Đó là vấn đề được bà Ninh Thu Giang – Trưởng phòng giáo dục đào tạo huyện Đình Lập – tỉnh Lạng Sơn chia sẻ với Báo Công lý về công tác chuẩn bị cho năm học mới.
Lên phương án đối phó với tình huống dãn cách
Chỉ còn 3 ngày nữa, học sinh cả nước chính thức khai giảng bước vào năm học mới. Thời điểm này các trường học đang hoàn tất mọi công đoạn để đón học sinh.
Theo như chia sẻ của bà Ninh Thu Giang, năm học 2020-2021 có nhiều đặc biệt hơn so với năm học trước vì năm học này diễn ra trong bối cảnh dịch covid-19 có thể còn diễn biến phức tạp, ngành Giáo dục vừa phải thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, vừa phải bảo đảm kế hoạch năm học; là năm học chính thức thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới đối với học sinh lớp 1.
Bà Ninh Thu Giang - Trường phòng giáo dục đào tạo huyện Đình Lập - tỉnh Lạng Sơn. Ảnh Ngô Chuyên.
Để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ của năm học mới, ngành Giáo dục và Đào tạo huyện đã bám sát vào các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên để chuẩn bị các điều kiện tốt nhất cho năm học mới như hoàn thành công tác tuyển sinh, tu sửa, trang trí trường lớp học, hướng dẫn học sinh đăng ký sách giáo khoa; tham mưu bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên đảm bảo cho việc quản lý, tổ chức dạy học; tổ chức phu khử trùng, lau chùi trang thiết bị, đồ dùng dạy học, bàn ghế, vệ sinh khuôn viên nhà trường đảm bảo sạch sẽ, an toàn đón học sinh vào năm học mới; tổ chức tập huấn, hướng dẫn các trường xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường, kế hoạch môn học…
Để triển khai thực hiện tốt Chương trình giáo dục phổ thông mới trên địa bàn, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đã chủ động tham mưu cho UBND huyện các văn bản chỉ đạo, kế hoạch; rà soát cơ sở vật chất, trang thiết bị; lựa chọn đội ngũ giáo viên có năng lực, trình độ để phân công dạy lớp 1 của năm học mới; tổ chức tập huấn, hội thảo, tham gia bồi dưỡng qua mạng; lực lựa chọn sách giáo khoa theo đúng hướng dẫn của cấp trên và tổ chức tập huấn theo quy định.
Trong bối cảnh dịch covid có thể còn diễn biến phức tạp, để chủ động triển khai thực hiện các biện pháp phòng, tránh theo hướng dẫn của cơ quan Y tế trên địa bàn; tiếp hành phun tiêu độc khử trùng, chuẩn bị nước sát khuẩn, khẩu trang Y tế; thường lau chùi các trang thiết bị dạy học cũng như bàn ghế học sinh trước và sau giờ học.
Chủ động xây dựng kịch bản để ứng phó trong trường hợp học sinh phải nghỉ giãn cách. Cụ thể: Đối với các trường ở vùng thuận lợi, chúng tôi chuẩn bị cơ sở vật chất để tổ chức dạy học trực tuyến, thông qua mạng xã hội zalo, facebook, gmail, xây dựng Clip dạy học…
Ảnh minh họa.
"Đối với những vùng đặc biệt khó khăn, không có mạng internet và phụ huynh chưa có điều kiện có các công cụ để học trực tuyến thì chỉ đạo các đơn vị trường học cử giáo viên trực tiếp giảng dạy bộ môn đến giao bài tận nhà; phối hợp với chính quyền địa phương và phụ huynh học sinh trong việc kiểm tra, giám sát học sinh làm bài tại nhà. Đó là giải pháp mà chúng tôi đưa ra trong trường hợp dịch diễn biến phức tạp. Trước đó, nghỉ dịch covid, ngành giáo dục huyện cũng đã áp dụng phương pháp giao bài đến tận nhà cho học sinh và hiệu quả khá tốt”, bà Giang cho biết thêm.
Hai thử thách lớn khi dạy chương trình giáo dục phổ thông mới ở vùng cao
Theo như chia sẻ của bà Giang, để chuẩn bị cho chương trình giáo dục phổ thông mới, chúng tôi đã rà soát cơ sở vật chất, có kế hoạch sửa chữa để triển khai thực hiện chương trình. Tuy nhiên, ngành giáo dục huyện Đình Lập còn 2 khó khăn lớn nhất. Cụ thể: Thứ nhất: Theo lộ trình đến năm 2022-2023, đối với bộ môn Tin học là bộ môn bắt buộc, tuy nhiên cấp tiểu học còn thiếu phòng học bộ môn, máy tính và giáo viên giảng dạy (Hiện tại 5/17 trường học môn Tin học, chỉ có 1 giáo viên Tin học tại trường Tiểu học thị trấn Đình Lập, các đơn vị khác, phòng phân công giáo viên THCS dạy tăng cường. Trước mắt, để khắc phục khó khăn này, Phòng GD Đình Lập đã rà soát, định hướng cho giáo viên tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng.
Thứ 2: học sinh chúng tôi đa phân là con em người dân tộc thiểu số, các em ít có cơ hội tiếp cận với những phương tiện thông tin đại chúng, kỹ năng sống còn nhiều hạn chế, do đó việc tổ chức các hoạt động trải nghiệm cho các em ở địa bàn này thực sự cũng khó khăn. Tuy nhiên phòng cũng chỉ đạo đội ngũ giáo viên quan tâm, tổ chức các hoạt động trải nghiệm để rèn luyện kỹ năng cho học sinh, giúp các em phát triển toàn diện hơn.
Trước đó, để có thể đạt được những mục tiêu đề ra đối với chương trình giáo dục phổ thông mới, ngành giáo dục huyện Đình Lập cũng đã tổ chức tập huấn cho các giáo viên dự kiến dạy lớp 1 năm học 2020-2021 làm quen với sách giáo khoa, dạy thử nghiệm để họ đánh giá ưu điểm của việc áp dựng chương trình này trên địa bàn.
“Đặc biệt, những giáo viên tham gia giảng dạy chương trình giáo dục phổ thông mới là những giáo viên có kinh nghiệm, chuyên môn vững vàng, đảm bảo thực hiện tốt nhất chương trình này”, bà Giang nhấn mạnh.