Xã hội

Quy hoạch phát triển đôi bờ sông Hồng: Nâng tầm Thủ đô

Minh Lý 21/08/2023 - 13:55

Với Hà Nội, phát triển thành phố lấy sông Hồng làm trục chính, mở rộng ra những chuỗi đô thị hiện đại đang là hướng đi hứa hẹn nhiều tiềm năng phát triển to lớn.

Thủ đô hơn nghìn năm văn hiến có lịch sử hình thành và phát triển gắn liền với hệ thống sông, hồ và đặc biệt là sông Hồng. Việc hoàn thiện quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng là bước đi đầu tiên, quan trọng để biến ước mơ về thành phố xanh, hiện đại và đậm đà bản sắc văn hóa hai bên bờ sông Hồng thành hiện thực.

Sông Hồng đóng vai trò quyết định trong toàn bộ quá trình hình thành, biến đổi và phát triển về lịch sử, văn hóa, kinh tế, xã hội và của vùng châu thổ Bắc bộ, đặc biệt là TP. Hà Nội. Qua các thời kỳ phát triển, việc tận dụng và phát huy tiềm năng quỹ đất hai bên bờ sông Hồng, đưa dòng sông trở thành nhân tố phát triển của Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại” luôn được đề cao.

hien-thuc-hoa-thanh-pho-hai-ben-song-hong-..png
Hiện thực hóa “thành phố hai bên sông Hồng”.

Theo Quy hoạch xây dựng Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, sông Hồng là trục cảnh quan chính của Hà Nội, với định hướng sẽ nghiên cứu phát triển về mặt cảnh quan, văn hóa, giao thông và khai thác hiệu quả quỹ đất hai bên sông.

Cùng với đó, trong quy hoạch, sông Hồng còn kết hợp với các trục Hồ Tây - Ba Vì, Hồ Tây - Cổ Loa, Nhật Tân - Nội Bài và trục phía Nam Hà Nội sẽ trở thành 5 trục chính trong định hướng điều chỉnh quy hoạch. Thời gian tới, sẽ trở thành con sông nằm giữa đô thị phía Bắc - Nam Hà Nội, đi qua trung tâm của thành phố, như vậy về mặt hình thái, đô thị của Hà Nội sẽ quay mặt vào sông.

Đối với các quận, huyện của TP. Hà Nội nằm hai bên sông Hồng, tại khu vực phía Bắc đề xuất khu vực Gia Lâm, quận Long Biên nghiên cứu hình thành các khu thương mại, dịch vụ, du lịch, vui chơi giải trí quy mô lớn để cạnh tranh với các trung tâm vui chơi nổi tiếng của Singapore, Hàn Quốc, Trung Quốc… với nhiều chủ đề, gắn với các lợi thế về văn hóa - lịch sử - thiên nhiên vốn có.

Trong khi đó, tại phía Nam, khu vực quận Hoàng Mai và huyện Thanh Trì phát triển các công trình thương mại, dịch vụ có kiến trúc hiện đại, trung tâm hội chợ triển lãm thương mại cấp quốc gia, trung tâm tài chính, ngân hàng, thương mại dịch vụ quốc tế. Tại khu vực này cũng xây dựng các mô hình kinh tế đêm phù hợp với giới trẻ, hiện đại, hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế.

Về quy hoạch không gian dịch vụ hai bên sông Hồng, định hướng tạo mặt bằng bãi theo hình ruộng bậc thang theo mực nước dâng. Vào mùa cạn sẽ sử dụng làm bãi đỗ xe, nơi hoạt động thể thao, kinh doanh dịch vụ và khi nước dâng trở thành dòng chảy.

Các cầu cạn được xây dựng chạy dọc theo mép sông, tạo thành mặt sàn bê tông dọc hai bên sông; phía ngoài cùng sát mép nước làm hai tuyến đường chạy dọc mép nước hai bên sông. Phần diện tích đường nằm ven sông và đê là không gian phát triển các hoạt động kinh doanh dịch vụ, nhà hàng, vui chơi, giải trí, dịch vụ nghỉ dưỡng như “thành phố nổi ven sông” với định hướng trở thành trục kinh doanh dịch vụ trung tâm của Thủ đô.

Cùng với đó, định hướng quy hoạch mạng lưới đường thủy nội địa gồm các tuyến vận tải hàng hóa, hành khách cũng được xây dựng đồng bộ với tiến trình phát triển không gian đô thị hai bên sông và gắn kết với chuỗi du lịch lịch sử dọc sông Hồng trên địa bàn thành phố như: Đền Hát Môn, đền Đại Lộ, bãi Tự Nhiên, làng gốm Bát Tràng và các địa phương trong Vùng đồng bằng sông Hồng.

Theo quy hoạch, phân khu sông Hồng có chiều dài khoảng 40km, từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở, trong địa giới hành chính của 55 phường, xã thuộc 13 quận, huyện bao gồm các diện tích dành cho không gian xanh, đất ở, cơ quan, di tích, tôn giáo, kho tàng,… trong đó bảo tồn các công trình di tích, kiến trúc có giá trị lịch sử trong quá trình khai thác quỹ đất phát triển mới, tạo lập diện mạo đô thị hai bên sông Hồng.

quy-hoach-phan-khu-song-hong-duoc-ky-vong-thuc-day-phat-trien-kinh-te-thuong-mai-dich-vu-tren-dia-ban-thanh-pho..png
Quy hoạch phân khu sông Hồng được kỳ vọng thúc đẩy phát triển kinh tế, thương mại dịch vụ trên địa bàn thành phố.

Không chỉ là bước đi đầu tiên quan trọng để biến ước mơ về thành phố xanh, hiện đại và đậm đà bản sắc văn hóa, Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng còn đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô về thương mại, dịch vụ, gắn kết giao thông giữa nội đô với các đô thị ven sông, gắn kết Hà Nội với các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ và cả nước.

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho biết, việc thành phố Hà Nội công bố các đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, tỷ lệ 1/5.000 (đoạn từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở) rất đúng thời điểm để hoàn chỉnh quy hoạch Thủ đô.

Qua nghiên cứu, chuyên gia Vũ Vinh Phú cho rằng phát triển kinh tế hai bờ sông Hồng cần gắn liền với quy hoạch phát triển đồng bằng Bắc Bộ; giữ cảnh quan môi trường phải gắn kết với nước bạn ở thượng nguồn sông Hồng; đồng thời tập trung đầu tư, gìn giữ, khai thác tiềm năng du lịch và giá trị lịch sử của các làng nghề và của cầu Long Biên; xây dựng phát triển cầu Long Biên không chỉ là cầu giao thông, mà còn trở thành điểm tham quan, du lịch,…

Dưới góc độ môi trường, PGS-TS Đào Trọng Tứ, nhấn mạnh, quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng là một vấn đề lớn đối với đô thị Hà Nội ở nhiều khía cạnh.

Trong đó có vấn đề thiên tai - thoát lũ, môi trường sinh thái nên việc xây dựng đồ án quy hoạch phải được nhìn nhận một cách thật sự cẩn thận, thấu đáo, không đơn giản là câu chuyện đặt lên trên hai bờ sông Hồng những dự án, công trình kiến trúc.

Theo PGS-TS Đào Trọng Tứ, trước hết phải tập trung đánh giá quy hoạch phòng, chống lũ cho lưu vực sông Hồng, với những tình huống kịch bản cụ thể trong tương lai, kể cả các sự cố. Điều đó có nghĩa quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng phải gắn chặt và tuân thủ một cách tuyệt đối quy hoạch thoát lũ, bảo vệ môi trường trong tương lai khi các khu đô thị bên sông có sự phát triển mạnh mẽ.

Đồng quan điểm trên, các chuyên gia kinh tế, kiến trúc sư cũng cho rằng, để xây dựng đô thị ven sông Hồng, vấn đề quy hoạch dân cư, nhà cửa cần được thực hiện kỹ càng. Tình trạng xây dựng tự phát sẽ phá tan vẻ đẹp của đô thị, chính vì vậy hạ tầng cần được cải tạo, chỉnh trang từ nhà ở, trường học, công viên, nơi công cộng, cây xanh,… nhằm nâng cao đời sống dân cư, thay đổi hình ảnh đô thị.

Sau khi các tuyến đường ven sông được xây dựng và kết nối với khu vực, các công viên ven sông, thương mại dịch vụ được hình thành, sông Hồng sẽ phát huy được hết giá trị là trục cảnh quan, không gian xanh trung tâm của Hà Nội, trở thành điểm đến cho người dân Thủ đô và khu vực.

Khi đó, sức hấp dẫn cũng như giá trị của sông Hồng không chỉ nằm ở quỹ đất, các hoạt động đặc sắc nổi bật hai bên bờ sông mà sẽ có tính lan tỏa, là động lực phát triển cho cả khu vực đô thị phía Bắc và phía Nam sông Hồng, góp phần xây dựng Hà Nội trở thành thành phố “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quy hoạch phát triển đôi bờ sông Hồng: Nâng tầm Thủ đô