Quy định hiện hành về trách nhiệm, quyền hạn của Hội thẩm (Bài 1)

Chu Xuân Minh - Thẩm phán TANDTC| 14/04/2019 11:14
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Chế định hội thẩm của Việt Nam là chế định ưu việt được quy định tương đối ổn định trong thời gian dài. Tuy nhiên, cùng với cải cách tư pháp, chế định hội thẩm cũng phải có những cải cách phù hợp.

Hội thẩm là ai?

Khi đến các phiên tòa, chúng ta thường thấy các biển chức danh trên bàn của Hội đồng xét xử là: Chủ tọa phiên tòa, Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân. Có một số người cho rằng Chủ tọa phiên tòa là Chánh án. Việc hiểu sai này một phần do thấy vị trí của Chủ tọa phiên tòa là trang trọng nhất, một phần cũng do trước đây Chủ tọa phiên tòa còn được gọi là Chánh án phiên tòa. Ngày nay, chức danh Chánh án chỉ dành cho người đứng đầu một Tòa án. Do vậy, Chánh án có thể làm Chủ tọa phiên tòa nhưng thông thường thì Chủ tọa phiên tòa chỉ là một Thẩm phán được Chánh án phân công.

Ngoài biển chức danh Chủ tọa phiên tòa, còn có biển chức danh Thẩm phán. Đó là trường hợp Hội đồng xét xử sơ thẩm gồm 5 người thì sẽ có một Thẩm phán làm Chủ tọa phiên tòa, một Thẩm phán khác và 3 Hội thẩm nhân dân. Trong trường hợp Hội đồng xét xử sơ thẩm gồm 3 người thì chỉ có Chủ tọa phiên tòa và 2 Hội thẩm nhân dân.

Hội thẩm nhân dân là đại biểu của nhân dân tham gia vào Hội đồng xét xử để xét xử một vụ án. Do vậy, Hội thẩm nhân dân không thuộc biên chế Tòa án, họ có thể là công chức hay người lao động của cơ quan, tổ chức khác, hoặc đã nghỉ hưu.

 Hội thẩm có từ khi nào?

Ngày truyền thống Tòa án nhân dân là ngày 13/9/1945. Đó là ngày ban hành Sắc lệnh 33C ngày 13/9/1945 của Chủ tịch Chính phủ lâm thời Việt Nam dân chủ cộng hòa thành lập Tòa án quân sự. Tên gọi là Tòa án quân sự nhưng không phải là Tòa án của quân đội như hiện nay mà được hiểu là Tòa án cách mạng, Tòa án chính thức của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Điều đó được thể hiện ngay trong quy định của Điều II Sắc lệnh 33C:

“Tòa án quân sự sẽ xử tất cả các người nào vi phạm vào một việc gì có phương hại đến nền độc lập của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

Trừ khi phạm nhân là binh sĩ thì thuộc về nhà binh tự xử lấy theo quân luật”.

Cũng ngay trong sắc lệnh 33C này, vị trí của Hội thẩm với tư cách là người đại diện của nhân dân tham gia xét xử đã được quy định. Điều V của Sắc lệnh 33C quy định:

“Ngồi xử có Chánh án và hai hội thẩm. Ghế Chánh án và ghế hội thẩm sẽ do một ủy viên quân sự và một ủy viên chính trị ngồi. Còn ghế hội thẩm thứ nhì sẽ thuộc về ông thẩm phán chuyên môn của tư pháp”.

Như vậy, trong thời kỳ này, Hội thẩm không chỉ là người ngoài Tòa án tham gia xét xử mà một thẩm phán cũng được gọi là hội thẩm.

Sắc lệnh số 13 ngày 24/01/1946 của Chủ tịch Chính phủ lâm thời Việt Nam dân chủ cộng hòa được coi như Luật Tổ chức Tòa án đầu tiên của Việt Nam. Sắc lệnh này quy định  khá chi tiết tổ chức, hoạt động của các Tòa án, các ngạch Thẩm phán, các nhân sự thành viên khác của Tòa án. Tại Điều 17 của Mục B Tiết thứ ba Chương thứ nhất đã quy định: “Những khi xử các việc tiểu hình, phải có thêm hai viên phụ thẩm nhân dân góp ý kiến”. Phụ thẩm nhân dân được quy định tại Điều 18 của Mục B là do Ủy ban hành chính cấp tỉnh lập danh sách từ các hội viên của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.

Quy định hiện hành về trách nhiệm, quyền hạn của Hội thẩm (Bài 1)

Như vậy, Hội thẩm với tư cách là đại diện nhân dân tham gia xét xử đã có từ những ngày đầu tiên thành lập Tòa án nhân dân với những tên gọi là Hội thẩm, sau đó là Phụ thẩm nhân dân.

Chức danh Hội thẩm nhân dân có từ khi nào?

Năm 1950 được coi là năm mở đầu cải cách tư pháp. Tòa án tối cao đã được quy định trong Hiến pháp năm 1946 nhưng do điều kiện kháng chiến nên đến Tháng 5 năm 1958 mới thành lập. Trong kháng chiến chống Pháp, hệ thống Tòa án vẫn do Bộ Tư pháp phụ trách. Tại Hội nghị của cán bộ ngành tư pháp năm 1950 cũng chính là hội nghị cán bộ tòa án, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến dự và có bài nói chuyện quan trọng. Tại hội nghị này Bác Hồ đã dạy cán bộ tòa án phải “ Gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân”.

Văn bản pháp luật có ý nghĩa cải cách tư pháp mạnh mẽ của thời kỳ này là Sắc lệnh số 85 ngày 22/5/1950 về tổ chức và hoạt động của Tòa án. Sắc lệnh số 85 quy định “Tòa án sơ cấp, đệ nhị cấp nay gọi là Tòa án nhân dân huyện, Tòa án nhân dân tỉnh. Hội đồng phúc án nay là Tòa Phúc thẩm, Phụ thẩm nhân dân nay gọi là hội thẩm nhân dân” và quy định có hội thẩm nhân dân tham gia xét xử ở cả Tòa án cấp huyện và Tòa án cấp phúc thẩm.

Từ năm 1950 đến nay, chế định hội thẩm thường có thay đổi mỗi khi thay đổi Luật Tổ chức Tòa án và pháp luật tố tụng, có thời kỳ ở cấp trung ương cũng có hội thẩm (khi các Tòa chuyên trách của Tòa án nhân dân tối cao xét xử sơ chung thẩm những vụ đặc biệt) nhưng đều gọi là Hội thẩm nhân dân.

Quy định hiện hành về trách nhiệm, quyền hạn của Hội thẩm

Hội thẩm được quy định tại Chương VIII Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014, có hiệu lực thi hành từ 01/6/2015. Trước đây, chế định Hội thẩm thường được quy định bằng các pháp lệnh chứ không được quy định trong Luật tổ chức tòa án. Theo quy định tại Điều 84 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân thì Hội thẩm Tòa án nhân dân gồm Hội thẩm nhân dân và Hội thẩm quân nhân; Hội thẩm quân nhân thực hiện nhiệm vụ xét xử những vụ án thuộc thẩm quyền của Tòa án quân sự.

Về tiêu chuẩn của Hội thẩm.

Tiêu chuẩn của Hội thẩm được quy định tại Điều 85 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014:

“1. Là công dân Việt Nam, trung thành với Tổ quốc và Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, có phẩm chất đạo đức tốt, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có uy tín trong cộng đồng dân cư, có tinh thần dũng cảm và kiên quyết bảo vệ công lý, liêm khiết và trung thực.

2.Có kiến thức pháp luật.

3.Có hiểu biết xã hội.

4.Có sức khỏe bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao.”.

Ở thời điểm bầu Hội thẩm nhân dân nhiệm kỳ 2016 – 2021, chưa có các văn bản pháp quy hướng dẫn thi hành Luật Tổ chức Tòa án nhân dân về lựa chọn và bầu Hội thẩm nên vẫn tham khảo áp dụng các văn bản hướng dẫn cũ như:

- Quy chế về tổ chức và hoạt động của Hội thẩm Tòa an nhân dân năm 2005;

- Thông tư liên tịch số 01/20004/TTLT-TANDTC-UBTWMTTQVN ngày 01/3/2004.

Theo hướng dẫn của các văn bản pháp quy nêu trên thì về Tiêu chuẩn Hội thẩm, ngoài các quy định tại Điều 85 nêu trên, cần lưu ý một số điểm sau:

- Hội thẩm phải là người chưa bao giờ bị kết án (kể cả trường hợp đã được xóa án tích).

- Những người đang công tác tại các cơ quan Tòa án, Viện kiểm sát, Cơ quan điều tra, Thi hành án, Luật sư và cả những người đang làm việc tại các tổ chức luật sư, tư vấn pháp lý thì không được làm Hội thẩm nhân dân.

- Chú ý lựa chọn những người thuộc các tổ chức xã hội, các đoàn thể ở địa phương như Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Công đoàn, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ, Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; đại diện cho hoạt động giáo dục, hoạt động doanh nghiệp, hoạt động tôn giáo.

- Tuổi của Hội thẩm là 70 tuổi trở xuống đối với nam và 65 tuổi trở xuống đối với nữ.

- Số lượng Hội thẩm nhân dân được quy định tại Khoản 2 Điều 4 của Quy chế Tổ chức và hoạt động của Đoàn Hội thẩm (Ban hành kèm theo Nghị quyết số 1213/2016/UBTVQH13 ngày 13/6/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII) là:

“Tại Tòa án nhân dân cấp tỉnh: cứ 02 Thẩm phán thì có 03 Hội thẩm, nhưng tổng số Hội thẩm của Tòa án nhân dân cấp tỉnh không dưới 20 người và tối đa không quá 100 người;

Tại Tòa án nhân dân cấp huyện: cứ 01 thẩm phán thì có 02 Hội thẩm, nhưng tổng số Hội thẩm tại Tòa án nhân dân cấp huyện không dưới 15 người và tối đa không quá 50 người, trừ trường hợp đặc biệt có thể có dưới 15 người.”.

Về thủ tục bầu, cử, miễn nhiệm, bãi nhiệm Hội thẩm

Về thủ tục bầu Hội thẩm, Khoản 1 Điều 86 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 quy định: “Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương đề xuất nhu cầu về số lượng, cơ cấu thành phần Hội thẩm đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp lựa chọn và giới thiệu người đủ tiêu chuẩn theo quy định tại Điều 85 của Luật này để Hội đồng nhân dân có thẩm quyền theo luật định bầu Hội thẩm nhân dân”.

Như vậy, việc bầu Hội thẩm nhân dân sẽ trải qua các bước sau:

- Bước một: Tòa án nhân dân đề xuất nhu cầu về số lượng và cơ cấu Hội thẩm với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Tòa án và Mặt trận thống nhất số lượng và cơ cấu theo quy định tại Khoản 2 Điều 4 Quy chế Tổ chức và hoạt động của Đoàn Hội thẩm năm 2016 đã nêu ở trên.

- Bước hai: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì cùng Tòa án thống nhất về số lượng Hội thẩm đề nghị tái nhiệm,lựa chọn bổ sung người đủ tiêu chuẩn theo quy định tại Điều 85 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 để giới thiệu bầu Hội thẩm. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức Hội nghị hiệp thương với các cơ quan, tổ chức, đơn vị có người dự kiến giới thiệu bầu Hội thẩm.

- Bước ba: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thống nhất với Tòa án lập hồ sơ nhân sự và làm văn bản giới thiệu những người đủ tiêu chuẩn để Hội đồng nhân dân bầu Hội thẩm.

- Bước bốn: Hội đồng nhân dân tổ chức bầu Hội thẩm và ra Nghị quyết công nhận kết quả bầu cử Hội thẩm nhân dân. Nghị quyết công nhận kết quả bầu cử là cơ sở pháp lý để Hội thẩm chính thức thực hiện nhiệm vụ.

Về việc miễn nhiệm, bãi nhiệm Hội thẩm: Khoản 1 Điều 86 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân quy định: “Chánh án Tòa án nhân dân sau khi thống nhất với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp đề nghị Hội đồng nhân dân miễn nhiệm, bãi nhiệm Hội thẩm nhân dân”.

Theo quy định của Điều 90 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân thì điều kiện miễn nhiệm, bãi nhiệm là:

“1. Hội thẩm có thể được miễn nhiệm vì lý do sức khỏe hoặc lý do chính đáng khác.

2. Hội thẩm bị bãi nhiệm khi có vi phạm về phẩm chất đạo đức hoặc có hành vi vi phạm pháp luật không còn xứng đáng làm Hội thẩm.”.

Về việc cử, miễn nhiệm, bãi nhiệm đối với Hội thẩm quân nhân:

Hội thẩm quân nhân có ở 2 cấp là Tòa án quân sự khu vực và Tòa án quân sự quân khu (và tương đương). Hội thẩm quân nhân được cử (không phải bầu) nên chỉ quy định về Cơ quan có thẩm quyền giới thiệu và Cơ quan có thẩm quyền cử (Khoản 2 và 3 Điều 86 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân).

- Đối với Hội thẩm quân nhân Tòa án quân sự quân khu (và tương đương): Cơ quan giới thiệu là cơ quan chính trị quân khu, quân đoàn, quân chủng hoặc cấp tương đương; Cấp có thẩm quyền cử là Chủ nhiệm Tổng cục chính trị.

- Đối với Hội thẩm quân nhân Tòa án quân sự khu vực: Cơ quan giới thiệu là cơ quan chính trị sư đoàn hoặc tương đương; Cấp có thẩm quyền cử là Chính ủy quân khu, quân đoàn, quân chủng, tổng cục hoặc cấp tương đương.

Việc miễn nhiệm, bãi nhiệm Hội thẩm quân nhân do cấp có thẩm quyền cử thực hiện sau khi có đề nghị của Cơ quan có thẩm quyền giới thiệu và Tòa án cùng cấp.

 (Còn nữa)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quy định hiện hành về trách nhiệm, quyền hạn của Hội thẩm (Bài 1)