Rượu thủ công: Người dùng đang "mạo hiểm" với tính mạng của mình?

Tống Toàn| 17/07/2015 10:02
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 800 triệu lít rượu lưu thông trên thị trường, trong đó rượu công nghiệp chỉ chiếm 20%, như vậy là 640 triệu lít được tiêu thụ còn lại là rượu nấu thủ công chưa qua kiểm định chất lượng…

Rượu thủ công – sát thủ không “tem mác”

Theo Bác sĩ Nguyễn Kim Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), bình quân mỗi năm chỉ riêng đơn vị của ông cũng tiếp nhận tới hàng trăm ca ngộ độc rượu, con số tử vong lên tới hàng chục người, trong đó, đa phần là do lạm dụng các loại rượu nấu, rượu ngâm theo phương pháp thủ công không rõ nguồn gốc.

Ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Rượu - bia - nước giải khát Việt Nam cũng đã từng trăn trở: “Nhức nhối nhất là ở sản phẩm rượu "cuốc lủi", rượu sản xuất thủ công không theo quy trình chất lượng nào mà cho đến nay chúng ta không hạn chế nổi”.

Theo khảo sát, tại huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc có trên 1.000 hộ kinh doanh và nấu rượu, trong đó có 250 hộ trực tiếp sản xuất rượu thủ công, trung bình mỗi ngày ở đây cung cấp ra thị trường trên 500 lít rượu. Việc nấu rượu của các hộ dân hoàn toàn theo phương pháp thủ công.

Khi được hỏi về giấy phép sản xuất, kinh doanh rượu theo quy định thì các hộ sản xuất ở đây thậm chí còn không biết đến. Theo những hộ sản xuất rượu thủ công, muốn bảo đảm các thông số như etanol, methanol... về an toàn vệ sinh thực phẩm thì rượu sau khi nấu phải được chưng cất qua hệ thống lọc khử, trong khi để đầu tư được hệ thống này phải mất ít nhất vài chục triệu đồng/bộ. Với quy mô nhỏ, lại sản xuất không thường xuyên nên không hộ dân nào đầu tư được hệ thống này.

Một thực tế hiện nay là các loại rượu sản xuất thủ công được dán nhãn “rượu dân tộc”, “rượu thuốc”… được bày bán tràn lan ở các quán nhậu và nhiều nơi khác  trên cả nước. Các “thượng đế” cứ vô tư uống mà không hề quan tâm xem rượu đã được sản xuất như thế nào, thông số ra sao.

Theo quy định, khi sản phẩm đã lưu thông trên thị trường thì trách nhiệm kiểm duyệt chính thuộc về lực lượng quản lý thị trường. Vì lẽ đó, tất cả các sản phẩm đồ uống không có dán tem thuế đều bị xử lý. Nhưng hiện tại, vấn đề này vẫn đang bị bỏ trống, thi thoảng mới có một vài cơ sở bị bắt giữ với con số đếm trên đầu ngón tay.

Trong khi theo con số thống kê của Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam (VATAP), mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 800 triệu lít rượu lưu thông trên thị trường, trong đó rượu công nghiệp chỉ chiếm 20%, còn lại là rượu nấu thủ công. Như vậy, mỗi năm người Việt Nam đang tiêu thụ tới 640 triệu lít rượu chưa qua kiểm định chất lượng. Đây là con số đáng phải suy ngẫm sau những vụ tử vong vì rượu diễn ra liên tiếp trong thời gian gần đây, điển hình là vụ 6 người tử vong tại Quảng Ninh sau khi uống rượu “29 Hà Nội” năm 2013.

Rượu thủ công: Người dùng đang

Rượu thủ công không có nhãn mác

Vẫn là một bài toán bỏ ngỏ

Hệ quả của vấn đề này đã được PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm (ĐH Bách Khoa Hà Nội) làm rõ: Trong quy trình nấu rượu, nếu người nấu khống chế được nhiệt độ, áp suất sẽ tách được một số độc tố như methanol, acid, furfurol, aldehyt, acétaldehyt... , nhưng đa phần các lò nấu rượu thủ công, những chất này không được tách ra.

Nói về một số nhà hàng “đặc sản rượu dân tộc” đua nhau quảng cáo với khách về hàng chục loại rượu thuốc, rượu ngâm thảo dược, ngâm động vật... có khả năng chữa bệnh, PGS.TS Thịnh cho rằng những loại này cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây độc. Vì hiện nay, dược liệu giả dùng ngâm rượu bán tràn lan, ngay cả dùng dược liệu thật cũng không đảm bảo vì cây cỏ hiện nay cũng nhiễm độc nhiều.

Thêm vào đó, hầu hết các loại rượu được người dân sản xuất theo phương pháp thủ công không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, chưa chuẩn hóa về chất lượng. Kiểm tra chất lượng rượu nấu thủ công cho thấy, hàm lượng độc tố trong rượu nấu thủ công cao gấp hàng trăm lần rượu của nhà máy và rượu nhập khẩu từ một số nước. Đáng chú ý, rượu nấu thủ công chiếm 90% lượng rượu tiêu thụ trong nước và sản lượng này tiếp tục tăng 8% - 10% mỗi năm. Ngoài ra, nạn sản xuất, kinh doanh và buôn bán rượu giả, rượu kém chất lượng tiếp tục diễn ra, đặc biệt nổi cộm trong những ngày cận Tết.

Để kiểm soát nguồn gốc, chất lượng rượu, nhất là rượu nấu thủ công, ngày 12/11/2012, Chính phủ đã ban hành Nghị định 94/2012/NĐ-CP, quy định về sản xuất, kinh doanh rượu (có hiệu lực từ ngày 1/1/2013). Theo đó, các tổ chức, cá nhân sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh phải có giấy phép sản xuất, trên sản phẩm phải dán nhãn mác, đăng ký kinh doanh với chính quyền địa phương…

Mới đây nhất, Bộ Công thương đã ban hành Thông tư số 60/2014/TT-BCT, quy định chi tiết một số điều của Nghị định 94. Theo đó, đối với trường hợp sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh, tổ chức, cá nhân đại diện làng nghề phải xin cấp giấy phép sản xuất rượu thủ công cho làng nghề và chịu trách nhiệm về các điều kiện sản xuất rượu áp dụng chung cho các thành viên thuộc làng nghề. Tuy nhiên, tình trạng buôn bán rượu tự nấu, không nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ vẫn tràn lan tại nhiều địa phương trên cả nước.

Về việc này, ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) thừa nhận: Quản lý rượu truyền thống là một việc không dễ. Nghị định 94 được ban hành đã lâu nhưng khi đi vào cuộc sống, gần như không có hiệu quả. Đa phần hộ nấu rượu không hề biết về quy định này, trong khi các cơ quan chức năng cũng không đủ sức để quản hết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Rượu thủ công: Người dùng đang "mạo hiểm" với tính mạng của mình?