Quốc hội nghe báo cáo và thảo luận tại tổ 3 dự án Luật

Ngọc Mai| 29/10/2019 10:04
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Hôm nay (29/10), Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội; Nghị quyết về thí điểm không tổ chức HĐND tại các phường thuộc quận, thuộc HN và Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, buổi sáng 29/10, Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường, nghe Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc thay mặt cơ quan soạn thảo trình bày Tờ trình Dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội và Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội; 

Luật Tổ chức Quốc hội được ban hành năm 2014 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2016 đã tạo cơ sở pháp lý cho việc tổ chức và hoạt động của Quốc hội. Sau hơn ba năm thi hành, Luật đã đem lại những kết quả tích cực, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội trong lĩnh vực lập pháp, giám sát, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện Luật cũng đã phát sinh một số vướng mắc, bất cập cần sửa đổi, bổ sung kịp thời.

Phạm vi sửa đổi, bổ sung của dự thảo Luật tập trung vào 15/102 điều của Luật Tổ chức Quốc hội hiện hành. Nội dung cơ bản của dự thảo Luật gồm: Sửa đổi, bổ sung quy định về đại biểu Quốc hội, trong đó đáng chú ý là việc bổ sung quy định tiêu chuẩn về quốc tịch đối với đại biểu Quốc hội để bảo đảm chặt chẽ, phù hợp với thực tiễn. Theo đó, đại biểu Quốc hội có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam.

Dự thảo Luật cũng sửa đổi, bổ sung quy định về Đoàn đại biểu Quốc hội, trong đó có quy định về Trưởng đoàn, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội; Bộ máy giúp việc cho Đoàn đại biểu Quốc hội; Kinh phí bảo đảm cho hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội. Bên cạnh đó, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội.

Theo dự kiến, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội sẽ được Quốc hội xem xét, thông qua theo quy trình tại một kỳ họp và có hiệu lực từ ngày 01/6/2021 để bắt đầu triển khai thực hiện cho nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.

Tiếp theo, các đại biểu Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân trình bày Tờ trình và Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định trình bày Báo cáo thẩm tra về dự thảo Nghị quyết về thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân tại các phường thuộc quận, thị xã của thành phố Hà Nội.

Sau đó, Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội và Dự thảo Nghị quyết về thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân tại các phường thuộc quận, thị xã của thành phố Hà Nội.

Buổi chiều, Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường nghe Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày Tờ trình và Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt trình bày Báo cáo thẩm tra về dự án Luật sửa đổi, bổ sung Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. 

Tiếp đó, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày Tờ trình và Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt trình bày Báo cáo thẩm tra về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. 

Sau đó, Quốc hội thảo luận ở Tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ;  Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Quốc hội nghe báo cáo và thảo luận tại tổ 3 dự án Luật

Phiên họp ngày 28/11/2019 tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội Khoá XIV

Trước đó, ngày 28/10, Quốc hội bước sang ngày làm việc thứ 6, Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.

Buổi sáng, Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ.

Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi). Sau đó, Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật. Trong quá trình thảo luận đã có 15 đại biểu phát biểu. Đa số ý kiến đại biểu tán thành với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi) và Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cụ thể như sau: về tên gọi của Luật; vị trí, chức năng, nhiệm vụ của dân quân tự vệ; về độ tuổi, thời hạn thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ trong thời bình; đăng ký công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ, quản lý dân quân tự vệ; về tiêu chuẩn, tuyển chọn và thẩm quyền quyết định công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ; về tạm hoãn, miễn thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ trong thời bình; về thôi thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ trước thời hạn; đưa ra khỏi danh sách dân quân tự vệ; hoàn thành nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ; về tổ chức dân quân tự vệ; hệ thống chỉ huy dân quân tự vệ; Ban chỉ huy quân sự cấp xã, thôn đội trưởng; thẩm quyền thành lập, giải thể đơn vị dân quân tự vệ, Ban chỉ huy quân sự cấp xã, Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức; đào tạo chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã; về huấn luyện quân sự, giáo dục chính trị, pháp luật cho dân quân tự vệ; hoạt động phối hợp của dân quân tự vệ; thẩm quyền điều động dân quân tự vệ; chế độ phụ cấp, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với chức vụ chỉ huy dân quân tự vệ; chế độ chính sách đối với dân quân tự vệ bị ốm, bị tai nạn, bị chết, bị thương, hy sinh.

Tại phiên thảo luận, các đại biểu tập trung cho ý kiến về một số nội dung:

Về tên gọi của Luật, các ý kiến đại biểu đồng ý với tên gọi của Luật là “Luật Dân quân tự vệ”, cho rằng tên gọi này đã được sử dụng thống nhất trong các Nghị quyết của Đảng, Hiến pháp, các văn bản pháp luật có liên quan; đồng thời thể hiện sự thống nhất về cơ chế lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tổ chức, chỉ huy, vị trí, chức năng, nhiệm vụ của dân quân tự vệ.

Về Ban chỉ huy quân sự cấp xã, thôn đội trưởng, đa số ý kiến nhất trí phương án 1, quy định “Chỉ huy trưởng là Ủy viên UBND cấp xã, sĩ quan dự bị, trong tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, tình trạng chiến tranh được gọi vào phục vụ tại ngũ theo quy định của Luật Sĩ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam đảm nhiệm chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã”, bởi lẽ quy định này đã thể chế Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 22/9/2008 của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành khu vực phòng thủ vững chắc trong tình hình mới; thống nhất với Điều 16 Luật Quốc phòng; không làm tăng biên chế, phù hợp với tính chất của dân quân tự vệ là lực lượng vũ trang quần chúng, không thoát ly sản xuất, công tác và yêu cầu xây dựng nền quốc phòng toàn dân.

Về nâng độ tuổi và thực hiện thời hạn nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ trong thời bình cũng nhận được sự quan tâm, thảo luận sôi nổi của các đại biểu. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt, việc quy định độ tuổi tham gia dân quân tự vệ cơ bản kế thừa Luật dân quân tự vệ hiện hành, đã thực hiện ổn định và thực tế không phải tất cả công dân trong độ tuổi đều được tuyển chọn tham gia dân quân tự vệ. Ngoài ra, việc quy định kéo dài độ tuổi và thời hạn nhằm khắc phục một số nơi thiếu người để tổ chức đơn vị dân quân tự vệ và thu hút công dân có kinh nghiệm, khả năng vào phục vụ trong dân quân tự vệ. Hơn nữa, nhu cầu tuyển chọn công dân vào dân quân tự vệ không lớn; nếu tăng độ tuổi lên 5 năm và kéo dài thời hạn đến hết độ tuổi lao động sẽ không phù hợp với hoạt động quốc phòng, quân sự, phát sinh chi phí quản lý công dân trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ.

Về việc mở rộng diện đối tượng tạm hoãn, miễn thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ, đa số ý kiến phát biểu nhất trí với dự thảo Luật, cho rằng quy định như vậy là phù hợp, không ảnh hưởng đến việc tuyển chọn công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ (vì nhu cầu tổ chức dân quân tự vệ chỉ chiếm khoảng 3,5% so với tổng số công dân trong độ tuổi); đồng thời góp phần bảo đảm sự tương thích với một số đối tượng được tạm hoãn, miễn tại Luật Nghĩa vụ quân sự; cụ thể hóa chính sách ưu đãi đối với gia đình người có công với Cách mạng, người khuyết tật, người có hoàn cảnh khó khăn; tạo điều kiện cho công dân học tập, phát triển kinh tế gia đình, ổn định đời sống...

Sau thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan thẩm tra báo cáo, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm. Phát biểu kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho rằng, về cơ bản các nội dung của dự thảo Luật đã nghiêm túc tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện theo ý kiến các vị đại biểu Quốc hội; bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất và bám sát nguyên tắc xây dựng lực lượng dân quân tự vệ là lực lượng vũ trang quần chúng, không thoát ly sản xuất, vững mạnh, rộng khắp, tinh gọn trong tổ chức bộ máy. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiếp tục chỉ đạo cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan thẩm tra phối hợp các cơ quan hữu quan hoàn thiện dự thảo Luật trước khi trình Quốc hội thông qua.     

Tiếp đó, vào 10 giờ 15 phút cùng ngày, Quốc hội tiến hành họp riêng, nghe Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ báo cáo về công tác đối ngoại của Nhà nước năm 2019.

Buổi chiều, Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ. Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam. Sau đó, Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật. Trong quá trình thảo luận đã có 18 đại biểu phát biểu. Các ý kiến phát biểu nhất trí với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cụ thể: Về tính hợp hiến, tính thống nhất với hệ thống pháp luật, tính tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên; tính khả thi của các quy định trong dự thảo Luật; bố cục dự thảo Luật; phạm vi điều chỉnh, giải thích từ ngữ; về nguyên tắc xuất cảnh, nhập cảnh; các hành vi bị nghiêm cấm; quyền và nghĩa vụ của công dân; về giấy tờ, thời hạn của giấy tờ xuất cảnh, nhập cảnh; về đối tượng cấp hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ; thẩm quyền, trình tự, thủ tục cấp hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ; về cấp hộ chiếu phổ thông; cấp hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ, hộ chiếu phổ thông theo thủ tục rút gọn; cấp giấy phép thông hành về quy định chưa cấp giấy tờ xuất nhập cảnh; về hủy, thu hồi, khôi phục hộ chiếu; điều kiện xuất cảnh, nhập cảnh; kiểm soát xuất nhập cảnh; các trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh; thẩm quyền quyết định tạm hoãn xuất cảnh, gia hạn, hủy bỏ tạm hoãn xuất cảnh; thời hạn, trình tự, thủ tục thực hiện tạm hoãn xuất cảnh; trách nhiệm quản lý xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam.

Ngoài ra, để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật, tại phiên thảo luận, các đại biểu tập trung cho ý kiến về một số nội dung, như: trách nhiệm của Bộ Công an trong việc xây dựng, quản lý Trung tâm chứng thư số Quốc gia; trách nhiệm của Ban Cơ yếu Chính phủ trong việc cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số; thời hạn cấp, gia hạn hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ ở nước ngoài; các đối tượng được cấp hộ chiếu ngoại giao; việc rút ngắn thời hạn cấp hộ chiếu phổ thông ở trong nước; bổ sung hình thức “khai trực tuyến trên mạng hoặc trên mẫu tờ khai giấy” và hình thức nộp hồ sơ, nhận kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích đối với cấp hộ chiếu phổ thông; vấn đề cấp giấy tờ xuất nhập cảnh sai thẩm quyền, không đúng đối tượng; lợi dụng xuất nhập cảnh để lây lan dịch bệnh cho con người, cây trồng vật nuôi; không nên mở rộng diện đối tượng được cấp hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ so với quy định hiện hành; thu hẹp diện các đối tượng bị tạm hoãn xuất cảnh cho phù hợp thực tiễn; quy định chặt chẽ về các trường hợp bị tạm hoãn để tránh việc lạm dụng, lợi dụng làm ảnh hưởng đến quyền công dân; bổ sung tạm hoãn xuất cảnh đối với người bị thanh tra, kiểm tra, xác minh có đủ căn cứ để xác định người đó có vi phạm đặc biệt nghiêm trọng và xét thấy cần ngăn chặn việc người đó có thể bỏ trốn;…

Sau thảo luận, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan thẩm tra báo cáo, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm. Phát biểu kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan thẩm tra phối hợp các cơ quan hữu quan chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quốc hội nghe báo cáo và thảo luận tại tổ 3 dự án Luật