Bộ Tư pháp vừa tổ chức hội thảo chuyên đề về dân cư quy định trong dự thảo Luật Thủ đô. Đây là hội thảo được cho là đặc biệt bởi chỉ bàn thảo duy nhất một vấn đề quy định các điều kiện đăng ký thường trú trong dự thảo luật.
Nơi ở “chỉ dành cho người giàu”?
Xuất phát từ tính đặc thù của Thủ đô và giải pháp về dân cư hiện nay, điều kiện hạ tầng, phát triển của Hà Nội đang khiến các nhà quản lý và chính quyền thành phố lúng túng. Điều 21 dự thảo Luật Thủ đô quy định về điều kiện để được đăng ký thường trú ở nội thành Hà Nội gồm: Có chỗ ở hợp pháp, tạm trú liên tục từ 3 năm trở lên, nơi đề nghị đăng ký thường trú phải là nơi đang tạm trú. Ngoài ra, điều kiện “có việc làm ổn định hoặc thu nhập hợp pháp” cũng đang được tính đến để bảo đảm sự chặt chẽ của pháp luật.
Nhiều ý kiến lo ngại, các quy định này sẽ hạn chế quyền tự do cư trú của công dân theo quy định của Hiến pháp, hoặc biến Hà Nội thành “nơi ở chỉ dành cho người giàu”. Tuy nhiên, theo đánh giá tổng quan của Bộ Tư pháp và UBND Tp. Hà Nội, những quy định về điều kiện đăng ký thường trú tại nội thành Hà Nội đã nhận được sự đồng tình của dư luận.
Theo số liệu thống kê, từ năm 2007 đến nay, trung bình mỗi năm Hà Nội tăng bình quân khoảng gần 200.000 người và tính đến tháng 10-2010, dân số của Hà Nội có gần 6,5 triệu người, trong đó tăng cơ học chiếm khoảng 63%, chủ yếu tập trung ở nội thành, trong khi diện tích đất tự nhiên tại các vùng này không tăng. Do vậy, việc quy định các điều kiện đăng ký thường trú chặt chẽ bên cạnh các giải pháp kinh tế - kỹ thuật nhằm giải quyết số lượng dân cư tập trung quá đông tại nội thành là cần thiết. Tuy nhiên, có hay không nên đưa các quy định về quản lý dân cư vào trong dự thảo Luật Thủ đô và quy định như thế nào là điều cần phải bàn.
GS.TS Nguyễn Lân Dũng cho rằng, với các vấn đề nhạy cảm như quản lý dân cư hay các quy định nhằm trao cho Hà Nội cơ chế đặc thù, cần xem xét cụ thể trước khi đưa vào Luật, để tránh tình trạng Luật không áp dụng được với thực tế, làm mất giá trị của văn bản pháp lý này.
TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm, Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội cho rằng, Thủ đô Hà Nội đang chịu áp lực lớn vì sự gia tăng dân số, nên phải giải quyết các yêu cầu đặc thù. Điều kiện đăng ký ở nội thành như quy định trong dự thảo chưa phải là thể chế đặc thù để giải quyết việc giảm dân ở nội đô. UBND thành phố nên được trao quyền thực hiện các biện pháp ưu tiên để khuyến khích giãn dân tự nguyện, thu hồi đất đai từ việc di dời các trường đại học, các cơ quan công nghiệp, các trụ sở Bộ, ngành Trung ương để xây dựng các công trình công cộng, công viên, vườn hoa… Cũng theo ông Nghiêm, Hà Nội hiện đang “lỗi” về quy hoạch. Dự kiến đến năm 2010 dân số Hà Nội sẽ có khoảng 3,3 triệu dân. Nhưng đến năm 2008, trước khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính, số dân đã đạt gần 3,3 triệu.
Tuy nhiên, GS.TS Nguyễn Đình Cử, Viện Dân số và các vấn đề xã hội (Đại học Kinh tế quốc dân) cho rằng: Để giải quyết vấn đề này, chúng ta phải kết hợp nhiều giải pháp ở cả tầm vĩ mô và vi mô. Tầm vĩ mô như: Xây dựng các thành phố vệ tinh quanh Hà Nội để kéo bớt người nhập cư mới đến vào các thành phố vệ tinh; dừng xây dựng mới và chuyển các cơ sở dịch vụ, kinh doanh cũ không chỉ gây ô nhiễm mà còn thu hút nhiều dân ra khỏi các quận có mật độ cao… Còn ở tầm vi mô là can thiệp đến từng công dân, như áp dụng một số điều kiện về thời hạn tạm trú, điều kiện nhà ở...
Cần hài hòa về điều kiện nhập cư
Các chuyên gia đồng tình với quan điểm của dự thảo Luật Thủ đô đều cho rằng, quy định điều kiện đăng ký thường trú không phải là hạn chế quyền tự do cư trú của công dân, mà chỉ là biện pháp hành chính để đảm bảo hài hòa giữa lợi ích của người dân và công tác quản lý nhà nước, cũng như các quyền sống khác của người dân trên địa bàn Thủ đô. Đồng thời phải tính đến việc phát triển đô thị vệ tinh để giảm áp lực dân số cho nội đô, có chính sách khuyến khích di cư chủ động đối với các đối tượng là nhân tài, lao động có trình độ cao, đầu tư tạo việc làm… Đây cũng là cách làm được nhiều quốc gia trên thế giới như Nga, Trung Quốc, Belarrus… đang áp dụng thành công.
Với kinh nghiệm của địa bàn đã từng đi trước vấn đề này, TS Nguyễn Bá Sơn, Giám đốc Sở Tư pháp Đà Nẵng khẳng định: Quy định như Luật Thủ đô là cần thiết vì nếu không có điều kiện nhập cư thì chất lượng cuộc sống của người dân khó được đảm bảo để phát triển. Trách nhiệm của nhà quản lý là phải nâng cao chất lượng và điều kiện sống cho người dân. Do đó cần có cái nhìn hài hòa khi đánh giá về điều kiện nhập cư của Luật Thủ đô.
Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Anh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Công an cho biết: Qua thực tiễn thực hiện Điều 20 Luật Cư trú (về điều kiện đăng ký thường trú tại các thành phố trực thuộc Trung ương), định hướng sửa đổi Điều 20 sẽ có một khoản quy định về đăng ký thường trú tại các quận nội thành của Tp. Hà Nội với các điều kiện: Có chỗ ở hợp pháp (nhà thuộc sở hữu hoặc được cho thuê lâu dài), tạm trú liên tục tại chỗ đó 2 năm trở lên và đảm bảo diện tích mặt sàn tối thiểu là 5m2/người.
Đô thị hóa là một quá trình tất yếu tự nhiên đối với mọi quốc gia. Tuy nhiên, đô thị hóa tự phát, thiếu quy hoạch một cách khoa học sẽ gây nhiều hậu quả tiêu cực đối với sự phát triển bền vững của đô thị. Vì vậy, áp dụng các biện pháp hành chính kết hợp với các giải pháp kinh tế - xã hội để quản lý dân cư là việc làm cần thiết của mỗi đô thị, nhất là một đô thị với vai trò Thủ đô - đầu não cả nước như hiện nay.
Mai Thoa