Quốc hội thảo luận công tác nhiệm kỳ của Chủ tịch nước, Chính phủ

Mai Thoa| 29/03/2021 11:51
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sáng nay 29/3, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, các đại biểu đã thảo luận ở hội trường về các Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Chủ tịch nước, Chính phủ.

luu-.jpg
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành phiên thảo luận sáng nay 29/3

Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận vào một số nội dung như: Đánh giá công tác tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; những thành tựu nổi bật; những ưu điểm, hạn chế, nguyên nhân, các bài học kinh nghiệm; những phương hướng trong thời gian tới…

Thành công trên nhiều phương diện

Phát biểu thảo luận, đại biểu Hoàng Văn Cường- Hà Nội đánh giá: Nhiệm kỳ vừa qua rất thành công trên các phương diện, quy mô nền kinh tế vươn lên đứng thứ 4 ASEAN, hệ số tín nhiệm quốc gia được giữ vững, giá trị thương hiệu quốc gia tăng mạnh, Việt Nam được đánh giá là điểm đến hấp dẫn, đời sống người dân không ngừng được cải thiện…

Tuy nhiên, theo đại biểu có 3 vấn đề rất đáng quan tâm, đó là nợ xấu, nợ công giảm mạnh; kết quả nhập siêu tích cực nhưng còn một số vấn đề cần lưu ý như nhập siêu với các nước trong khu vực và cuối cùng là Chính phủ đã quyết liệt cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, cắt giảm điều kiện kinh doanh, danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành…

Thành công này đặt ra thách thức lớn cho nhiệm kỳ mới vì không còn nhiều dư địa để cải cách, do đó, cần đột phá thể chế, chuyển đổi phương thức quản lý mạnh mẽ trên cơ sở chuyển đổi số. Lý giải vấn đề này, đại biểu cho biết, nếu chuyển đổi số thành công thì những kết quả cải cách thể chế sẽ giúp chúng ta biến những điều không thể thành có thể và là cơ sở để chuyển từ Chính phủ quản lý sang Chính phủ phục vụ, đại biểu nêu.

hoang-cuong.jpg
Đại biểu Hoàng Văn Cường-Hà Nội

Cùng đoàn Hà Nội, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai đề nghị Chính phủ quan tâm thêm một số nội dung:

Thứ nhất, thưc hiện chủ trương huy động nguồn lực ngoài ngân sách cho phát triển: Quốc hội, Chính phủ đã có ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật nhằm phát huy tối đa mọi nguồn lực, đặc biêt là các nguồn lực ngoài ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, theo đại biểu, việc huy động vốn thời gian qua chưa thực sự hiệu quả. Đơn cử, nhiều dự án thuộc cao tốc Bắc-Nam, tuyến đường ven biển, một số dự án BOT tại các địa phương… đã phải chuyển từ hình thức đối tác công-tư sang sử dụng 100% vốn Nhà nước.

Việc huy động nguồn lực ngoài ngân sách là không dễ dàng, nhưng Chính phủ kiến tạo là Chính phủ phải tạo được sức mạnh tổng hợp, huy động được mọi nguồn lực từ người dân cho phát triển, đại biểu nhấn mạnh.

Thứ hai là thực hiện phân cấp trong đầu tư công. Nhiệm kỳ qua, Chính phủ đã ban hành nhiều quy định nhằm phát huy tính tự chủ của địa phương. Tuy nhiên, thực tế, không ít địa phương đưa vào danh sách nhiều dự án chưa phù hợp trong khi nguồn lực có hạn, tạo gánh nặng lớn cho NSNN và ảnh hưởng đến những dự án trọng điểm khác. Do đó, cần phải chấp hành nghiêm Luật Đầu tư công, nếu cần thì Quốc hội nhiệm kỳ mới xem xét sửa đổi. Quốc hội chỉ phê chuẩn danh sách đầu tư công trung hạn và Chính phủ giao Bộ KH&ĐT phân bổ chi tiết, tránh tình trạng giàn trải, manh mún.

Thứ ba là hạch toán ngân sách theo kết quả đầu ra. Phải lấy kết quả cụ thể làm thước đo sử dụng ngân sách. Cùng với đó là làm rõ chi tiết số lượng dự án, số ngân sách được phân bổ, đã chi bao nhiêu, chi cho những dự án nào… Đây là nhiệm vụ mà nhiệm kỳ sau cần phải làm, đại biểu nhấn mạnh.

lau-mai.jpg
Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai phát biểu thảo luận

Tập trung cải cách tư pháp, cải cách hành chính

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng -Bến Tre cho rằng, nhiệm kỳ này Chủ tịch nước, Chính phủ có những thành công rất quan trọng. Đó là việc kêu gọi cả nước đoàn kết trước đại dịch COVID-19 thành công; khắc phục các khó khăn, tồn tại từ các nhiệm kỳ trước; ứng phó với các tình huống thiên tai, bất lợi; đặt nền móng tiếp theo cho nhiệm kỳ 2021-2026.

Tuy nhiên, tình trạng khiếu nại tố cáo còn nhiều; việc giải quyết kiến nghị của cử tri còn hạn chế… Nên nhiệm kỳ tới cần duy trì mạnh mẽ kỷ cương việc xây dựng pháp luật; tiếp tục đẩy mạnh cải cách tư pháp, cải cách hành chính, cắt giảm các thủ tục phiền hà cho người dân và doanh nghiệp; dành sự quan tâm hơn nữa cho công tác tiếp dân, xử lý đơn thư khiếu nại tố cáo; quan tâm xử lý dứt điểm các dự án thua lỗ; có cơ chế thu hút, "quần tụ nhân tài"; xây dựng cơ chế ứng phó với các tình huống bất ngờ..., đại biểu Nhưỡng đề nghị.

nhuong.jpg
Đai biểu Lưu Bình Nhưỡng phát biểu tại Hội trường

Đại biểu Phạm Thi Minh Hiền - Phú Yên đề nghị Chính phủ nhiệm kỳ tới dành thời gian rà soát chính sách sử dụng nhân tài bởi vấn đề con người có ý nghĩa quyết định đến năng lực của bộ máy. Theo đại biểu Hiền, bộ máy của chúng ta có hai nhóm chuyên gia: nhóm chuyên gia thông thái và nhóm chuyên gia thông minh. Trong đó, nhóm chuyên gia thông minh nắm bắt tốt lĩnh vực của mình nhưng khi có trở ngại hoặc vướng mắc, họ chỉ muốn giữ “an toàn” trong lĩnh vực quen thuộc của mình. Do đó, khi tư duy hoạt động bị thu hẹp theo lối mòn thì khả năng sáng tạo sẽ không còn.

Vấn đề thứ hai đại biểu Hiền đề cập đến là công tác giáo dục. Theo đại biểu, sự cố xã hội hóa sách giáo khoa thời gian vừa qua “là bài học cay đắng, bài học xương máu cho các nhà quản lý giáo dục”. Điều đáng nói là khi xã hội đã thấy rõ những hậu quả mà nhiều học sinh và gia đình đang phải đối mặt thì vấn đề cá nhân, tổ chức nào phải chịu trách nhiệm cho những sai lầm này lại chưa rõ ràng. Do đó, đại biểu đề nghị “đừng xem trách nhiệm là trái bóng” và Quốc hội, Chính phủ cần có những cơ chế tăng thêm kỷ cương quốc gia.

Trước đó, tại Phiên khai mạc kỳ họp, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã trình bày Báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Chủ tịch nước. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày Báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ 2016 - 2021 của Chính phủ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quốc hội thảo luận công tác nhiệm kỳ của Chủ tịch nước, Chính phủ