Rủ đồng đội cùng lập công ty để chiếm đoạt tiền

Đoàn Nga| 21/04/2016 19:13
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Làm ăn thua lỗ, Chung đã tìm cách chuyển nhượng lại cổ phiếu của mình và vay nợ bạn bè, đồng đội gần chục tỷ đồng rồi bỏ trốn.

Ngay khi khai mạc phiên tòa, do vắng mặt nguyên đơn dân sự nên TAND thành phố Hà Nội đã quyết định hoãn phiên xét xử đối với bị cáo Nguyễn Quang Chung, 64 tuổi (ở phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, Hà Nội). Bị cáo Chung bị truy tố về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.

Theo cáo trạng truy tố, tháng 6/2009,Chung đã vận động ông Nguyễn Văn Thực, Nguyễn Công Dung, Ngô Xuân Thảo (bạn cùng đơn vị cũ) cùng góp vốn thành lập Công ty CP Sico Yên Sơn. Chung cho các ông này xem giấy tờ liên quan như Biên bản hợp các cổ đông tham gia góp vốn, Biên bản thỏa thuận đánh giá đất và tài sản tại thời điểm đưa vào hợp tác đầu tư, Biên bản họp các cổ đông sáng lập, Hợp đồng thành lập công ty...

Tin tưởng, ngày 22/6/2009, ông Thực, Dung và Thảo ký hợp đồng với DNTN Chung Thịnh – đại diện là Nguyễn Quang Chung chủ DN, với nội dung cùng góp vốn với DN Chung Thịnh mua cổ phần thành lập công ty Sico. Theo thỏa thuận, tổng số vốn góp của DNTN Chung Thịnh vào Công ty Yên Sơn chiếm 20% cổ phần công ty (tương đương 2,1 tỷ đồng). Trong đó, DNTN Chung Thịnh góp 8% (tương đương 8640 cổ phần trị giá 864 triệu đồng). Các ông Thực, Dung và Thảo mỗi người góp 4% (tương đương 4320 cổ phần trị giá 432 triệu đồng), nộp tiền làm 2 đợt. Các bên nhất trí để DNTN Chung Thịnh làm đại diện cho mình là cổ đông sáng lập của Công ty Yên Sơn. Toàn bộ số tiền các bên đóng góp được giao cho DN Chung Thịnh để mua cổ phần. Các ông Thảo, Thực và Dung nộp tiền đợt 1, mỗi người 259,2 triệu đồng.

Đến năm 2011, do DN Chung Thịnh gặp khó khăn tài chính, Chung đề nghị HĐQT của Công ty Yên Sơn cho phép chuyển nhượng lại toàn bộ 191.000 cổ phần cho các cổ đông.

Ngày 29/4/2011, tại Đại hội cổ đông bất thường năm 2011 đã ra Nghị quyết đồng ý cho DN Chung Thịnh được chuyển nhượng số vốn đã góp là 1,91 tỷ đồng. Cổ đông sáng lập được mua số lượng cổ phiếu được phân bổ theo tỷ lệ phần trăm tương ứng với số cổ phần hiện có, giá chuyển nhượng tự thỏa thuận. Trường hợp các cổ đông sáng lập không đăng ký mua hết số lượng cổ phần có nhu cầu chuyển nhượng thì được phép bán ra ngoài.

Thực hiện Nghị quyết trên, ngày 4/5/2011, HĐQT Công ty Yên Sơn thông báo danh sách cổ đông được quyền mua cổ phần chuyển nhượng. Các cổ đông sáng lập có thể thỏa thuận và chuyển nhượng lại quyền mua cổ phiếu cho nhau, không được vượt quá tổng số cổ phần của DN Chung Thịnh đang nắm giữ.

Theo Điều lệ Công ty, việc bán cổ phần ưu tiên cho các cổ đông, sau 3 năm chưa bán hết, cổ đông được phép bán cho người ngoài.

Tháng 4/2011, viện cớ khó khăn, Chung đề nghị với 2 cổ đông sáng lập khác là bà Đinh Lan Hương và Nguyễn Thị Hương mua lại cổ phần của anh ta với giá 25.000 đồng/cổ phần. Hai người này đồng ý mua và chuyển hơn 1,4 tỷ đồng cho Chung. Sau khi nhận tiền, Chung đưa lại cho họ Hợp đồng chuyển nhượng với giá 30.000 đồng/cổ phần. Không đồng ý giá trên, các nạn nhân yêu cầu Chung sửa lại nhưng anh ta hứa hẹn rồi bỏ trốn.

Cơ quan điều tra còn làm rõ, năm 2009-2010, Chung vay tiền của 3 người khác để chiếm đoạt số tiền hơn 1,4 tỷ đồng.

Ngoài ra, Nguyễn Quang Chung còn có hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cụ thể, biết rõ quy định công ty, Chung vẫn thực hiện hành vi sử dụng tài liệu gốc của công ty mang đi lừa đảo 2 người có nhu cầu mua cổ phiếu, chiếm đoạt hơn 5,2 tỷ đồng. Nhận tiền, Chung không làm thủ tục sang tên mà bỏ trốn.

Đối với các đơn tố cáo của các ông Nguyễn Văn Thực, Nguyễn Công Dung, Ngô Xuân Thảo, cơ quan điều tra xác minh và nhận thấy có việc tham gia góp vốn. Hiện, số cổ phần của DN Chung Thịnh vẫn còn nên không đủ cơ sở truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Chung.

Tổng số tiền bị Chung chiếm đoạt của các bị hại là hơn 8 tỷ đồng. Tại cơ quan điều tra, Chung khai nhận sử dụng tiền chiếm đoạt để trả nợ ngân hàng do làm ăn thua lỗ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Rủ đồng đội cùng lập công ty để chiếm đoạt tiền