Quốc hội thảo luận về thí điểm không tổ chức HĐND tại phường, thị xã của Hà Nội

Ngọc Mai| 14/11/2019 07:43
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Hôm nay, ngày 14/11, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2020, nghe báo cáo và thảo luận một số dự án Luật, Nghị quyết.

Buổi sáng, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2020. 

Sau đó, Quốc hội thảo luận ở Hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

Từ 9 giờ 30, Quốc hội thảo luận ở Hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Buổi chiều, Quốc hội nghe Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trình bày Tờ trình; Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh trình bày Báo cáo thuyết minh; Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày Báo cáo thẩm tra về việc phê chuẩn Hiệp ước bổ sung Hiệp ước Hoạch định biên giới quốc gia năm 1985 và Hiệp ước bổ sung năm 2005 giữa Việt Nam và Campuchia; Nghị định thư Phân giới cắm mốc biên giới trên đất liên giữa Việt Nam và Campuchia

Tiếp đó, Quốc hội thảo luận ở Hội trường về dự thảo Nghị quyết về thí điểm không tổ chức HĐND tại các phường thuộc quận, thị xã của thành phố Hà Nội.

Quốc hội thảo luận về thí điểm không tổ chức HĐND tại phường, thị xã của Hà Nội

 Quốc hội thảo luận ở Hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về PCCC giai đoạn 2014-2018 vào ngày 13/11

Trước đó, ngày 13/11/2019, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ 18 tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.

Theo sự phân công của Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ điều hành cả ngày nội dung chuyên đề giám sát tối cao của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2014-2018”. Phiên họp được phát thanh, truyền hình trực tiếp trên sóng của Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Truyền hình Quốc hội để cử tri và nhân dân cả nước quan tâm, theo dõi.

Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt thay mặt Đoàn giám sát trình bày Báo cáo kết quả giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy (PCCC) giai đoạn 2014-2018” và xem video clip minh họa về nội dung của Báo cáo.

Sau đó, Quốc hội tiến hành thảo luận ở Hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về PCCC giai đoạn 2014-2018. Tại phiên thảo luận, có 38 đại biểu phát biểu. Đa số ý kiến đại biểu cơ bản tán thành với Báo cáo giám sát và cho rằng, Báo cáo này đã phản ánh khá đầy đủ, khách quan, đúng thực trạng về công tác PCCC; phân tích làm rõ nguyên nhân của những hạn chế, bất cập và đề ra các giải pháp, kiến nghị; ghi nhận, đánh giá cao công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương về công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ trong thời gian qua.

Trong quá trình thảo luận, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà; Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.

Phát biểu kết thúc phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho biết, nhìn chung, các ý kiến phát biểu sôi nổi, sâu sắc và mang tính xây dựng; về cơ bản, các ý kiến đại biểu thống nhất với Dự thảo Báo cáo giám sát, cho rằng việc lựa chọn nội dung giám sát là cần thiết, góp phần nâng cao hiệu quả công tác PCCC trong thời gian tới.

Đồng thời, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, tại phiên thảo luận, các ý kiến đại biểu cho rằng, Dự thảo Báo cáo đã thể hiện tương đối toàn diện, đưa ra nhận định, đánh giá thuyết phục, có số liệu minh họa rõ ràng, đề xuất các giải pháp, kiến nghị cụ thể. Theo đó, hệ thống chính sách, pháp luật về PCCC đã được ban hành cơ bản đầy đủ, thể chế hóa chỉ đạo của Đảng, tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho công tác PCCC; việc triển khai chính sách, pháp luật về PCCC được Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương quan tâm, đầu tư; hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về PCCC từng bước được nâng lên.

Mặt khác, một số  ý kiến đại biểu nêu rõ những tồn tại, hạn chế trong công tác PCCC, như: quy định pháp luật về PCCC còn chồng chéo, chậm sửa đổi, bổ sung; một số người đứng đầu cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, hộ gia đình còn nhận thức chưa đầy đủ về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác PCCC; Công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật về phòng, chống cháy, nổ chưa được quan tâm đúng mức, còn hình thức, chưa tạo được ý thức thường trực về phòng ngừa cháy, nổ trong các tầng lớp nhân dân; Công tác quản lý nhà nước về PCCC có lúc, có nơi còn buông lỏng; các lực lượng PCCC nhất là lực lượng dân phòng, đội PCCC cơ sở còn thiếu về số lượng, yếu về nghiệp vụ; Phương tiện PCCC, cứu nạn, cứu hộ, kinh phí, các điều kiện hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác PCCC; Công tác xã hội hóa, nghiên cứu, ứng dụng KHCN trong PCCC chưa được quan tâm đúng mức.

Vì vậy, các đại biểu đề nghị cần phân tích, làm rõ thêm các nguyên nhân chủ quan, khách quan trong việc quản lý điều hành, tổ chức triển khai, xử lý các sai phạm trong công tác PCCC; sớm rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật về PCCC; cần đánh giá kỹ thêm về phương châm “4 tại chỗ”;  xây dựng, bố trí và phối hợp lực lượng trong PCCC, nhất là lực lượng ở cơ sở; tính đồng bộ trong công tác quy hoạch KT-XH,  hạ tầng gắn với PCCC; việc xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn liên quan đến PCCC; đầu tư, sản xuất, trang bị cho công tác PCCC; ứng dụng khoa học, kỹ thuật trong công tác PCCC; vấn đề bảo hiểm PCCC; ưu tiên bố trí ngân sách, huy động nguồn lực, chế độ chính sách cho PCCC. Đặc biệt, tại phiên thảo luận, một số ý kiến đề nghị cần đánh giá kỹ hơn về những nội dung đặc thù, như: phòng, chống cháy rừng;  PCCC tại các nhà chung cư; có phương án xử lý dứt điểm đối với các công trình đưa vào sử dụng nhưng chưa được thẩm duyệt về PCCC (bao gồm trung tâm thương mại, cơ sở kinh doanh các dịch vụ vui chơi, giải trí, các chợ, hệ thống trường học, cơ sở y tế, khu đô thị, khu công nghiệp, nhà máy, cơ sở sản xuất, nhất là các cơ sở sản xuất nằm trong khu dân cư, các công trình văn hóa, khu di tích).

Về nội dung của dự thảo Nghị quyết, Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, nội dung Dự thảo Nghị quyết tương đối đầy đủ. Tuy nhiên, cần rà soát kỹ các kiến nghị, các chỉ tiêu giao Chính phủ, bộ ngành và các địa phương; tăng cường tính chủ động trong công tác PCCC gắn với trách nhiệm và đặt ra yêu cầu cụ thể đối với từng đối tượng để bảo đảm tính khả thi và thuận tiện cho công tác giám sát.

Trong bối cảnh tốc độ đô thị hóa nhanh, biến đổi khí hậu, hạn hán, hanh khô có nhiều diễn biến phức tạp, tác động lớn đến tình hình cháy, nổ nên đặt ra nhiệm vụ rất nặng nề đối với công tác PCCC. Do đó, Chuyên đề giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2014-2018” sẽ là cơ hội để chúng ta đưa ra các giải pháp phù hợp nhằm nêu cao tinh thần, ý thức, trách nhiệm của tất cả các đối tượng, lực lượng trong công tác PCCC; từ đó, hạn chế, loại trừ các nguyên nhân gây cháy, nổ, giảm thiệt hại về người và tài sản, góp phần bảo đảm sự bình an của người dân, bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.

Trong thời gian tới, công tác PCCC tiếp tục phải lấy phòng ngừa là chính; huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân vào việc thực hiện nhiệm vụ PCCC mà nòng cốt là lực lượng PCCC của công an, quân đội.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo Đoàn giám sát, Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội và các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu, hoàn chỉnh Dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội thông qua.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quốc hội thảo luận về thí điểm không tổ chức HĐND tại phường, thị xã của Hà Nội