Quốc hội tán thành điều chỉnh tuổi nghỉ hưu theo lộ trình; không tăng làm thêm giờ

Ngọc Mai| 20/11/2019 11:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sáng nay (20/11), với 435 đại biểu tán thành (tương đương 90,06% số phiếu), Quốc hội đã biểu quyết thông qua dự án Bộ Luật Lao động sửa đổi tại kỳ họp thứ 8.

Theo đó, Bộ Luật Lao động gồm 17 chương, 220 điều, quy định tiêu chuẩn lao động; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của người lao động, người sử dụng lao động, tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở, tổ chức đại diện người sử dụng lao động trong quan hệ lao động và các quan hệ khác liên quan trực tiếp đến quan hệ lao động; quản lý nhà nước về lao động.

Theo kết quả biểu quyết, có 453 đại biểu tham gia biểu quyết (chiếm 93,79%), trong đó 435 đại biểu tán thành (chiếm 90,06%), 9 đại biểu không tán thành (1,86%) và 9 đại biểu không biểu quyết (1,86%).

Quốc hội tán thành điều chỉnh tuổi nghỉ hưu theo lộ trình; không tăng làm thêm giờ

Kết quả biểu quyết của ĐBQH đối với Bộ Luật Lao động sửa đổi sáng ngày 20/11

Quốc hội cũng đã tiến hành biểu quyết riêng đối với 3 nội dung về thời gian làm thêm giờ, bổ sung thêm một ngày nghỉ lễ, tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.

Điều chỉnh tuổi nghỉ hưu theo lộ trình

Liên quan đến tuổi nghỉ hưu, Bộ luật quy định tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035.

Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam và 4 tháng đối với lao động nữ.

Người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 5 tuổi so với quy định, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao và một số trường hợp đặc biệt có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nhưng không quá 5 tuổi so với quy định tại khoản 2 Điều này tại thời điểm nghỉ hưu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Không tăng làm thêm giờ

Về vấn đề làm thêm giờ, theo Bộ luật, thời gian làm thêm giờ là khoảng thời gian làm việc ngoài thời giờ làm việc bình thường theo quy định của pháp luật, thỏa ước lao động tập thể hoặc nội quy lao động. Người sử dụng lao động được sử dụng người lao động làm thêm giờ khi đáp ứng đầy đủ các yêu cầu sau đây: 

Phải được sự đồng ý của người lao động; Bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 01 ngày;

Trường hợp áp dụng quy định thời giờ làm việc bình thường theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 01 ngày; không quá 40 giờ trong 01 tháng;

Bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 200 giờ trong 01 năm, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này.

Quốc hội tán thành điều chỉnh tuổi nghỉ hưu theo lộ trình; không tăng làm thêm giờ

ĐBQH nhấn nút thông qua Bộ luật

Người sử dụng lao động được sử dụng người lao động làm thêm không quá 300 giờ trong 01 năm trong một số ngành, nghề, công việc hoặc trường hợp sau đây:

Sản xuất, gia công xuất khẩu sản phẩm hàng dệt, may, da, giày, điện, điện tử, chế biến nông, lâm, diêm nghiệp, thủy sản;

Sản xuất, cung cấp điện, viễn thông, lọc dầu; cấp, thoát nước;

Trường hợp giải quyết công việc đòi hỏi lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao mà thị trường lao động không cung ứng đầy đủ, kịp thời; Trường hợp phải giải quyết công việc cấp bách, không thể trì hoãn, do tính chất thời vụ, thời điểm của nguyên liệu, sản phẩm hoặc để giải quyết công việc phát sinh do yếu tố khách quan không dự liệu trước do hậu quả thời tiết, thiên tai, địch họa, hỏa hoạn, thiếu điện, thiếu nguyên liệu, sự cố kỹ thuật của dây chuyền sản xuất;

Trường hợp khác do Chính phủ quy định. Khi tổ chức làm thêm giờ theo quy định tại khoản 3 Điều này, người sử dụng lao động phải thông báo bằng văn bản cho cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Đối với làm thêm giờ trong trường hợp đặc biệt, người sử dụng lao động có quyền yêu cầu người lao động làm thêm giờ vào bất kỳ ngày nào mà không bị giới hạn về số giờ làm thêm theo quy định tại Điều 107 của Bộ luật này và người lao động không được từ chối trong các trường hợp sau đây:

Thực hiện lệnh động viên, huy động bảo đảm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh theo quy định của pháp luật;

Thực hiện các công việc nhằm bảo vệ tính mạng con người, tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng ngừa, khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh và thảm họa, trừ trường hợp có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của người lao động theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động.

Thêm một ngày nghỉ lễ

Cũng theo Bộ luật Lao động sửa đổi, người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương trong những ngày lễ, Tết gồm: Tết Dương lịch 1 ngày (ngày 1 tháng 1 dương lịch);

Tết Âm lịch 5 ngày; Ngày Chiến thắng 1 ngày (ngày 30 tháng 4 dương lịch); Ngày Quốc tế lao động 1 ngày (ngày 1 tháng 5 dương lịch);

Quốc khánh 2 ngày (ngày 2 tháng 9 dương lịch và 1 ngày liền kề trước hoặc sau);

Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương 1 ngày (ngày 10 tháng 3 âm lịch).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quốc hội tán thành điều chỉnh tuổi nghỉ hưu theo lộ trình; không tăng làm thêm giờ