Quốc hội thảo luận về dự án Luật Phá sản (sửa đổi): Phân định thẩm quyền giải quyết của TAND

Mai Thoa| 27/05/2014 21:55
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trong phiên thảo luận tại hội trường về dự án Luật Phá sản (sửa đổi) sáng 26/5, các ĐBQH đã tập trung vào một số vấn đề quan trọng liên quan đến các nội dung như: Thẩm quyền giải quyết các vụ việc phá sản của TAND;...

Các tiêu chí xác định doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản, mất khả năng thanh toán nợ, thủ tục phá sản…

Khắc phục những hạn chế hiện tại

Cơ quan chủ trì soạn thảo là TANDTC cho rằng, trong bối cảnh nền kinh tế hiện nay, việc triển khai xây dựng Luật Phá sản (sửa đổi) là cần thiết để khắc phục các quy định của Luật Phá sản chưa phù hợp, gây khó khăn cho việc áp dụng, nhất là đưa thủ tục tuyên bố phá sản về đúng “chiều”, cũng như giải quyết các vấn đề mới phát sinh vướng mắc trong thực tiễn giải quyết các yêu cầu tuyên bố phá sản DN, hợp tác xã; bảo đảm sự bình đẳng trong việc bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của DN, hợp tác xã, cá nhân, cơ quan, tổ chức; đảm bảo trình tự, thủ tục giải quyết yêu cầu mở thủ tục phá sản công khai, rõ ràng, dễ hiểu, dễ áp dụng và phù hợp quy định pháp luật…

Luật Phá sản hiện hành quy định thủ tục tuyên bố phá sản theo quy trình ngược, tức là xử lý tài sản trước khi Tòa án được quyền tuyên bố phá sản. Điều này khiến thực tế có nhiều DN đã thực hiện phá sản và muốn chấm dứt hoạt động theo thủ tục phá sản nhưng mất gần 10 năm vẫn lâm vào tình trạng “chết nhưng không chôn được”, khiến DN đã khó khăn càng khó khăn hơn. Chính vì vậy, việc Dự thảo lần này đã thay đổi quy định quy trình tuyên bố phá sản theo thứ tự là tuyên bố phá sản chấm dứt hợp đồng của DN, sau đó mới tiến hành thanh lý và chia tài sản, được đánh giá là một thay đổi rất quan trọng để giải quyết sự bất cập hiện nay.

Tuy nhiên, nhiều ĐB cho rằng, Dự thảo Luật phải làm rõ hơn nữa quy trình, thủ tục tuyên bố phá sản trước thủ tục thanh lý tài sản. Làm thế nào để thủ tục phá sản nhanh chóng, thuận tiện, bảo đảm được quyền lợi của chủ nợ và người lao động hơn, để những DN đã lâm vào tình trạng phá sản được giải quyết phá sản dễ dàng, nhưng đồng thời cũng phải có hàng rào để cho các DN chưa lâm vào tình trạng phá sản lại muốn phá sản thì không thể phá sản được.

Dẫn ra về tình trạng DN bỏ trốn, đặc biệt là các DN FDI, chỉ tính riêng trên địa bàn TP Hồ Chí Minh có tới 7 DN mà chủ DN bỏ trốn, nợ lương công nhân số tiền trên 7 tỷ đồng, tổng số người lao động bị ảnh hưởng là 1.172 người, chưa kể nợ bảo hiểm xã hội, nợ bảo hiểm y tế và các khoản nợ khác… một số ĐB đề nghị quy định thủ tục phá sản rút gọn đối với trường hợp này để bảo vệ quyền lợi cho người lao động.

Quốc hội thảo luận về dự án Luật Phá sản (sửa đổi): Phân định thẩm quyền giải quyết của TAND

Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Đinh Xuân Thảo phát biểu ý kiến (Ảnh: Lâm Khánh - TTXVN)

UBTVQH đề nghị, đối với trường hợp chủ DN bỏ trốn, không có người đại diện hợp pháp tham gia thủ tục phá sản thì quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản làm đại diện cho DN để thực hiện quyền, nghĩa vụ của DN trong giải quyết vụ việc phá sản. Trường hợp DN còn tài sản thì giải quyết theo thủ tục phá sản thông thường. Trường hợp DN mất khả năng thanh toán không còn tiền, tài sản để nộp tạm ứng chi phí phá sản thì áp dụng thủ tục rút gọn theo quy định tại Điều 39 của Dự thảo Luật.

Cụ thể hơn trong việc phân định thẩm quyền của TAND

Hiện nay, có tình trạng DN nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản tràn lan nhưng việc thụ lý đơn, trả lại đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khá tùy tiện do các quy định về việc nhận, xử lý, thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản chưa minh bạch, rõ ràng. Vì vậy, để hạn chế việc này và bảo đảm hơn nữa quyền yêu cầu mở thủ tục phá sản cho mọi chủ thể cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho DN, hợp tác xã có khoảng thời gian nhất định để thanh toán nợ, TANDTC đề xuất quy định: “Chủ nợ có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với DN, hợp tác xã khi DN, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán được khoản nợ đến hạn trong thời gian ba tháng, kể từ ngày chủ nợ có yêu cầu” nhằm bảo vệ tối đa cho các chủ nợ, bất cứ khoản nợ nào dù lớn hay nhỏ mà DN, hợp tác xã không có khả năng thanh toán thì đều thuộc đối tượng nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản.

Tuy nhiên, nếu quy định như vậy thì số lượng đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản sẽ là thách thức lớn cho đội ngũ Thẩm phán bởi hiện nay đang thiếu Thẩm phán. TANDTC cho rằng, có thể quy định: “Chủ nợ có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với DN, hợp tác xã khi những cơ quan này không thực hiện nghĩa vụ thanh toán được các khoản nợ đến hạn từ 200 triệu đồng trở lên trong thời gian ba tháng, kể từ ngày chủ nợ có yêu cầu” để giảm bớt yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với khoản nợ dưới 200 triệu đồng nhằm hạn chế nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản tràn lan. Mặt khác, quy định này tạo điều kiện thuận lợi cho Tòa án khi giải quyết đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản. Theo TANDTC, đối với khoản nợ dưới 200 triệu đồng sẽ giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự.

Nhiều ĐB đồng tình nhưng cho rằng, nên quy định thời gian dài hơn để đảm bảo quyền lợi cho cả đôi bên, vì vậy nên quy định là: “Chủ nợ có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với DN, hợp tác xã khi DN, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán được khoản nợ đến hạn trong thời gian 6 tháng, kể từ ngày chủ nợ có yêu cầu” thì phù hợp hơn.

Về thẩm quyền giải quyết vụ việc phá sản của TAND, UBTVQH cho rằng, nhiều ý kiến đề nghị giao TAND cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết phá sản đối với vụ việc phá sản phức tạp, có tài sản, người tham gia thủ tục phá sản ở nước ngoài, TAND cấp huyện có thẩm quyền giải quyết phá sản đối với các vụ việc còn lại. Có ý kiến đề nghị quy định TAND nơi DN, hợp tác xã có trụ sở đăng ký kinh doanh sẽ giải quyết vụ việc phá sản của DN, hợp tác xã. Dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý phù hợp tại Điều 8.

ĐB tỉnh Cao Bằng La Ngọc Thoáng cơ bản nhất trí với Dự thảo Luật Phá sản (sửa đổi) được trình ra Quốc hội tại kỳ họp này. Quy định về thẩm quyền giải quyết vụ việc phá sản của TAND tại Điều 8 đã trao cho cả TAND cấp tỉnh và cấp huyện thẩm quyền giải quyết các vụ việc phá sản, trong đó quy định có sự phân định khá cụ thể, rõ ràng.

Tuy nhiên, ĐB Thoáng đề nghị xem xét lại khoản 1 điểm đ Điều 8 liên quan đến việc Tòa án cấp tỉnh có thẩm quyền lấy các vụ việc thuộc thẩm quyền của TAND cấp huyện lên giải quyết. Vì đây chỉ là những trường hợp hãn hữu khi gặp những tình tiết mới phát sinh thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án cấp tỉnh hoặc trường hợp phức tạp mà các Tòa án cấp huyện không thể giải quyết được. Vì vậy, cần quy định rõ trường hợp nào thuộc thẩm quyền của Tòa án cấp tỉnh, trường hợp nào của Tòa án cấp huyện.

ĐB Đặng Công Lý (Bình Định) cũng nhất trí với việc phân định thẩm quyền TAND cấp tỉnh theo tiêu chí vụ việc phức tạp. Tuy nhiên, ông cho rằng, cần phải cụ thể hơn vì tính chất phức tạp thường xác định cảm tính. Chúng ta nên đưa tiêu chí định lượng về số nợ đến hạn phải trả nhưng DN mất khả năng thanh toán, chẳng hạn từ 20 tỷ đồng trở lên, có từ hai chi nhánh ở các tỉnh khác nhau, sẽ dễ dàng phân định thẩm quyền giải quyết cho Tòa án và có tính khả thi hơn. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quốc hội thảo luận về dự án Luật Phá sản (sửa đổi): Phân định thẩm quyền giải quyết của TAND