Sâm Ngọc Linh là loại sâm quý hiếm vì vậy tâm lý chung của nhiều người là muốn mua tận gốc mới hy vọng là sâm thật.
Cũng chính từ tâm lý chung này nên rất nhiều người không ngại đường sá xa xôi tìm về chân núi Ngọc Linh (tỉnh Kon Tum) để tìm mua. Nắm được tâm lý trên thời gian gần đây một số con buôn đã cải trang thành người bản xứ rao bán sâm giả và không ít người đã bị sập bẫy.
Giả dân bản xứ đánh lừa người tiêu dùng
Sâm Ngọc Linh được xem là loại dược liệu quý hiếm có tác dụng tốt cho sức khỏe được tìm thấy nhiều ở khu vực núi Ngọc Linh. Là loại sâm quý nên những năm về trước có rất nhiều lái buôn ở khắp nơi tìm đến thu mua và hiện nay dường như nguồn sâm tự nhiên cũng đã cạn kiệt. Điều đáng nói, nhiều lái buôn vì muốn qua mắt người tiêu dùng đã cải trang thành người dân tộc thiểu số trong bộ dạng nghèo khổ, lưng đeo gùi chứa đầy "sâm Ngọc Linh" để đánh lừa người đi đường.
Sâm Ngọc Linh giả được đổ ra sàn như đống khoai (ảnh cắt từ clip).
Vậy thực hư sâm Ngọc Linh mà những đối tượng này rao bán là gì? Để tìm hiểu rõ hơn về các chiêu thức mà nhóm người này thực hiện, PV Báo Công lý đã tìm hiểu về vấn đề này.
Qua quan sát, hàng ngày nắm bắt được tâm lý của những người có nhu cầu mua sâm, phần lớn là người dưới xuôi lên và đặc biệt rất tin vào sự…chân thật của người dân tộc “có gì nói nấy”. Chúng cải trang thành người địa phương trong những trang phục bản xứ. Vì vậy khi người tìm mua sâm Ngọc Linh chỉ nhìn vào hình thức bên ngoài đã tin ngay và nghiễm nhiên bỏ hàng chục triệu đồng ra mua hàng. Họ không hay biết mình vừa bỏ ra số tiền không nhỏ chỉ để mua…củ Tam thất Vũ Điệp.
Thực tế cho thấy, từ năm 2010, Công an tỉnh Kon Tum đã phát hiện một đường dây tiêu thụ sâm Ngọc Linh giả. Trong đó phải kể đến vụ Công an Kon Tum đã tạm giữ hành chính đối với ông Nguyễn Đình Ký (ngụ thôn Măng Đen, xã Đắc Long, huyện Kon Plông, Kon Tum), khi ông này đang tiêu thụ khoảng 2kg sâm Ngọc Linh giả với giá 4 triệu đồng/kg.
Sau khi bị phát hiện, qua lời khai của các đối tượng này mới biết đây là một đường dây chứ không phải từng cá nhân đơn lẻ, tự phát. Theo đó, ông Ký khai đã mua số sâm này của ông Hồ Văn Hùng trú tại 230 Hùng Vương, TP.Kon Tum. Ông Hùng nói là mua của bà Hà Thị Tố Nga trú tại khối 7, thị trấn Đắc Tô, Kon Tum. Còn bà Nga thì nói số sâm đó do một phụ nữ tên Bình ở ngoài Bắc cung cấp.
Hóa phép Tam thất thành...sâm quý
Qua tìm hiểu sự việc, được biết, trên thị trường hiện nay 99,9% đều không phải sâm Ngọc Linh mà là Tam thất Vũ Điệp. Đây là loại cây có rất nhiều ở các tỉnh phía Bắc và Vân Nam Trung Quốc giá của nó chỉ khoảng 800.000 đồng/kg, ai có nhu cầu chỉ cần gọi điện, đặt hàng là họ gửi vào cả tấn.
Tam Thất cùng họ với sâm Ngọc Linh, về củ, hoa, lá và trong thành phần củ này cũng có một số hoạt chất giống sâm Ngọc Linh. Tuy nhiên củ Tam thất Vũ Điệp mỗi năm tăng trưởng từ 7-10 đốt, trong khi sâm Ngọc Linh chỉ tăng 1 đốt.
Hiện nay ở Kon Tum có hai cơ sở trồng sâm là Công ty CP Sâm Ngọc Linh Kon Tum trồng khoảng 150 ha và Cty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô trồng 8 ha. Cả 2 đều đang nhân giống, chưa đến giai đoạn thu hoạch. Vì vậy việc sâm Ngọc Linh được đổ thành đống rao bán như… khoai, sắn chỉ là giả mạo.
Việc bán sâm Ngọc Linh giả ngay chân núi Ngọc Linh không những gây mất uy tín cho các đơn vị, địa phương đang tạo giống loại cây quý hiếm này mà còn đánh lừa người dân khắp nơi trong cả nước, thậm chí nhiều người còn rơi vào cảnh “tiền mất tật mang”.
Để chấm dứt tình trạng con buôn lừa bịp người tiêu dùng, đề nghị các cơ quan chức năng cần vào cuộc quyết liệt ngăn chặn, đồng thời xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với những cá nhân vì lợi ích riêng mà cố tình lừa đảo.