Đời sống

Quyền lực truyền thông: Trung thực - Đúng đắn - Đạo đức

Tuyết Nhung (Thực hiện) 18/06/2023 07:15

Một số nghiên cứu chỉ ra rằng, ngoài quyền lực chính trị, quyền lực kinh tế, quyền lực xã hội, quyền lực truyền thông cũng có tác động, ảnh hưởng sâu sắc đến chiều hướng phát triển xã hội. Do vậy đòi hỏi mỗi người làm báo phải luôn trung thực trong hoạt động báo chí, đưa tin đúng đắn, kịp thời và không ngừng nâng cao đạo đức nghề nghiệp.

dai-hoi-2.jpg
Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đại biểu dự Ðại hội Đại biểu Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ 3 (9-1962). (Ảnh tư liệu)

Người làm báo phải nghiêm khắc với bản thân mình

Từ lâu, một số nước phương Tây từng quan niệm báo chí như là “quyền lực thứ tư” (sau quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp). Không phải tự nhiên mà báo chí lại có “quyền lực” như vậy. Khoản b, điểm 2, Điều 25 Luật Báo chí 2016 quy định: “Nhà báo được quyền khai thác, cung cấp và sử dụng thông tin trong hoạt động báo chí theo quy định của pháp luật”.

Như vậy, quyền năng cơ bản của nhà báo được thể hiện ở 8 chữ “khai thác, cung cấp, sử dụng thông tin”. Quyền khai thác thông tin là quyền phát hiện, tìm hiểu, khảo sát, điều tra, thu thập nguồn tin. Quyền cung cấp thông tin là quyền đưa ra những nội dung thông tin sau khi khai thác. Quyền sử dụng thông tin là quyền thể hiện, thực hiện và công bố thông tin để hướng tới và đạt được mục đích nhất định.

dai-hoi-1.jpg
Các nhà báo Việt Nam và khách quốc tế dự Đại hội I Hội Những người viết báo Việt Nam.

Chính quyền năng cơ bản đó đã góp phần xác lập vị thế nhà báo trong xã hội: Là người thu tin, đưa tin tới công chúng và xã hội. Một thông tin lành mạnh, hữu ích với công chúng và xã hội trước hết phải là một thông tin khách quan và bảo đảm “4 hợp” (hợp pháp, hợp lý, hợp tình, hợp thời).

Hợp pháp nghĩa là tuân thủ đúng Hiến pháp, pháp luật. Hợp lý nghĩa là bảo đảm tính xác đáng, logic, thực chất của vấn đề. Hợp tình nghĩa là phù hợp với tình cảm lương tri con người và đạo đức xã hội. Hợp thời là đưa ra đúng thời điểm được công chúng, dư luận xã hội quan tâm.

Thông tin khi được đăng tải trên báo chí vốn có tính công khai, minh bạch nên nó có sức ảnh hưởng, tác động, lan tỏa nhanh nhạy, sâu rộng, đồng loạt trong xã hội. Chính đặc điểm này đòi hỏi mỗi nhà báo không chỉ có tác phong làm việc nhanh nhạy, kịp thời, mà cần phải có thái độ trung thực, tỉ mỉ, thận trọng, chính xác. Để làm được điều đó người làm báo phải thực sự nghiêm khắc với chính bản thân mình.

Trao đổi với phóng viên Báo Công lý, Chủ tịch Hội đồng lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ cho biết: "Chặng đường báo chí chúng ta đã đi qua có bề dày truyền thống vẻ vang, nhiều bài học và thành tựu, nhưng chặng đường đi tới sẽ có rất nhiều thách thức, khó khăn và ngày càng khó khăn hơn. Vậy nên chính những nhà báo phải luôn giữ vững bản lĩnh chính trị, luôn học hỏi và luôn phải giữ gìn đạo đức của nghề.

Với những người học nghề báo và làm báo, những kiến thức trong trường là không đủ. Nó chỉ là vốn để chúng ta bước vào nghề. Để tạo ra một tác phẩm hay, có giá trị phải có lao động báo chí. Qua tìm tòi, học hỏi ta mới biết được làm thế nào để có một bài báo hay, có những chi tiết quan trọng và mang ý nghĩa tới công chúng.

Để một bài viết mang tầm vóc lớn trong một lĩnh vực nào đó thì người làm báo phải có những kiến thức chuyên sâu và phải có hiểu biết thật sự. Phải nghiên cứu, thu thập thông tin từ nhiều nguồn khác nhau để đảm bảo tính chính xác và đầy đủ. Khi đã có những chi tiết đắt giá phải dùng kiến thức thực tiễn, chính xác nhất để đánh giá và phân tích. Đặc biệt, trong văn phong phải gọn gàng, dễ hiểu nhưng cũng đáp ứng được yêu cầu chuyên môn”.

the-tk.jpg
Chủ tịch Hội đồng lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ.

Với tư cách là những người tạo ra dư luận, đồng thời dẫn dắt, chi phối nhiều mặt trong xã hội, nhà báo phải luôn tin tưởng và có một tư tưởng chính trị vững vàng. Điều đó đòi hỏi đội ngũ nhà báo phải luôn rèn luyện, tinh thông nghiệp vụ, trau dồi về đạo đức nghề nghiệp, thực hiện tốt trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong tình hình mới.

“Phải gột rửa mọi biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị. Để từ đó có vai trò to lớn trong việc góp phần ổn định chính trị xã hội, tăng cường đồng thuận xã hội, góp phần cùng với thể chế chính trị kiến tạo, thúc đẩy sự phát triển hài hòa, tích cực, tiến bộ của xã hội”, ông Nguyễn Thế Kỷ nhấn mạnh.

Cơ quan quản lý báo chí - đầu tàu trong giữ gìn đạo đức nghề nghiệp

Đạo đức nghề báo là một phạm trù có tính khoa học được hình thành trên cơ sở kết hợp đạo đức chung và lý luận về báo chí. Đạo đức mách bảo cho nhà báo lựa chọn các giá trị tinh thần và hành vi thích hợp trong hoạt động nghề nghiệp một cách chính xác bởi vì nó dựa vào lương tâm.

Một khi nhà báo có lương tâm, họ sẽ tự đánh giá được hành động của mình phù hợp với các tiêu chuẩn đạo đức của xã hội. Việt Nam đã và đang trên con đường hội nhập với thế giới, báo chí cách mạng Việt Nam cũng đang đổi mới để phát huy sức mạnh của mình. Trong quá trình này, vấn đề đạo đức nghề nghiệp còn được nâng lên ở mức cao hơn - Tiêu chuẩn thẩm mỹ nghề báo.

image001_prr.jpg

Trong nghề báo, tiêu chuẩn thẩm mỹ đầu tiên là tôn trọng sự thực và thể hiện tính trung thực. Tiếp theo là đề cao trách nhiệm xã hội và đấu tranh vì cái thiện; tôn trọng các giá trị phổ quát và tính đa dạng của các nền văn hóa; chống chiến tranh và các tệ nạn khác. Tôn trọng lợi ích tập thể, cộng đồng, quyền riêng tư và nhân phẩm con người; bảo vệ bí mật và an toàn của những người cung cấp thông tin; không đưa tin và hình ảnh một cách phản cảm; ủng hộ trật tự thông tin – truyền thông mới trên thế giới.

Không khó để nhận diện những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị của một bộ phận nhà báo cả trong quá khứ và hiện tại. Đây là những biểu hiện để cảnh tỉnh cho chúng ta về nguy cơ hiện hữu sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong đội ngũ nhà báo có thể xảy ra vào bất cứ lúc nào. Điều này càng nguy hiểm khi nhà báo là những người tạo ra dư luận xã hội, đồng thời dẫn dắt, chi phối dư luận xã hội.

Về vấn đề này, Chủ tịch Hội đồng lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ chia sẻ: “Nguyên nhân từ công tác tuyển dụng, giáo dục và rèn luyện toàn diện đội ngũ nhà báo của một số cơ quan báo chí chưa chặt chẽ, nhất là chưa quan tâm bồi dưỡng lý luận chính trị cho đội ngũ này. Hơn nữa, công tác lãnh đạo, quản lý hoạt động báo chí, nhất là với việc viết tin, bài của đội ngũ nhà báo và cộng tác viên ở một số cơ quan báo chí còn yếu kém. Hiện nay, trong các cơ quan báo chí, không ít nhà báo vướng vào “chủ nghĩa cá nhân” nên không còn “tâm sáng, lòng trong, bút sắc”, vì lợi ích vị kỷ, vì lợi ích nhóm tiêu cực sẵn sàng “bán mình” nên bị mua chuộc. Đó cũng là trách nhiệm của người quản lý. Do những quy định chưa chặt chẽ, nên vẫn có “ngách” để phóng viên đi làm việc không chính đáng”.

pgs-ts-nguyen-the-ky.jpg
PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ: "Báo chí cho dù có vai trò gì, quyền lực ra sao, xét cho cùng đó là sản phẩm của con người".

PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ cũng cho biết: “Việc tự chủ của các cơ quan báo chí quả thực là điều khó khăn, nhưng không phải là lý do để bào chữa. Chạy theo kinh tế nếu quá đà cũng rất dễ đánh mất bản sắc, đánh mất chính mình. Nên nhớ, báo chí là phương tiện, là tư tưởng văn hóa, không phải sinh ra với mục đích chỉ để kiếm tiền. Đương nhiên nếu kết hợp kiếm tiền một cách chính đáng, đàng hoàng thì cũng tốt. Trên thực tế, có không ít kênh truyền hình, ấn phẩm báo chí, trang điện tử, báo điện tử đã không vì lợi ích chung, không vì công chúng, mà chỉ chạy theo lợi ích cục bộ, cá nhân, “thương mại hóa” hoạt động báo chí.

Có những đơn vị báo chí được giao quyền tự chủ, tự lập, không được bao cấp, không đảm bảo được đời sống cán bộ, phóng viên dẫn đến tình trạng phóng viên sa đà kiếm tiền, đi xin xỏ, gạ gẫm, thậm chí “đánh đấm”, dọa nạt để có quảng cáo, tài trợ, vi phạm đạo đức nghề nghiệp, làm ảnh hưởng đến thanh danh cơ quan. Đó cũng chỉ là những “con sâu làm rầu nồi canh”. Nhưng nó cũng đặt ra câu chuyện quản trị nhân sự, quản trị tài chính, sử dụng công cụ báo chí sao cho đúng đắn, đàng hoàng”.

Báo chí cho dù có vai trò gì, quyền lực ra sao, xét cho cùng đó là sản phẩm của con người. Thực tế chỉ ra rằng, bên cạnh những nhà báo có chuyên môn tốt, vẫn tồn tại không nhỏ một bộ phận nhà báo nghiệp vụ kém, có vấn đề về đạo đức. Do vậy, việc đào tạo nguồn nhân lực báo chí truyền thông hiện nay cần theo hướng chuyên nghiệp và hiệu quả hơn.

Việc giáo dục đạo đức báo chí hiện nay không chỉ bó hẹp trong phạm vi các cơ sở đào tạo báo chí, trong các cơ quan báo chí, trong đội ngũ những người làm báo, mà cần được phổ biến và nhân rộng trong xã hội.

Chủ tịch Hội đồng lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ

Trong thời đại công nghệ số, báo chí đang phát triển nhanh chóng thì không chỉ những người làm báo chính quy, mà cả những người thường xuyên viết báo với tư cách là “nhà báo công dân” cũng cần biết và tuân thủ các chuẩn mực đạo đức nghề báo để hành xử đúng chuẩn mực đạo đức báo chí, để không xâm hại đến lợi ích của đất nước, của cộng đồng.

Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quyền lực truyền thông: Trung thực - Đúng đắn - Đạo đức