Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh yêu cầu này tại Hội nghị Phát triển giáo dục và đào tạo vùng Đông Nam Bộ đến năm 2023, tầm nhìn đến năm 2045; triển khai thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 7/10/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, sáng 18/4.
Phó Thủ tướng ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực của các địa phương, các thầy, cô giáo ở vùng Đông Nam Bộ trong dạy và học, đạt được những kết quả hết sức quan trọng trong thời gian qua.
Chia sẻ triết lý phát triển dựa vào con người, "hiền tài là nguyên khí quốc gia", Phó Thủ tướng cho biết, nếu chỉ phát triển dựa vào tài nguyên thiên nhiên như hiện nay, nhân loại cần tới 3 trái đất, "do vậy phải thay đổi tư duy, phương thức phát triển để tận dụng tài nguyên tri thức, lấy nguồn lực con người hay thế cho nguồn lực tự nhiên".
Điều này càng trở lên quan trọng trong bối cảnh thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, đang phân mảnh, tái cấu trúc lại cùng với những tác động từ biến đổi khí hậu, khủng hoảng an ninh năng lượng, xung đột quân sự…
Phó Thủ tướng cho rằng cần có triết lý mới, nhận thức mới về đầu tư cho giáo dục, chính sách đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, phương thức dạy và học… trên cơ sở khoa học, dân chủ, tiếp thu kinh nghiệm của thế giới, phù hợp với thực tiễn của đất nước. Từ đó xác định vị trí của giáo dục phổ thông, đại học, sau đại học khi đưa ra quyết định, chủ trương đầu tư trong lĩnh vực giáo dục.
Phó Thủ tướng phân tích, hiện nay các thầy cô giáo, nhà trường được "gửi gắm" gần như hoàn toàn việc giáo dục cho con trẻ, trong khi yêu cầu đặt ra là phát triển năng lực toàn diện của học sinh, từ kiến thức đến tinh thần nhân văn, hiểu biết lịch sử, văn hoá dân tộc, yêu cái đẹp, biết rèn luyện thể chất, trân trọng tri thức… Vì vậy, ngành giáo dục phải thay đổi cách giảng dạy, truyền thụ trong nhà trường; đề cao vai trò môi trường học tập suốt đời ở các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cộng đồng để mỗi cá nhân biết cách tự học, học đi đôi với hành, hoàn thiện bản thân; tạo không gian, môi trường đổi mới sáng tạo.
Phó Thủ tướng đề nghị Bộ GD&ĐT chủ trì, phối hợp với Bộ KH&CN, các ủy ban của Quốc hội khẩn trương tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Cụ thể là đưa ra quan điểm, tư duy, triết lý mới về vị trí của giáo dục, những vấn đề có tính đột phá trong cơ chế, chính sách, đầu tư, đất đai, tài chính…; đổi mới chương trình đào tạo, gắn giáo dục với dạy nghề, liên thông giữa các bậc học, hình thức giáo dục, đào tạo… ; nghiên cứu, đề xuất sửa đổi các luật liên quan đến lĩnh vực đất đai, tài chính, thuế, giáo dục đại học, khoa học công nghệ…
Ngành giáo dục phải quy hoạch mạng lưới hệ thống giáo dục các cấp trên cơ sở quy hoạch quốc gia, vùng, địa phương, có đủ không gian giảng dạy dạy kiến thức văn hoá, thể dục thể thao, đào tạo nghề… nhằm phát triển toàn diện năng lực, kỹ năng của học sinh; định hướng nghề nghiệp phù hợp; góp phần phát hiện và đào tạo nhân tài.
"Quy hoạch hệ thống giáo dục, đào tạo phải tích hợp thực chất, gắn với quy hoạch vùng, địa phương, có địa chỉ cụ thể, gắn với quá trình phát triển đô thị", Phó Thủ tướng trao đổi.
Về phát triển đội ngũ giáo viên, Phó Thủ tướng cho rằng, cần "đi trước một bước"trong đổi mới nội dung, mục tiêu, phương pháp đào tạo, cập nhật kiến thức, để đáp ứng yêu cầu Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018.
Theo đó, các nhà trường sư phạm xác định những nội dung giáo dục cơ bản để đào tạo một số lượng giáo viên cơ hữu. Đối với những môn học liên quan đến thẩm mỹ, hình thành nhân cách, nhà trường phổ thông có cơ chế thu hút các chuyên gia, nhà khoa học, nghệ sĩ giỏi nhất trong các lĩnh vực đến giảng dạy cho học sinh.
Trao đổi về vấn đề chính sách xã hội hoá giáo dục, Phó Thủ tướng nêu quan điểm: Nhà nước chỉ đầu tư, quản lý những gì cần quản lý, đồng thời mở ra không gian sáng tạo, đổi mới chính sách để thu hút, huy động các nguồn lực xã hội vào lĩnh vực giáo dục. Chính sách cho giáo dục không phân biệt công lập và tư nhân.
Theo đó, nguồn lực Nhà nước đầu tư cho giáo dục tại vùng sâu, vùng xa, khu vực khó khăn, tạo điều kiện để giáo viên yên tâm làm việc, còn những địa phương có điều kiện thuận lợi cần thúc đẩy mạnh mẽ xã hội hoá giáo dục.
"Bộ GD&ĐT đưa ra tiêu chí, phương pháp, mục đích đào tạo để các trường thực hiện và được đánh giá khách quan, nhất là từ xã hội, người sử dụng lao động", Phó Thủ tướng gợi mở.
Bên cạnh đó, Nhà nước cũng định hướng đầu tư vào những lĩnh vực không hấp dẫn tư nhân, như các trung tâm nghiên cứu, đào tạo sau đại học; cho những lĩnh vực mới, như công nghệ lõi, chế tạo chip, năng lượng tái tạo, chuyển đổi số, tự động hoá… đây cũng là những trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (start-up) cho sinh viên, học sinh làm quen với môi trường, nuôi dưỡng những ý tưởng khởi nghiệp, "thực học, thực nghiệp"; có chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào khoa học, công nghệ.
"Khi những lợi thế về thuế, nhân công giá rẻ, đất đai không còn hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài, thì nguồn nhân lực chất lượng cao có tính quyết định. Bộ GD&ĐT phải dự báo các nhiệm vụ, ngành nghề hết sức mới mẻ để tính toán từ khâu đầu tư, cơ sở vật chất, nguồn lực, đến sản phẩm đầu ra", Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh yêu cầu liên thông trong hệ thống giáo dục, dạy nghề (trung cấp nghề nghiệp, cao đẳng lên đến đại học, sau đại học) để khuyến khích học tập suốt đời, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao không chỉ đáp ứng nhu cầu cho nền kinh tế, mà "có thể xuất khẩu những kỹ sư, lao động lành nghề, thay vì lao động phổ thông".
Phó Thủ tướng lưu ý, trong thế giới kết nối, chia sẻ, ngành giáo dục phải phát huy nội lực , đồng thời chú trọng thu hút các nhà khoa học, nhân tài là người Việt Nam ở nước ngoài, người nước ngoài.
Đồng thời, ngành giáo dục phải nâng cao hơn nữa chất lượng dạy ngoại ngữ - đây là "giấy thông hành", "hành trang" để lao động Việt Nam hội nhập ra thế giới.