Văn hóa - Du lịch

Sắc H’Mông giữa Thủ đô

N.Hoàng 01/05/2025 - 18:04

Ngày 1/5, tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội), đồng bào dân tộc H’Mông đến từ tỉnh Lai Châu đã tái hiện Lễ hội Gầu Tào. Đây là lễ hội đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

3(2).jpg
Lễ hội Gầu Tào mang đậm dấu ấn của dân tộc Mông. Ảnh: Thu Lê

Trong 54 dân tộc Việt Nam, dân tộc H’Mông (hay còn gọi là dân tộc Mông) là dân tộc có truyền thống văn hóa phong phú với những phong tục, tập quán, tín ngưỡng mang bản sắc hết sức riêng biệt và độc đáo. Trong đó phải kể đến Lễ hội Gầu Tào.

Trong tiếng Mông, Gầu Tào có nghĩa là “hội chơi đồi” hay “hội chơi núi” vào mùa xuân. Mục đích của Lễ hội Gầu Tào là để cúng thần núi, thần rừng, cảm ơn thần thánh, trời đất che chở, phù hộ cho con người. Đồng thời, biểu đạt khát vọng ấm no hạnh phúc và cầu nguyện cho năm mới mưa thuận gió hòa, cây cối tốt tươi, mùa màng bội thu, con người khỏe mạnh, thể hiện tấm lòng của con cháu nhớ về cội nguồn. Lễ hội cũng là dịp để đồng bào gặp gỡ, giao lưu và vui chơi sau những ngày lao động vất vả.

Từ năm 2020, Lễ hội Gầu Tào ở Lai Châu được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Năm 2021, Tỉnh ủy Lai Châu đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 17/02/2021 về bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến 2030.

Theo đó, Lễ hội Gầu Tào được nâng cấp tổ chức với quy mô cấp huyện từ năm 2023. Từ ngày 10 đến ngày 15 tháng Giêng (âm lịch) các xã Tả Lèng (huyện Tam Đường), Sà Dề Phìn (huyện Sìn Hồ) Dào San Phong Thổ và Sùng Phài (Tp. Lai Châu) lần lượt tổ chức Lễ hội Gầu Tào.

le-hoi-gau-tao.jpg
Thầy cúng làm lễ tại gốc cây nêu. Ảnh: Thu Lê

Theo truyền thuyết dân gian kể lại, trước đây những cặp vợ chồng người Mông nào lấy nhau nhiều năm chưa sinh được con cái, mà muốn sinh được người con như ý muốn, thì người chồng sẽ lên một quả đồi nào đó cầu xin thần đồi, thần núi phù hộ gia đình sinh được người con trai. Sau một thời gian về nhà mà người vợ mang thai, sinh được người con như ý muốn thì gia đình sẽ tổ chức Lễ hội Gầu Tào như đã hứa với các vị thần. Và nguồn gốc của Lễ hội Gầu Tào cũng bắt đầu từ đó.

Trước đây, việc tổ chức Lễ hội do một gia đình đứng ra cùng với sự giúp đỡ của anh em, họ hàng và các già làng, trưởng bản. Gia đình sẽ phải nhờ một người có uy tín, kinh nghiệm là chủ lễ. Người chủ lễ sẽ cùng gia đình chọn một người làm chủ cúng; một đội làm nhiệm vụ bảo vệ lễ hội; một đội phục vụ nấu ăn phục vụ họ hàng, người dân về tham dự lễ hội.

Sau này, được sự quan tâm của chính quyền địa phương và cộng đồng, lễ hội được nhân rộng, tổ chức thường xuyên và trở thành lễ hội của cộng đồng, bản làng. Bởi vậy, ngoài việc cầu con, người Mông còn cầu sức khỏe, may mắn; cầu cho mùa màng bội thu, dân bản có cuộc sống ấm no, thịnh vượng.

img_8859-1-.jpg
Trong Lễ hội Gầu Tào diễn ra rất nhiều tiết mục văn nghệ và trò chơi dân gian.

Lễ hội Gầu Tào gồm có 02 phần: phần lễ và phần hội. Phần lễ là nghi thức cúng cây nêu. Phần hội là những trò chơi mang tính cộng đồng, thể hiện sự gắn bó, đoàn kết của đồng bào dân tộc Mông.

Ở phần lễ với nghi thức cúng khai hội và nghi thức hát lý mở màn, múa nhạc cụ. Phần hội diễn ra với nhiều nội dung phong phú, đa dạng, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc Mông như thi văn nghệ, nấu thắng cố, giã bánh giầy, các trò chơi bịt mắt đánh chiêng, bịt mắt bắt vịt, ném pao, leo cây nêu và thi đấu môn thể thao dân gian truyền thống...

img_8861-3-.jpg
Ném còn trong Lễ hội Gầu Tào

Việc Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam phối hợp với đồng bào Mông đến từ Lai Châu tái hiện lại Lễ hội Gầu Tào không chỉ tạo điểm nhấn, thu hút người dân và du khách trong dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 mà còn góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá phi vật thể độc đáo của dân tộc Mông. Đồng thời, đây cũng là dịp để các nghệ nhân, hạt nhân văn nghệ quần chúng có cơ hội được gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm và nêu cao tinh thần trách nhiệm của mình trong việc giữ gìn những nét văn hóa truyền thống của dân tộc Mông nói riêng và văn hóa các dân tộc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam nói chung.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sắc H’Mông giữa Thủ đô