Bộ GTVT vừa ban hành Thông tư số 16/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư quy định về đăng kiểm phương tiện thủy nội địa.
Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, Thông tư mới đã đơn giản hoá các thành phần của thủ tục, hồ sơ khi thực hiện công tác đăng kiểm phương tiện thủy nội địa nhằm tiết kiệm thời gian, chi phí cho cá nhân, tổ chức và cơ quan Nhà nước.
Dựa trên các quy định, tiêu chuẩn của các tổ chức đăng kiểm quốc tế là thành viên của Hiệp hội Các tổ chức phân cấp quốc tế (IACS), Thông tư cũng sửa đổi, bổ sung một số quy định để kịp thời tháo gỡ cho những trường hợp như:
Phương tiện thuỷ nội địa có kiểu loại, công dụng đa dạng và phân hoá rộng, từ phương tiện phục vụ dân sinh, gia dụng đến các phương tiện có tính chất khoa học công nghệ cao và hiện nay số lượng phương tiện nhập khẩu có xu hướng tăng.
Cụ thể, đối với phương tiện mô tô nước sử dụng với mục đích vui chơi, giải trí, Thông tư quy định không cần phải có thiết kế lập hồ sơ trình cơ quan đăng kiểm thẩm định vì đây là loại phương tiện đơn giản, chỉ nhằm mục đích vui chơi, giải trí nên chỉ cần kiểm tra thực tế phương tiện theo yêu cầu của quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn quốc gia.
Thực tế, phương tiện loại này ở các nước trên thế giới cũng không có cơ quan đăng kiểm thẩm định hồ sơ thiết kế.
Ngoài ra, thông tư mới cũng đơn giản hoá thủ tục thẩm định thiết kế cho phương tiện nhập khẩu, theo đó, các phương tiện nhập khẩu đã được cơ quan đăng kiểm nước ngoài kiểm tra, cấp giấy chứng nhận thì giảm bớt yêu cầu về hồ sơ thiết kế.
Đồng thời, bỏ yêu cầu về thẩm định hồ sơ thiết kế sản phẩm công nghiệp nhập khẩu, chỉ cần tổ chức, cá nhân cung cấp báo cáo thử nghiệm sản phẩm công nghiệp do nước ngoài cấp để làm căn cứ kiểm tra trước khi cấp giấy chứng nhận sản phẩm công nghiệp.
Lý giải cho quy định này, ban soạn thảo cho biết, thực tế khi nhập khẩu, các sản phẩm công nghiệp không có hồ sơ thiết kế vì liên quan đến vấn đề bảo mật công nghệ của nước ngoài.
Đặc biệt, Thông tư cũng quy định không yêu cầu phải trình bản gốc hồ sơ thiết kế được thẩm định đối với tất cả các trường hợp kiểm tra chu kỳ phương tiện, chỉ cần nộp bản sao chứng thực hợp đồng mua bán trong trường hợp chuyển chủ.
Trường hợp phương tiện đóng theo hồ sơ thiết kế đã được thẩm định, cùng một cơ sở đóng mới, hoán cải, sửa chữa và cùng đơn vị giám sát, không phải thẩm định hồ sơ thiết kế, chỉ cần nộp bản sao hồ sơ thiết kế đã được thẩm định.
Để có căn cứ giảm bớt một số yêu cầu về thủ tục kiểm tra phương tiện nhập khẩu, Thông tư cũng làm rõ các hiệp hội, tổ chức được đăng kiểm thừa nhận, bao gồm:
Tổ chức đăng kiểm nước ngoài là thành viên của Hiệp hội Các tổ chức phân cấp quốc tế (IACS) hoặc tổ chức chứng nhận được các quốc gia có tiêu chuẩn chất lượng tiên tiến thừa nhận (các quốc gia là thành viên của G7, EU, các quốc gia UK, Úc, Newzealand, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nga).
Ngoài ra, để tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp; giảm bớt thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân, Thông tư bổ sung quy định nộp hồ sơ qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến.
Tại Thông tư 16 mới ban hành, Bộ GTVT cũng đẩy mạnh phân cấp thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính từ Cục Đăng kiểm Việt Nam về đơn vị đăng kiểm. Quy định này nhằm tách bạch hoá việc quản lý Nhà nước và thực hiện dịch vụ công.
Theo đó, ngoài Cục Đăng kiểm, Chi cục Đăng kiểm cũng có trách nhiệm thực hiện thẩm định hồ sơ thiết kế và tài liệu hướng dẫn của tàu; thủ tục kiểm tra, cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường cho phương tiện nhập khẩu.
Ngoài ra, Thông tư cũng quy định đơn vị đăng kiểm được chia thành hạng I, hạng II, hạng III theo yêu cầu về năng lực và được tăng phạm vi thực hiện của từng hạng.
Cụ thể, đơn vị đăng kiểm hạng III thực hiện đăng kiểm phương tiện thủy nội địa có tổng dung tích dưới 500 GT, phương tiện thủy nội địa có động cơ tổng công suất máy chính dưới 300 sức ngựa, phương tiện thủy nội địa có sức chở dưới 50 người (trừ tàu cấp VR-SB, tàu nhiều thân, tàu chở công te nơ, tàu cao tốc chở khách, tàu đệm khí, tàu cánh ngầm, tàu dầu, tàu chở hóa chất nguy hiểm, tàu chở khí hóa lỏng, tàu chở hàng nguy hiểm).
Đơn vị đăng kiểm hạng II thực hiện đăng kiểm các loại phương tiện thủy nội địa (trừ tàu dầu có tổng dung tích từ 3000 GT trở lên, tàu hàng cấp VR-SB có tổng dung tích từ 3000 GT trở lên hoặc tàu khách cấp VR SB có sức chở từ 100 người trở lên, tàu chở hóa chất nguy hiểm, tàu chở khí hóa lỏng, tàu chở hàng nguy hiểm).
Trong khi đó, đơn vị đăng kiểm hạng I thực hiện đăng kiểm đối với tất cả các loại phương tiện thủy nội địa.