Mặc dù chưa được các ngành chức năng cho thuê đất, giao đất nhưng chủ đầu tư đã tiến hành thi công nhà máy, “xóa sổ” hàng ngàn m2 đất nông nghiệp. Sai phạm này đã bị xử lý nhiều lần nhưng doanh nghiệp vẫn ngang nhiên “phớt lờ” chỉ đạo và cố tình vi phạm.
Chủ đầu tư ngang nhiên xây dựng, bất chấp quyết định xử phạt
Ngày 3/10/2018, Dự án Nhà máy chè Sông Lam (xã Đỉnh Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An) được UBND tỉnh Nghệ An chấp thuận chủ trương đầu tư tại Quyết định số 4416/QĐ-UBND với số vốn đầu tư hơn 85 tỷ đồng.
Gần đây, ngày 9/11/2018, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Thái Thanh Quý mới tiếp tục ký Quyết định số 4979/QĐ-UBND về việc điều chỉnh chủ trương dự án Nhà máy chè Sông Lam với số vốn hơn 117 tỷ đồng, công suất 4.980 tấn/năm. Và ngày 13/11/2018, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Thái Thanh Quý cũng mới ký Quyết định số 5019/QĐ-UBND về việc phê duyệt Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 Nhà máy chè Sông Lam tại xã Đỉnh Sơn.
Tuy nhiên, vào những ngày tháng 6/2018, chủ đầu tư dự án là Công ty CP mía đường Sông Lam (xã Đỉnh Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An) đã tiến hành thi công để xây dựng. Ngày 5/7/2018, đoàn kiểm tra của UBND huyện Anh Sơn và xã Đỉnh Sơn đã phát hiện sai phạm của đơn vị chủ đầu tư, khi chưa có đầy đủ giấy tờ hợp pháp mà đơn vị đã tiến hành san lấp mặt bằng là vi phạm luật đất đai. Đồng thời, yêu cầu chủ đầu tư dừng hoàn toàn dự án để hoàn thiện các thủ tục theo đúng quy định của pháp luật.
Ngày 7/9/2018, Chủ tịch UBND huyện Anh Sơn ký Quyết định số 3406/QĐ-XPVPHC xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai đối với Công ty CP mía đường Sông Lam số tiền 4 triệu đồng. Hành vi mà doanh nghiệp này bị xử phạt là lấn chiếm đất nông nghiệp để triển khai xây dựng Nhà máy chè Sông Lam.
Ngoài bị xử phạt, UBND huyện Anh Sơn buộc công ty này phải khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã chiếm. Quyết định ghi rõ: “Giao ông Chu Ngọc Tú, Tổng giám đốc Công ty CP mía đường Sông Lam phải nghiêm chỉnh chấp hành quyết định xử phạt. Nếu quá thời hạn mà không tự nguyện chấp hành thì sẽ bị cưỡng chế theo quy định của pháp luật”.
Điều đáng nói, tại thời điểm Nhà máy chè Sông Lam bị xử phạt là tháng 9/2018 thì Công ty CP mía đường Sông Lam chưa được cơ quan chức năng ký quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, phê duyệt quy hoạch 1/500 hay giao đất. Điều này cho thấy, chủ đầu tư là Công ty CP mía đường Sông Lam đã “cầm đèn chạy trước ô tô” khi thi công Nhà máy chè Sông Lam.
Quyết định xử phạt hành chính của UBND huyện Anh Sơn với sai phạm của chủ đầu tư.
Một điều đáng lưu ý là tại Quyết định số 3406, UBND huyện Anh Sơn buộc Công ty CP mía đường Sông Lam phải khôi phục lại tình trạng đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã chiếm. Trong tháng 10 và tháng 11 của năm 2018, UBND huyện Anh Sơn cũng đã có những lần kiểm tra, đình chỉ và yêu cầu buộc dừng san lấp mặt bằng, thi công dự án đối với Công ty CP mía đường Sông Lam.
Tuy nhiên, bất chấp pháp luật, Công ty CP mía đường Sông Lam vẫn tiến hành triển khai một số hạng mục của dự án Nhà máy chè Sông Lam. Hiện nay, chủ đầu tư đang tiến hành thi công xây dựng để hoàn thành công trình một cách gấp rút.
Chính quyền xử lý nhưng chưa kiên quyết
Ông Nguyễn Văn Hiếu – Chủ tịch UBND xã Đỉnh Sơn thừa nhận, dự án Nhà máy chè Sông Lam chưa được giao đất. Hiện phía công ty đang tiến hành thủ tục cấp đất theo đúng quy định của pháp luật.
Chủ tịch UBND xã Đỉnh Sơn, ông Nguyễn Văn Hiếu cũng cho biết thêm: “Khi có dự án đầu tư, bản thân chúng tôi và nhân dân rất vui mừng. Tuy nhiên, khi phát hiện sự việc, xã đã tiến hành lập biên bản đình chỉ thi công đối với công trình trên, đồng thời yêu cầu phía chủ đầu tư phải hoàn thành các thủ tục về đất mới tiếp tục thi công. Thế nhưng, sau đó doanh nghiệp lại vẫn tiếp tục thi công. Mới đây huyện Anh Sơn lại tiếp tục vào cuộc và lập biên bản vi phạm. Việc để doanh nghiệp thi công trên diện tích đất khi chưa đầy đủ các thủ tục, trách nhiệm quản lý nhà nước thuộc về địa phương”.
Ông Đặng Huy Đô – Trưởng phòng Tài nguyên & môi trường huyện Anh Sơn cho biết: “Việc Công ty CP mía đường Sông Lam tiến hành xây dựng khi chưa hoàn thiện thủ tục là sai hoàn toàn. Chúng tôi cũng đã nhiều lần kiểm tra, yêu cầu đình chỉ và có xử lý vi phạm hành chính. Tuần tới, tôi sẽ tiếp tục lên kiểm tra và sẽ phải tham mưu để tiến hành cưỡng chế công trình vi phạm. Cái khó ở đây là ngay từ đầu, chính quyền cấp xã chưa kiên quyết trong xử lý vi phạm”.
Công ty CP mía đường Sông Lam đang được “chống lưng” hay cố tình thách thức pháp luật?
Trao đổi với PV qua điện thoại, ông Hoàng Xuân Cường – Phó Chủ tịch UBND huyện Anh Sơn cho biết: “Quan điểm của huyện là tạo điều kiện ủng hộ về mặt chủ trương nhưng phải tuân thủ trình tự quy định pháp luật. Vì thế, khi phát hiện ra sự việc đã mời chủ đầu tư đến làm việc, yêu cầu đình chỉ để hoàn thành các thủ tục cần thiết mới tiếp tục được thi công. Tuy nhiên, cho đến nay, họ vẫn tiếp tục cố tình vi phạm, bản thân tôi cũng thấy buồn. Tôi sẽ tiếp tục chỉ đạo anh em các phòng kiểm tra và xử lý nghiêm khắc”.
Vậy là dù đã bị UBND huyện Anh Sơn lập biên bản, xử lý vi phạm hành chính vi phạm trong lĩnh vực đất đai nhưng chủ đầu tư là Công ty CP mía đường Sông Lam vẫn cố tình thi công trên phần đất chưa được giao. Điều đáng nói là địa điểm khu đất mà doanh nghiệp này vi phạm chỉ nằm cách trụ sở UBND xã Đỉnh Sơn mấy trăm mét. Sự việc khiến dư luận đặt ra câu hỏi, liệu chính quyền có bao che cho sai phạm hay chính quyền “bất lực” để doanh nghiệp ngang nhiên thách thức pháp luật.