Sập cổng trường đè trẻ mầm non thiệt mạng: Trách nhiệm thuộc về ai?

Đ. Việt| 17/10/2021 09:45
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Một cháu bé 4 tuổi đã tử nạn do bị cổng trường sập đè lên người, vụ việc thương tâm xảy ra trong thời gian sinh hoạt ngoài trời tại điểm trường mầm non Mang Dí. Vậy ai sẽ là người chịu trách nhiệm?

Như Báo Công lý đã thông tin, sáng ngày 15/10 tại điểm trường mầm non Mang Dí (xã Trà Nam, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) đã xảy ra một vụ tai nạn thương tâm.

Vào thời điểm trên, hai em H.T.L.K (4 tuổi) và P.T.T.H (5 tuổi) đang tham gia một tiết học ngoại khóa đã trèo lên cánh cửa sắt cổng trường chơi đùa và không may cánh cửa bất ngờ đổ xuống đè lên người.

Do vết thương quá nặng, cháu K. không qua khỏi, cháu H. đã tỉnh táo và đang tiếp tục được theo dõi, điều trị. Ngay sau khi sự việc xảy ra, Công an huyện Nam Trà My đã khám nghiệm hiện trường điều tra làm rõ nguyên nhân.

Vụ việc xảy ra trong thời gian sinh hoạt ngoài, nhiều người thắc mắc, ai sẽ là người chịu trách nhiệm liên quan đến việc trẻ mầm non thiệt mạng.

hoc-sinh-tu-vong.jpg
Hiện trường vụ cổng  đổ sập đè một trẻ mầm non tử vong

Trao đổi dưới góc độ pháp lý, luật sư Đặng Văn Cường (VPLS Chính Pháp) cho biết, thực tế đã xảy ra không ít những vụ tai nạn tương tự liên quan đến học sinh mà nguyên nhân có sự thiếu chủ quan của thấy cô giáo và Ban giám hiệu nhà trường. Điển hình là vụ việc Trường tiểu học Khánh Yên Thượng, xã Khánh Yên Thượng, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai xảy ra vào năm 2020 khiến 3 học sinh thiệt mạng và nhiều em bị thương.

“Dù biết rằng các cơ sở giáo dục đào tạo, các trường học ở vùng cao còn nhiều khó khăn, cơ sở vật chất còn thiếu, tuy nhiên không vì thế mà coi nhẹ tính mạng của học sinh. Đây là bài học đắt giá cho các trường học, phải rà soát lại cơ sở vật chất cũng như thường xuyên kiểm tra, sửa chữa trong năm học để đảm bảo an toàn cho các học sinh, đồng thời cũng cần dạy các con các kỹ năng sống cần thiết để tránh những vụ việc tai nạn thương tâm”, ông Cường bày tỏ.

Theo luật sư Cường, cần làm rõ trách nhiệm trong việc trông nom, quản lý, giám sát các cháu thuộc về ai? Đồng thời làm rõ tình trạng của cánh cổng này trước khi đổ xuống có dấu vết, hư hỏng, có dấu hiệu của việc sắp gãy đổ hay không?

Trong trường hợp có căn cứ cho thấy người có trách nhiệm trông nom, quản lý các em phải có trách nhiệm đảm bảo an toàn nơi đông người nhưng không thực hiện hết trách nhiệm của mình dẫn đến hậu quả tai nạn xảy ra, có thể xem xét trách nhiệm pháp lý, thậm chí có thể truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Vô ý làm chết người".

Nếu sự việc xảy ra trong giờ học, trong khuôn viên trường học, do tài sản, vật dụng của trường gây ra thì trường học phải bồi thường thiệt hại cho gia đình học sinh.

Gia đình các nạn nhân có thể thỏa thuận với nhà trường về mức bồi thường thiệt hại, nếu không thỏa thuận được thì có thể khởi kiện để yêu cầu tòa án giải quyết theo quy định pháp luật thì có thể yêu cầu Toà án giải quyết theo quy định pháp luật.

Nhấn mạnh việc để học sinh bị tai nạn dẫn tới hậu quả tử vong trong giờ học có dấu hiệu cấu thành tội phạm của tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp được quy định tại điều 129 Bộ luật Hình sự 2015, Thạc sỹ Nguyễn Thị Kiều Trang cho rằng trách nhiệm chính thuộc về nhà trường và trực tiếp là giáo viên quản lý lớp vì chưa sát sao trông nom trẻ, để xảy ra vụ việc đau lòng. Bởi học sinh mẫu giáo còn quá nhỏ, chưa đủ kiến thức cũng như năng lực hành vi để tự bảo vệ chính mình. Do đó, vai trò của giáo viên quản lý lớp là cực kỳ quan trọng.

Trong trường hợp: “Người phạm tội không thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó” thì vẫn thỏa mãn lỗi vô ý trong mặt chủ quan (một trong bốn yếu tố cấu thành tội phạm). Nội dung này được quy định rõ tại Khoản 2 điều 11 Bộ luật Hình sự 2015.

Tại Điều 27 của Điều lệ Trường Mầm non ban hành kèm theo Thông tư số 52/2020/TT-BGDĐT ngày 21/12/2020 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo có quy định về nhiệm vụ của giáo viên mầm non nêu rõ: “Bảo vệ an toàn về thể chất, tinh thần và tính mạng của trẻ em trong thời gian trẻ em ở nhà trường”.

Về trách nhiệm dân sự, tại điều 605 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: “Chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý, sử dụng nhà cửa, công trình xây dựng khác phải bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác đó gây thiệt hại cho người khác. Khi người thi công có lỗi trong việc để nhà cửa, công trình xây dựng khác gây thiệt hại thì phải liên đới bồi thường”.

Rà soát cơ sở vật chất trường học trên địa bàn huyện Nam Trà My

Sau sự việc sập cửa sắt cổng trường mầm non Mang Dí, thôn 1, xã Trà Nam, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam khiến một học sinh tử vong, Phòng GD&ĐT huyện Nam Trà My yêu cầu rà soát cơ sở vật chất trường học trên địa bàn huyện.

Theo đó, ông Võ Đăng Thuận, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nam Trà My cho biết Phòng GD&ĐT đã có văn bản chỉ đạo các trường học trên địa bàn rà soát lại tất cả cơ sở vật chất, tuyệt đối không để xảy ra những sự cố đau lòng tương tự như vừa qua.

Theo ông Thuận, nhận định nguyên nhân ban đầu cửa sắt đổ sập và đè lên người hai trẻ ở trường Măng Dí (thôn 1, xã Trà Nam) là do cửa sắt bị hoen gỉ, bánh xe của cửa trật khỏi đường ray.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sập cổng trường đè trẻ mầm non thiệt mạng: Trách nhiệm thuộc về ai?