việc sửa đổi Luật Tổ chức Quốc hội cho phù hợp. Vì thế, sửa Luật Tổ chức Quốc hội cũng liên quan đến Luật Tổ chức Chính quyền địa phương, Luật Tổ chức Chính phủ nên chăng cần lùi lại thời điểm sửa luật? Theo tờ trình của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày tại Phiên họp, có rất nhiều việc lớn liên quan đến kiện toàn, đổi mới bên trong của các tổ chức đầu mối, kể cả việc nghiên cứu số lượng đại biểu HĐND các cấp, giảm đại biểu HĐND có liên quan đến luật về bầu cử, hay nghiên cứu quy định số lượng các cơ quan, số lượng cấp phó, việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả điều hành, tăng cường nguồn lực địa phương…

Đây là những vấn đề vừa qua “lác đác” một số tỉnh tiến hành thí điểm sáp nhập các sở, ngành, nhưng bây giờ đang dừng lại, chứng tỏ chúng ta đang còn suy nghĩ, chưa ổn định. Vấn đề là sửa trong năm 2019 thì tới đây sẽ thế nào? Cần hết sức thận trọng, sửa cho nhập, rồi lại tách ra thì rất tốn kém, cần có thời gian ổn định để nghiên cứu thấu đáo mới đưa vào sửa luật thì phù hợp hơn, Tổng thư ký QH, Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Hạnh Phúc đề xuất.

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh, đối với nhóm luật về tổ chức bộ máy, Nghị quyết của Trung ương và Kế hoạch của Bộ Chính trị đã xác định Đảng Đoàn Quốc hội lãnh đạo xem xét sửa đổi bổ sung các luật đổi mới sắp xếp kiện toàn tổ chức bộ máy thực hiện từ 2018 và hoàn thành trong năm 2019. Kế hoạch của Đảng Đoàn Quốc hội cũng thống nhất thực hiện theo tiến độ này.

Chọn thời điểm để có thêm thời gian chuẩn bị

Về dự án Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), Chính phủ đề nghị bổ sung chương trình theo hướng trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ bảy, thông qua tại Kỳ họp thứ tám. Cho rằng, PPP cũng là một lĩnh vực của đầu tư công, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển ủng hộ xây dựng dự án luật này nhưng cho rằng cần phải trên tinh thần phù hợp với Luật Đầu tư công.

Đồng ý với quan điểm của Ủy ban Pháp luật và Ủy ban Kinh tế, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị thời điểm trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu với dự án luật này là Kỳ họp thứ tám và trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ chín để có thêm thời gian chuẩn bị.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu quan điểm cá nhân, việc ban hành Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư là cần thiết, vì ngân sách nhà nước đầu tư vào cơ sở hạ tầng còn hạn chế, các nước đang khuyến khích hình thức đầu tư này. Về lộ trình, Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu cũng nhất trí rằng trình Quốc hội tại Kỳ họp cuối năm 2019 và trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp đầu năm 2020 là phù hợp.

Đại diện Kiểm toán Nhà nước đề nghị bổ sung dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019. Tuy nhiên, do Luật Kiểm toán Nhà nước mới được thông qua năm 2015 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2016, một số ý kiến của các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng chỉ sửa luật khi có những vướng mắc thực sự gây khó khăn cho quá trình triển khai thực hiện và chỉ nên sửa Luật Kiểm toán Nhà nước khi đã thực sự chín muồi.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Kiểm toán Nhà nước cần nghiên cứu lại kỹ lưỡng ý kiến của Chính phủ, chỉ đưa vào dự án luật những vấn đề đã được Hiến định và phân biệt rõ thẩm quyền với từng khối cơ quan. Nếu thấy thực sự cần thiết, đề nghị bổ sung dự án luật để trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp cuối năm 2019 và trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp đầu năm 2020.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sáp nhập các sở ngành cần hết sức thận trọng, nhập rồi lại tách ra thì rất tốn kém