Trong khi các ngành nghề khác đang tất bật sản xuất để phục vụ dịp Tết cổ truyền, thì ở các xưởng gốm truyền thống Lái Thiêu, Biên Hòa vẫn yên ả khoan thai. Nghề gốm thủ công không thể khẩn trương vội vã.
Ở một góc xưởng, người nghệ nhân chăm chú khắc vẽ những họa tiết lên thân gốm mộc. Ở một góc khác, cô thợ trẻ tỉ mỉ tô từng màu men trên các hoa văn. Sắc xuân cứ thế hiện dần theo đôi bàn tay tài hoa của người nghệ nhân làm gốm.
Những nghệ nhân của xưởng gốm Thủ Biên đang chăm chú làm hàng cho dịp Tết Quý Mão 2023
Gốm Nam Bộ được định danh trên bản đồ gốm sứ Việt Nam bởi ba dòng gốm chính là Gốm Cây Mai (Sài Gòn), gốm Lái Thiêu (Bình Dương) và gốm Biên Hòa (Đồng Nai). Dưới sự tác động của cơn lốc đô thị hóa và những thăng trầm lịch sử, làng nghề gốm Cây Mai đã không còn tồn tại, các làng nghề gốm thủ công ở Lái Thiêu, Biên Hòa cũng rơi vào cảnh thoi thóp, tưởng chừng không thể trụ vững khi hàng loạt lò gốm truyền thống đóng cửa chuyển sang mô hình sản xuất công nghiệp. Thế nhưng với sự yêu mến sản phẩm gốm Nam Bộ và quyết tâm vực dậy làng nghề cổ truyền, các xưởng gốm trẻ được nhen nhóm trở lại, nghề gốm Lái Thiêu- Biên Hòa từng bước được hồi sinh.
Một buổi hướng dẫn làm gốm thủ công ở workshop Vườn Nhà Gốm
Xưởng gốm Thủ Biên (Lái Thiêu- Bình Dương)- cơ sở sản xuất của Vườn Nhà Gốm- mới thành lập chỉ khoảng 5 năm, nhưng đã kịp khẳng định mình trên trị trường gốm sứ Việt Nam bởi những sản phẩm độc đáo, đa dạng nhờ kế thừa tinh hoa lâu đời của nghề gốm cùng với sự sáng tạo mang hơi thở đương đại. Điều bất ngờ là những người sáng lập nên Vườn Nhà Gốm đều là người “ngoại đạo”, chỉ bằng tình yêu với gốm Nam Bộ mà họ gắn kết với nhau, cùng nhau xây dựng thành công thương hiệu, bước đầu giới thiệu đến người tiêu dùng những dòng gốm thủ công mỹ nghệ mang tính nghệ thuật cao bên cạnh dòng sản phẩm thị trường thường thấy trước đây.
Bộ sưu tập “Nhật Bình” đặc biệt dành cho Xuân Quý Mão của xưởng gốm Thủ Biên
Đặc biệt, hằng năm, các nghệ nhân xưởng gốm Thủ Biên đều dành thời gian nghiên cứu và sáng tạo ra nhiều mẫu mã gốm sứ mang hơi thở hiện đại, phù hợp xu hướng thị trường nhằm tạo ra nhiều bộ sưu tập đa dạng, mới lạ. Năm nay xưởng gốm Thủ Biên cho ra mắt bộ sưu tập "Nhật Bình" để chào đón xuân Quý Mão. Hoa văn trên trang phục cung đình kết hợp với kỹ thuật chế tác truyền thống của gốm Lái Thiêu-Biên Hòa tạo nên cá tính độc đáo cho sản phẩm. Bằng những họa tiết cổ truyền đậm bản sắc văn hóa dân tộc, lại được khoác thêm chiếc áo men màu sắc rực rỡ, sang trọng, mang ý nghĩa chúc tụng một năm mới bình an phú quý, “Nhật Bình” gây ấn tượng mạnh và sự thích thú với mọi người từ cái nhìn đầu tiên. Bộ sưu tập “cháy hàng” trong sự nuối tiếc của nhiều khách hàng không kịp đặt mua.
Bộ sưu tập gốm mỹ nghệ Tết 2023 của xưởng gốm Hiến Nam với họa tiết long phụng cổ truyền và men màu rực rỡ.
Nếu xưởng gốm Thủ Biên là sân chơi sôi nổi của nhiệt huyết tuổi trẻ và tư duy năng động, nhạy bén thì xưởng gốm Hiến Nam lại là bầu không khí nghệ thuật sâu lắng, trầm tĩnh. Nằm cuối con hẻm nhỏ ngoằn ngoèo ở làng gốm Tân Vạn, xưởng gốm nhỏ của nghệ nhân Hoàng Ngọc Hiến mang đến một không gian rất duy mỹ, “gốm nói, người không nói”- sự thấu cảm giữa gốm và người đến với nhau từ thinh lặng. Gần 10 năm theo đuổi các dòng gốm thủ công mỹ nghệ Biên Hòa, trong đó có cả việc phục dựng các cổ vật gốm sứ- một công việc đòi hỏi người thực hiện phải có tay nghề cao cùng sự hiểu biết sâu rộng về gốm Nam bộ cổ truyền, anh Hoàng Ngọc Hiến cùng xưởng gốm Hiến Nam đã đạt được những thành tựu nhất định.
Khác với những xưởng gốm chạy theo thời vụ và thương mại, anh Hoàng Ngọc Hiến đã định hình từ ban đầu là toàn tâm toàn ý theo đuổi đam mê với dòng gốm cổ truyền và gốm mỹ nghệ. Anh chia sẻ thêm, rất may mắn là đã gặp được nửa kia của mình khi đang theo học tại trường Cao đẳng Mỹ thuật Trang trí Đồng Nai. Có chung một đam mê nên cả hai rất đồng điệu và cùng nhau chia sẻ với nhau mọi thứ trong nghề nghiệp lẫn cuộc sống. Chị sẽ đảm nhận việc kinh doanh để anh có thời gian và không gian riêng cho các sáng tác của mình.
Tại xưởng gốm Hiến Nam, ngoài vợ chồng anh Hiến là những người được đào tạo chuyên môn bài bản từ ngôi trường có lịch sử 120 năm đồng hành cùng gốm Biên Hòa, thì những thợ khác cũng đều có thâm niên trong nghề lên đến vài mươi năm. Bên cạnh đó, một vài bạn trẻ là sinh viên các trường Mỹ Thuật vì yêu thích vẻ đẹp của gốm Nam bộ mà tìm đến đây học hỏi thêm. Sở hữu kinh nghiệm và đội ngũ nghệ nhân có tay nghề cao như vậy, anh Hiến hoàn toàn có thể yên tâm cho ra thị trường các sản phẩm phong phú, đa dạng, chất lượng cao.
Một sản phẩm của gốm Hiến Nam với họa tiết màu sắc hiện đại, ấn tượng trên phương pháp chế tác gốm truyền thống Biên Hòa
Anh Hiến cũng cho biết thêm điểm đặc trưng của gốm Nam Bộ chính là ở men màu đa dạng, độc đáo cùng với kiểu dáng đặc sắc, thuần Việt, chỉ cần nhìn vào là nhận ra ngay. Với gốm thủ công mỹ nghệ, thì ngoài kiểu dáng hoa văn được sáng tạo đặc biệt, men màu cũng góp phần làm nên sắc thái riêng của mỗi sản phẩm. Có thể nói sẽ không bao giờ có được hai sản phẩm thủ công giống hệt nhau, mà chỉ có thể tương đối. Do đó, giữa cuộc cạnh tranh gay gắt của gốm sứ Trung Quốc, Nhật Bản,...thì gốm Lái Thiêu-Biên Hòa vẫn giữ một vị trí không thể thay thế.
Những người đang giữ ngọn lửa nghề gốm sứ truyền thống Nam Bộ như anh Khang Minh và anh Hoàng Ngọc Hiến đều xác nhận một điều là “Kinh doanh không phải yếu tố quan trọng nhất khi mở xưởng gốm. Mặc dù kinh tế cũng rất quan trọng, nhưng việc thực hiện kinh tế cũng chỉ là lấy ngắn nuôi dài, lấy thị trường để nuôi đam mê nghệ thuật.”
Các đồ án truyền thống của gốm Lái Thiêu được tái hiện tinh tế hơn trên các sản phẩm của lò gốm Thủ Biên
Dù còn nhiều khó khăn, nhưng với trái tim nhiệt huyết và bàn tay khối óc tài hoa, người thợ gốm vẫn không ngừng tìm tòi các giải pháp để giữ lửa cho nghề gốm thủ công truyền thống Nam Bộ. Cùng với sự quan tâm của chính quyền địa phương, chăm lo hỗ trợ phát triển nghề truyền thống, tích cực mở rộng thị trường trong nước và quốc tế những năm qua. Điều này không chỉ đưa gốm Nam Bộ tiếp cận rộng rãi đến người tiêu dùng khắp nơi trên thế giới, mà còn giúp các nghệ nhân gốm sứ thủ công Việt Nam có thể yên tâm sống với nghề một cách ấm no sung túc. Mùa xuân dần trở về với làng nghề gốm sứ Nam Bộ, sắc xuân đang thắm lại trên một ngành nghề truyền thống ngỡ đã phôi phai.