Tây Thi - Siêu gián điệp mỹ nhân kế

Minh An| 27/01/2015 08:47
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Đứng đầu trong Tứ đại mỹ nhân, Tây Thi là nữ gián điệp tình dục đầu tiên và nổi tiếng nhất trong lịch sử Trung Quốc, được Việt Vương Câu Tiễn đưa sang nước Ngô nhằm mê hoặc Ngô Vương Phù Sai. Kết quả, Phù Sai mất nước, phải tự sát.

Năm 494 trước Công nguyên, nước Việt (ngày nay là Thượng Hải, bắc Chiết Giang và nam Giang Tô) bị nước Ngô đánh bại, phải cầu hòa. Việt Vương Câu Tiễn phải sang nước Ngô làm con tin trong ba năm. Nhẫn nhịn chịu nhục, Việt Vương Câu Tiễn tìm mọi cách lấy lòng Ngô Vương Phù Sai. Chuyện kể rằng một lần Ngô Vương Phù Sai bị bệnh, Việt Vương Câu Tiễn đến thăm, không ngần ngại nếm phân và nước tiểu của Ngô Vương Phù Sai. Thất kinh, Ngô Vương Phù Sai tròn mắt hỏi Việt Vương Câu Tiễn sao lại làm thế. Việt Vương Câu Tiễn đã trả lời rằng: “Thần nếm phân và nước tiểu là có thể đoán được bệnh tình. Nếu có vị ngọt, tức là bệnh tình nặng lên. Nếu có vị đắng, tức là bệnh tình đang thuyên giảm. Phân và nước tiểu của bệ hạ có vị đắng, chắc chắn bệ hạ sắp khỏi”. Cảm thấy kì quái, Ngô Vương Phù Sai muốn khảo nghiệm liền bảo một hoàng tử nếm thử phân và nước tiểu. Thấy hoàng tử nhăn mặt, Ngô Vương Phù Sai than rằng: “Thân như cha con mà cũng không bằng tình của Câu Tiễn”, từ đó càng tín nhiệm Câu Tiễn, không lâu sau thì thả Câu Tiễn về nước.

Tây Thi - Siêu gián điệp mỹ nhân kế

Tây Thi

Trở về cố quốc, bề ngoài Việt Vương Câu Tiễn giả vờ tuân phục, đều đặn triều cống, nhưng bên trong vẫn nuôi chí phục thù, trọng dụng hai đại thần là Phạm Lãi và Văn Chủng, cùng bàn kế tiêu diệt nước Ngô, bí mật luyện tập quân đội, tích trữ quân lương, đoàn kết dân chúng. Văn Chủng còn đưa ra 9 kế sách diệt Ngô, trong đó có việc nắm chắc nhược điểm của Ngô Vương Phù Sai là hoang dâm, hiếu sắc. Để làm việc này, Việt Vương Câu Tiễn đã phải cất công cử người tìm mỹ nữ trong cả nước. Tây Thi là người con gái đẹp nhất trong số mỹ nữ mà Việt Vương Câu Tiễn triều cống sang nước Ngô. Tương truyền, Tây Thi đẹp đến nỗi khi nàng nhăn mặt, đàn ông vẫn như bị hút hồn. Không chỉ vậy, sắc đẹp của nàng còn khiến những đàn cá nhìn thấy bóng nàng soi xuống mặt sông say mê đến quên cả bơi, dần dần lặn xuống đáy sông. Chính tích “Tây Thi trầm ngư” bắt nguồn từ việc này.

Ở nước Ngô, Tây Thi tìm mọi cách lôi kéo Ngô Vương Phù Sai bỏ bê chính sự, hưởng lạc. Ngô Vương Phù Sai chẳng thể cưỡng lại sự quyến rũ của người đẹp, ngày đêm chỉ nghĩ tới việc làm người đẹp thỏa mãn. Những lầu, những đài liên tục được dựng lên, không chỉ ngốn mất của ngân khố bộn tiền mà còn khiến nhân dân cực khổ trăm bề. Trung thần nước Ngô là Ngũ Tử Tư liên tục can gián, nhưng Ngô Vương Phù Sai đều bỏ ngoài tai, thậm chí còn buộc Ngũ Tử Tư phải tự sát. Trước khi chết, Ngũ Tử Tư yêu cầu được treo đầu ở cổng thành để có thể nhìn quân nước Việt tiến đánh, tiêu diệt nước Ngô như thế nào.

Tây Thi - Siêu gián điệp mỹ nhân kế

Tây Thi đứng đầu trong Tứ đại mỹ nhân của Trung Quốc, gồm Tây Thi, Vương Chiêu Quân, Điêu Thuyền, Dương Quý Phi

Lời nói của Ngũ Tử Tư quả nhiên ứng nghiệm. Năm 473 trước Công nguyên, Việt Vương Câu Tiễn xuất binh đánh nước Ngô. Ngô Vương Phù Sai thất bại, cầu hòa. Việt Vương Câu Tiễn không chấp nhận. Ngô Vương Phù Sai đành phải tự sát. Trước lúc lâm chung, Ngô Vương Phù Sai dặn những người xung quanh rằng: “Sau khi ta chết hãy lấy một tấm khăn phủ lên mặt ta bởi khi xuống dưới suối vàng, ta chẳng còn mặt mũi nào nhìn Ngũ Tử Tư nữa”.

Nước Ngô bị tiêu diệt, Tây Thi hoàn thành sứ mệnh của một nữ nhi yếm thắm đối với Tổ quốc, vẻ vang trở về nước Việt. Tuy nhiên, sau khi Tây Thi trở về nước Việt, số phận ra sao, hiện vẫn chưa có được sự thống nhất. Có người bảo Tây Thi và Phạm Lãi đã về quê sống ẩn dật. Tây Thi vốn là tình nhân của Phạm Lãi, nhưng vì nghiệp lớn cứu quốc đã hi sinh tình yêu và tuổi thanh xuân. Nước Ngô không còn, hai người có cơ hội gần nhau. Phạm Lãi đã nói với Tây Thi rằng: “Câu Tiễn, con người này có thể chung hoạn nạn, nhưng không thể cùng hưởng sự an lạc. Khi thỏ chết, người ta cũng giết chó săn. Chúng ta không thể ngồi đó đợi nguy hiểm, chi bằng hãy cùng nhau cao chạy xa bay”. Hai người, sau đó đã lên thuyền ngao du thỏa chí thuyền quyên. Tương truyền, Phạm Lãi sau này chuyển sang làm ăn buôn bán và phát tài lớn, Tây Thi trở thành một “phu nhân” giàu có.

Cũng có người nói rằng, Tây Thi về nước Việt hôm trước, tối hôm sau đã bị Việt Vương Câu Tiễn gọi vào cung “hầu vua ngủ”. Việt Vương Câu Tiễn nói với Tây Thi rằng: “Phù Sai thỏa thê với nàng, tại sao ta lại không được nhỉ?”. Tây Thi, cuối cùng, vẫn là một công cụ thỏa mãn nhục dục. Nhưng việc Tây Thi ở bên Việt Vương Câu Tiễn đã bị hoàng hậu coi là một mối họa không thể để lâu. Bà ta đã gọi Tây Thi đến, sai người dìm chết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tây Thi - Siêu gián điệp mỹ nhân kế