Sách giáo khoa như biểu tượng thước đo sự chuẩn mực trong giáo dục

Đức Duy| 03/11/2020 20:01
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sách giáo khoa luôn được hiệu đính, chỉnh sửa thường xuyên phù hợp với thực tiễn. Lộ trình đổi mới Sách giáo khoa là 5 năm, đây là năm đầu tiên, khối lượng công việc rất lớn, dù ngành giáo dục đã nỗ lực, cố gắng nhưng khó có thể tránh khỏi sai sót.

bo-truong-nha.jpg
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ.

Đó là những giải trình mà Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ trước ý kiến của nhiều đại biểu.

Rà soát toàn bộ các cuốn sách giáo khoa mới

Trước nhiều ý kiến của đại biểu quốc hội, Bộ trưởng Nhạ trân trọng cảm ơn sự quan tâm góp ý, phản biện của các đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, nhà nghiên cứu và nhân dân về các vấn đề giáo dục nói chung, trong đó có việc triển khai chương trình, sách giáo khoa mới.

Bộ trưởng cho biết, thực hiện chủ trương một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa xã hội hóa việc biên soạn Sách giáo khoa, Bộ đã thẩm định, phê duyệt 46 cuốn sách giáo khoa thuộc 5 bộ Sách giáo khoa lớp 1.

Thời gian qua, Sách Tiếng Việt lớp 1 của bộ sách Cánh Diều nhận được nhiều ý kiến phản ánh của các chuyên gia, phụ huynh học sinh, và người dân. Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo và thành lập đoàn kiểm tra, rà soát ý kiến các nhà khoa học, người dân về những điểm chưa phù hợp trong Sách Tiếng Việt lớp 1 của bộ sách Cánh Diều, đã yêu cầu nhóm biên soạn, nhà xuất bản lắng nghe, tiếp thu chỉnh sửa. Bên cạnh đó, Bộ G-ĐT đã chỉ đạo rà soát toàn bộ các cuốn sách giáo khoa mới.

Bộ trưởng Nhạ cũng nói thêm: “Sách giáo khoa luôn được hiệu đính, chỉnh sửa thường xuyên phù hợp với thực tiễn. Lộ trình đổi mới Sách giáo khoa là 5 năm, đây là năm đầu tiên, khối lượng công việc rất lớn, dù ngành giáo dục đã nỗ lực, cố gắng nhưng khó có thể tránh khỏi sai sót. Sau năm học này, Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục rà soát, để hoàn thiện các bộ Sách giáo khoa”.

Giải trình về sách tham khảo, Bộ trưởng Nhạ khẳng định các nhà trường không được ép học sinh mua sách tham khảo dưới bất kỳ hình thức nào, đồng thời Bộ sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát, yêu cầu các Sở GD-ĐT xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.

Đại biểu quốc hội: đã sai thì phải sửa, cần rà soát, làm rõ những sai sót

Tranh luận lại với đại biểu Đặng Thị Phương Thảo, đại biểu Bùi Văn Phương (tỉnh Ninh Bình) cho rằng đây là năm đầu tiên thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới, việc biên soạn sách giáo khoa mới có khối lượng công việc rất lớn, do vậy không tránh khỏi một số sai sót liên quan đến ngữ liệu học âm, học vần chưa thật phù hợp với học sinh lớp 1.

Tuy nhiên, đây không phải là những sai sót đến mức nghiêm trọng và có thể điều chỉnh, sửa đổi được. Thực tế chưa cần đợi kết thúc năm học, Bộ GD-ĐT đã có hướng dẫn giáo viên khi giảng bài trong Sách Tiếng Việt lớp 1 bộ sách Cánh Diều có những điều chỉnh phù hợp.

Đề cập đến chương trình, sách giáo khoa mới, đại biểu Đặng Thị Phương Thảo (tỉnh Nam Định) cho rằng đây là vấn đề luôn nhận được sự quan tâm của người dân.

Năm học 2020-2021, ngành giáo dục bắt đầu đưa vào sử dụng sách giáo khoa lớp 1 mới, các nhà trường được lựa chọn những bộ sách khác nhau. Sau một thời gian giảng dạy đã có những phản ánh về những hạt sạn trong một số cuốn sách giáo khoa mới nhưng thiếu trong sáng về ngôn ngữ, chưa lô-gic, chưa khai thác kho tàng ngôn ngữ Việt Nam…

Đang công tác trong ngành giáo dục, đại biểu Đặng Thị Phương Thảo cho rằng đã sai thì phải sửa, cần rà soát, làm rõ những sai sót trong tất cả các cuốn sách giáo khoa mới; có phương án chỉnh sửa cụ thể; xác định rõ trách nhiệm của nhóm biên soạn, nhà xuất bản, hội đồng thẩm định… “sách giáo khoa dùng để dạy con trẻ rất quan trọng, như biểu tượng thước đo sự chuẩn mực trong giáo dục”, đại biểu bày tỏ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sách giáo khoa như biểu tượng thước đo sự chuẩn mực trong giáo dục