Quốc hội thảo luận chủ trương đầu tư Dự án xây dựng cao tốc Bắc-Nam phía Đông

Ngọc Mai| 09/06/2020 07:48
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Hôm nay (9/6), Quốc hội thảo luận ở tổ một số nội dung quan trọng, trong đó có việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020.

Buổi sáng, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường nghe: Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020; 

Tờ trình của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội về dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội.

Sau đó, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội; việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020.

Chiều cùng ngày, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2021;

Tiếp tục thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội. Từ 16 giờ 00, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Cư trú (sửa đổi).

Quốc hội thảo luận chủ trương đầu tư Dự án xây dựng cao tốc Bắc-Nam phía Đông

Phiên họp Quốc hội ngày 8/6

Trước đó, sáng ngày 8/6, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường Diên Hồng. Phiên họp có sự tham dự của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng; Đại sứ EU và các đại diện của Đại sứ quán các nước Liên minh Châu Âu tại Hà Nội,  gồm 18 nước: Pháp, Đức, Italy, Bỉ, Hà Lan, Bungary, Rumani, Ailen, Đan Mạch, Hy Lạp, Tây Ban Nha, Áo, Thụy Điển, Phần Lan, Séc, Hungary, Ba Lan, Slovakia tại Việt Nam.

Tại phiên họp, Quốc hội đã nghe Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu một số vấn đề về kết quả Quốc hội họp trực tuyến Đợt 1 từ ngày 20/5-28/5/2020, trong đó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ, mặc dù đại dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn đến mọi mặt của đời sống chính trị, kinh tế - xã hội nước ta, trong đó có hoạt động của Quốc hội, nhưng với quyết tâm, trách nhiệm cao trước đồng bào, cử tri cả nước, Quốc hội đã chủ động, kịp thời đổi mới, linh hoạt, ứng dụng khoa học công nghệ để thích ứng điều kiện hoàn cảnh thực tế, bảo đảm tiến hành kỳ họp thứ 9 theo đúng quy định. Lần đầu tiên Quốc hội Việt Nam họp trực tuyến liên tục nhiều ngày, các nội dung đã diễn ra thông suốt, bảo đảm tiến độ, chất lượng và đạt hiệu quả cao; số lượng đại biểu đăng ký phát biểu tăng lên đáng kể; không khí thảo luận, tranh luận tại nghị trường rất sôi nổi, công khai, dân chủ, được dư luận và cử tri đánh giá cao. Đây là kết quả bước đầu rất đáng trân trọng, tạo tiền đề để tiếp tục nghiên cứu, phát huy, hoàn thiện phương thức họp Quốc hội trong thời gian tới.

Tiếp đó, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Quốc hội biểu quyết, thông qua 03 Nghị quyết:

Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Thương mại Tự do giữa CHXHCN Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA) với kết quả: có 457 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 94,62%); trong đó, có 457 đại biểu tán thành (bằng 100% đại biểu có mặt biểu quyết).

Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa một bên là CHXHCN Việt Nam và một bên là Liên minh Châu Âu và các nước thành viên Liên minh Châu Âu (EVIPA) với kết quả: có 462 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 95,65%); trong đó, có 461 đại biểu tán thành (bằng 95,45%), có 01 đại biểu không biểu quyết (bằng 0,21%).

Nghị quyết phê chuẩn gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động Quốc tế về xóa bỏ lao động cưỡng bức với kết quả: có 460 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 95,24%); trong đó, có 458 đại biểu tán thành (bằng 94,82%), có 01 đại biểu không tán thành (bằng 0,21%).

Ngay sau khi thông qua 3 Nghị quyết, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội đã biểu quyết thông qua bổ sung vào chương trình kỳ họp thứ 9 việc xem xét, thông qua dự thảo Nghị quyết giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác (theo quy trình tại một kỳ họp); kết quả như sau: có 451 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 93,37%); trong đó, có 449 đại biểu tán thành (bằng 92,96%), 01 đại biểu không tán thành (bằng 0,21%).

Quốc hội cũng đã nghe: Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình và Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra về việc bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam;

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình và Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết về công nhận và cho thi hành phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp theo quy định của Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU. Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về dự thảo Nghị quyết này với 04 đại biểu phát biểu và 02 đại biểu tiến hành tranh luận. Các ý kiến đại biểu đều cơ bản nhất trí với nhiều nội dung trong dự thảo Nghị quyết của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng có ý kiến thêm về: Tính hợp hiến, tính thống nhất của dự thảo Nghị quyết với hệ thống pháp luật; Về việc áp dụng pháp luật để công nhận và cho thi hành phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp theo EVIPA; Trách nhiệm của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các cơ quan có liên quan; Về hiệu lực thi hành của Nghị quyết.

Sau thảo luận, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã phát biểu, giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội.

Phát biểu kết thúc phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu rõ: Đa số các ý kiến phát biểu và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đều nhất trí với sự cần thiết ban hành Nghị quyết riêng về công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp đầu tư theo Hiệp định EVIPA; đồng thời, khẳng định quyết tâm chính trị của Nhà nước ta trong việc sớm triển khai các cam kết trong EVIPA, đánh dấu bước phát triển quan trọng trong quan hệ giữa Việt Nam với Liên minh châu Âu và các nước thành viên Liên minh châu Âu.

Về việc công nhận và cho thi hành phán quyết, các đại biểu cơ bản nhất trí với nội dung Điều 2 và cho rằng, dự thảo Nghị quyết cần xác định rõ nguyên tắc thẩm quyền của tòa án Việt Nam trong việc áp dụng pháp luật để công nhận và cho thi hành phán quyết chung thẩm của cơ quan giải quyết tranh chấp đầu tư theo Hiệp định EVIPA tại Việt Nam; không nên quy định thêm một cơ chế mới về trình tự, thủ tục của việc công nhận và cho thi hành các phán quyết này. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, cần quy định cụ thể hơn về thủ tục công nhận và cho thi hành phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp đầu tư theo EVIPA; hoặc có thể giao trách nhiệm cho Tòa án Nhân dân tối cao hướng dẫn cụ thể hơn về thủ tục này. Cũng có ý kiến đề nghị giao Tòa án Nhân dân tối cao phối hợp với các cơ quan hữu quan tổng kết việc thi hành Công ước New York năm 1958 về công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài; đề xuất nên thành lập tổ công tác để nghiên cứu kỹ hơn về vấn đề này…

Đối với hiệu lực thi hành của Nghị quyết, đa số ý kiến của đại biểu và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đều nhất trí Nghị quyết sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày Hiệp định EVIPA có hiệu lực.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị cơ quan trình dự thảo Nghị quyết, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao và các cơ quan hữu quan tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu, báo cáo Quốc hội trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua.

Buổi chiều cùng ngày, Quốc hội thảo luận ở Tổ về những nội dung:

Báo cáo về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước: Các đại biểu cơ bản nhất trí với Báo cáo của Chính phủ và cho rằng, mặc dù còn nhiều khó khăn, song năm 2019 KT-XH nước ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, tương đối đồng bộ tất cả các mục tiêu đã được Quốc hội đề ra. Các đại biểu cũng tập trung đánh giá tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển KT-XH và NSNN năm 2020, trong đó có phân tích rõ về tình hình quốc tế, tác động của đại dịch Covid-19 đối với kinh tế, xã hội; Về những vấn đề nổi lên của tình hình KTXH và NSNN 4 tháng đầu năm; Về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu những tháng cuối năm 2020, đồng thời các đại biểu cũng tập trung thảo luận về các giải pháp nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, tái cơ cấu kinh tế ở từng khu vực, bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, tăng cường giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm chống thất thoát trong đầu tư công… trong bối cảnh tác động của dịch Covid-19 đối với việc sản xuất kinh doanh.

Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018: Thảo luận tại Tổ, các đại biểu tập trung cho ý kiến về các nội dung như: Việc thực hiện chính sách tài khóa năm 2018; công tác quản lý thu, xử lý nợ đọng thuế, chấp hành nghĩa vụ thu nộp NSNN của người nộp thuế; kết quả thực hiện chi NSNN năm 2018, tập trung vào một số khoản chi như: chi đầu tư phát triển, chi cho một số lĩnh vực quan trọng (giáo dục và đào tạo, y tế, khoa học và công nghệ, sự nghiệp kinh tế, chi lương hưu và bảo đảm an sinh xã hội, chương trình mục tiêu quốc gia) và chi chuyển nguồn; việc kiểm soát bội chi, quản lý nợ công, các giải pháp để bảo đảm cân đối ngân sách; hiệu quả quản lý ngân sách; việc chấp hành các Nghị quyết của Quốc hội liên quan đến thực hiện dự toán NSNN năm 2018 và quyết toán NSNN năm 2017; việc phân bổ, điều chỉnh dự toán, quyết toán một số khoản chi đầu tư của các Chương trình mục tiêu nằm ngoài đối tượng, phạm vi của các Chương trình mục tiêu được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; việc thực hiện quyết toán theo các phụ lục đính kèm Báo cáo quyết toán NSNN năm 2018 của Chính phủ và một số vấn đề khác.

Về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030: Các đại biểu tập trung cho ý kiến về phạm vi, đối tượng, địa bàn của Chương trình mục tiêu quốc gia; về quan điểm, nguyên tắc, phân công nhiệm vụ, tổ chức thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia; về tổng mức đầu tư và cơ cấu các nguồn vốn, tính khả thi trong việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu của Chương trình mục tiêu quốc gia; về nội dung, giải pháp, đề xuất nguồn lực và sự phù hợp, tính khả thi các dự án, tiểu dự án cụ thể trong Chương trình mục tiêu quốc gia; vấn đề quản lý, hạn chế, chấm dứt tình trạng di cư tự phát; về phát triển làng nghề vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi; về xóa bỏ hôn nhân cận huyết thống và tảo hôn trong đồng bào dân tộc thiểu số miền núi…

Về việc bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank): Các đại biểu tập trung cho ý kiến về sự cần thiết tăng vốn điều lệ cho Agribank; về cơ sở pháp lý của việc tăng vốn điều lệ cho Agribank; về tác động của việc bổ sung vốn điều lệ cho Agribank từ ngân sách nhà nước; về hình thức văn bản…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quốc hội thảo luận chủ trương đầu tư Dự án xây dựng cao tốc Bắc-Nam phía Đông