Việc ban hành nghị định mới vẫn chưa xử lý được một cách triệt để các bất cập của quy định khống chế chi phí lãi vay được trừ.
Điểm rất đáng quan ngại”
Đó là bình luận được ông Chung Thành Tiến, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ kế toán Đồng Hưng nói với phóng viên ngay khi Nghị định 68/NĐ-CP sửa đổi bổ sung khoản 3, điều 8 Nghị định 20/2017/NĐ-CP quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết được ban hành ngày 24/6/2020. Nghị định này được cho là sửa lại những điểm chưa hợp lý tại Nghị định 20 về giao dịch liên kế vốn bị cộng đồng doanh nghiệp lớn chỉ trích nhiều năm nay.
Điều “đáng quan ngại” được ông Chung Thành Tiến cảnh báo ngay khi Nghị định 68 được ban hành, “đó là khoản chi phí lãi vay phát sinh từ các bên độc lập có tính vào tổng chi phí khống chế 30% EBITDA hay không?”, ông Tiến nói.
Bởi, căn cứ theo câu chữ, ông Tiến cảnh báo là có khả năng kịch bản “đánh nhầm” lặp lại. Bởi điểm a, khoản 3 lại không nói rõ mà ghi chung chung và đặt biệt là trong mẫu biểu phần chi phí lãi vay để tính 30% EBITDA lại là số tổng (bao gồm phát sinh từ các bên liên quan và cả các bên độc lập, bao luôn cả các khoản vay từ các định chế tài chính).
Quy định khống chế chi phí lãi vay được trừ vẫn gây rủi ro cho doanh nghiệp theo mô hình "công ty mẹ - con". |
Sau một thời gian thực hiện, vấn đề “đáng quan ngại” ấy cũng đã được Đại biểu Quốc hội để ý. Tại kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, ngày 3/11, đại biểu Bùi Thanh Tùng, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hải Phòng, đã phát biểu đặt câu hỏi về Nghị định 20.
Dẫn quan điểm của nhiều chuyên gia, Đại biểu Quốc hội Bùi Thanh Tùng phản ánh: Theo ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp, việc ban hành nghị định mới bổ sung vẫn chưa xử lý được một cách triệt để các bất cập và tiếp tục kiến nghị về dài hạn, cần xem xét thay đổi và chỉ nên áp dụng quy định đối với các doanh nghiệp nước ngoài mà không áp dụng chung cho tất cả các doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, mục tiêu của quy định này là chống chuyển giá (tức là chuyển lợi nhuận ra nước ngoài), vì vậy các doanh nghiệp có công ty mẹ công ty con cùng hoạt động tại Việt Nam thì không phải là đối tượng chống chuyển giá. Các doanh nghiệp cho vay mượn qua lại giữa các thành viên cũng nên được loại ra khỏi phạm vi điều chỉnh.
“Đề nghị Chính phủ sớm tiếp tục nghiên cứu để ban hành Nghị định sửa đổi tổng thể, tạo điều kiện thuận lợi và công bằng cho các doanh nghiệp trong sản xuất và kinh doanh, nhất là trong bối cảnh kinh tế gặp bất lợi cho đại dịch Covid và suy thoái kinh tế toàn cầu như hiện nay” - Đại biểu Bùi Thanh Tùng kiến nghị.
Sửa từ gốc
Chú ý đến Nghị định 68 từ khi còn là dự thảo, ông Chung Thành Tiến chia sẻ: "Sau khi xem các nội dung của Nghị định so với bản dự thảo, tôi thấy rất khác biệt. Nghị định 68 chỉ sửa đổi, bổ sung đúng khoản 3, điều 8 của Nghị định số 20, đúng yêu cầu của Thủ tướng chính phủ chứ không chèn thêm các nội dung khác như bản dự thảo".
Đi sâu phân tích chi tiết thay đổi khoản 3, điều 8, ông Chung Thành Tiến vẫn không khỏi lo ngại tình trạng “vận dụng pháp luật” của cơ quan thuế ở địa phương có thể khiến doanh nghiệp bị “đánh nhầm”.
Nghị định lần này đã làm rõ, tỷ lệ 30% EBITDA chỉ áp dụng cho phần chi phí lãi vay phát sinh từ các bên liên quan. Song ông Tiến cảnh báo: "Mặc dù cá nhân tôi đọc hiểu và xâu chuỗi toàn bộ quá trình từ khi Nghị định 20 có hiệu lực đến nay cũng như tham khảo các nguyên tắc chung của OECD liên quan đến chính sách chống chuyển giá, chắc chắn tỷ lệ này chỉ áp dụng đối với các bên liên quan. Tuy nhiên, với trình vận dụng của các cơ quan thuế địa phương tôi tin chắc một lần nữa sẽ áp cho tất cả (kể cả các bên độc lập)".
Ngoài ra, theo chuyên gia này, việc ghi nhận doanh thu và chi phí để xác định nghĩa vụ thuế Thu nhập doanh nghiệp (TNDN) đang được điều chỉnh bởi Luật thuế TNDN năm 2008 và các Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế TNDN hiện vẫn còn hiệu lực thi hành. Đây là văn bản có giá trị pháp lý cao nhất liên quan đến việc xác định nghĩa vụ thuế TNDN tại Việt Nam, các văn bản hướng dẫn (Nghị định, Thông tư) không được phép trái với quy định của Luật.
Do đó, Nghị định 20/2017/NĐ-CP hay Nghị định thay thế cũng cần được cơ quan soạn thảo xem xét, xây dựng theo đúng tinh thần trên (đã được quy định cụ thể tại Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015) để hạn chế tối đa việc chồng chéo, vướng mắc phát sinh khi áp dụng vào thực tế như thời gian vừa qua.
Đối với việc ghi nhận doanh thu để xác định thu nhập chịu thuế TNDN, Luật thuế TNDN chưa thấy có điều, khoản nào quy định bắt buộc doanh thu phải điều chỉnh theo giá thị trường đối với các bên liên quan có phát sinh giao dịch liên kết. Do đó, việc Nghị định 20/2017/NĐ-CP trước đây và Nghị định 68/2020 quy định việc điều chỉnh này, xét trên góc độ pháp lý cũng chưa thật sự phù hợp và không tránh khỏi phát sinh vướng mắc khi thực hiện.
Đối với việc ghi nhận chi phí, xét trường hợp cụ thể tại mục 2.17, khoản 2, điều 6 Luật thuế TNDN quy định liên quan đến chi phí lãi vay được trừ thì: "Phần chi phí trả lãi tiền vay vốn sản xuất kinh doanh của đối tượng không phải là tổ chức tín dụng hoặc tổ chức kinh tế vượt quá 150% mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm vay." Và không có thêm điều kiện nào khác kèm theo.
Như vậy việc Nghị định 20/2017/NĐ-CP trước đây đã giới hạn phần chi phí lãi vay được tính vào chi phí được trừ không vượt quá 20% EBITDA và Nghị định sửa đổi, bổ sung này dù có nâng mức trần lên 30% EBITDA cũng chưa đúng với quy định Luật thuế TNDN đang còn hiệu lực thi hành.
“Để đảm bảo thống nhất trong việc xác định các khoản doanh thu và chi phí khi xác định thu nhập chịu thuế hay nói cách khác là nghĩa vụ thuế của người nộp thuế nói chung, theo quan điểm cá nhân tôi, Quốc hội cần nhanh chóng rà soát lại các điểm chưa phù hợp của Luật thuế TNDN hiện hành để tiến hành sửa đổi, bổ sung thống nhất với tình hình thực tế, hạn chế tối đa các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực thi pháp luật thuế trong thời gian tới”, ông Chung Thành Tiến kiến nghị.