Có nên giảm số lượng Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh?

Ngọc Mai| 25/10/2019 14:39
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sáng nay (25/10), cho ý kiến vào dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương, đại biểu Quốc hội còn nhiều quan điểm khác nhau về số lượng Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh.

Theo báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày tại phiên họp cho biết, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành việc cụ thể hóa chủ trương của Trung ương trong việc giảm số lượng cấp phó của HĐND. Tuy nhiên, giảm như thế nào, giảm ở cấp nào, cơ quan nào thì ý kiến còn khác nhau.

Có nên giảm số lượng Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh?

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày báo cáo trước Quốc hội

Đối với HĐND cấp huyện thì đa số ý kiến thống nhất. Đối với HĐND cấp tỉnh thì đa số ý kiến đại biểu đề nghị giữ nguyên như Luật hiện hành (gồm 2 Phó Chủ tịch HĐND) hoặc đề nghị quy định số lượng cấp phó căn cứ vào phân loại đơn vị hành chính cấp tỉnh.

Đối với việc giảm số lượng Phó Trưởng ban chuyên trách của HĐND cấp tỉnh, nhiều ý kiến đồng ý với đề xuất của Chính phủ, nhưng cũng nhiều ý kiến đề nghị nên giữ nguyên như Luật hiện hành (gồm 2 Phó Trưởng ban) hoặc quy định mềm dẻo, linh hoạt hơn.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, về số lượng Phó Chủ tịch HĐND cấp huyện, đề nghị tiếp thu ý kiến của đa số đại biểu Quốc hội, giảm số lượng Phó Chủ tịch HĐND cấp huyện xuống còn 1 người.

Về số lượng Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh, dự thảo Luật dự kiến 2 phương án tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội.

Phương án 1: Giữ nguyên quy định HĐND cấp tỉnh có 2 Phó Chủ tịch HĐND hoạt động chuyên trách như tại Điều 18 và Điều 39 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương hiện hành.

Phương án 2: Quy định lãnh đạo HĐND cấp tỉnh có 2 đại biểu hoạt động chuyên trách, trường hợp Chủ tịch HĐND cấp tỉnh là đại biểu hoạt động chuyên trách thì bố trí 1 Phó Chủ tịch HĐND hoạt động chuyên trách; trường hợp Chủ tịch HĐND là đại biểu hoạt động kiêm nhiệm thì bố trí 2 Phó Chủ tịch HĐND hoạt động chuyên trách.

Về số lượng Phó trưởng Ban của HĐND cấp tỉnh, dự thảo Luật dự kiến 2 phương án tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội.

Theo đó, phương án 1: quy định Ban của HĐND cấp tỉnh có 2 đại biểu hoạt động chuyên trách, nếu Trưởng ban là đại biểu hoạt động chuyên trách thì bố trí 1 Phó Trưởng ban hoạt động chuyên trách; nếu Trưởng ban là đại biểu hoạt động kiêm nhiệm thì bố trí 2 Phó Trưởng ban hoạt động chuyên trách.

Phương án 2: quy định HĐND cấp tỉnh có không quá 2 Phó Trưởng ban, trong đó có 1 Phó Trưởng ban hoạt động chuyên trách.

Nên có 2 Phó Chủ tịch HĐND

Tán thành với việc quy định thường trực HĐND cấp tỉnh có 2 Phó Chủ tịch hoạt động chuyên trách như hiện hành, đại biểu Phạm Thị Thu Trang (Quảng Ngãi) nhận định khối lượng công việc của HĐND cấp tỉnh rất lớn, công việc phức tạp, do vậy càng phải bảo đảm cơ cấu của HĐND hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đối với địa phương.

Đại biểu Thu Trang nói thêm Chủ tịch HĐND thường hoạt động kiệm nhiệm, nhân sự luôn biến động, nếu căn cứ vào điều kiện Chủ tịch HĐND là đại biểu chuyên trách hay không chuyên trách để xác định số lượng Phó Chủ tịch HĐND thì tổ chức của thường trực HĐND không ổn định, sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của HĐND.

Theo đại biểu Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội), cấp tỉnh nên có 2 Phó Chủ tịch HĐND chuyên trách, không phụ thuộc Chủ tịch chuyên trách hay kiêm nhiệm, vì lý do định hướng của Đảng hiện nay trong việc bố trí nhân sự dự kiến Bí thư sẽ kiêm Chủ tịch Ủy ban Nhân dân hoặc HĐND, đa số Bí thư sẽ là Chủ tịch HĐND. Còn lại có những trường hợp khác chuyên trách là tình huống cán bộ thì không phổ biến, không kéo dài.

"Thực tế việc giám sát đòi hỏi chuyên môn cao, với hai vị trí Phó Chủ tịch này mới đủ chuyên môn sâu để thực hiện giám sát, khi đó mới có hiệu quả", đại biểu Hiểu nói.

Tuy nhiên, đại biểu cho biết ông có tư duy khác, trong 2 Phó Chủ tịch HĐND,  có thể bố trí một người làm Phó Đoàn đại biểu Quốc hội, như vậy sẽ tiết kiệm nhân sự.

"Quan trọng nhất là vị này có nhiều ý kiến, chất liệu, nguyện vọng nhân dân. Vị này có nhiều kiến thức, kinh nghiệm từ Quốc hội về tổ chức chỉ đạo, triển khai, cung cấp thông tin. Trong tương lai ba văn phòng sẽ sáp nhập nên đại biểu này là rất phù hợp, nên gọi là đại biểu chuyên trách dân cử," đại biểu Ngọ Duy Hiểu nêu.

Đại biểu cũng cho rằng có thể Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh quy mô lớn có đặc thù riêng. "Tôi từng là Phó đoàn, nếu tham gia với địa phương càng sâu, càng kỹ thì hoạt động càng hiệu quả, càng đóng góp được nhiều cho Quốc hội và nhân dân," đại biểu cho biết.

Về Phó Chủ tịch HĐND cấp huyện, đại biểu Ngọ Duy Hiểu cho rằng dứt khoát phải giảm một, chỉ còn một Phó. Phân tích Điều 25 dự luật là trưởng ban đại biểu HĐND có thể là chuyên trách, còn phó trưởng ban đương nhiên là chuyên trách sẽ dẫn đến có ban của HĐND cấp huyện có 2 chuyên trách, rất khó cho địa phương, đại biểu đề nghị sửa điều này là trưởng ban hoặc phó ban HĐND cấp huyện có một người chuyên trách.

Không nên cào bằng các tỉnh

Theo đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP Hồ Chí Minh), tinh gọn bộ máy, biên chế để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, việc này cả hệ thống chính trị đều phải làm, tuy nhiên, không có nghĩa là giảm cào bằng mà phải căn cứ nhiệm vụ từng cơ quan, nơi nào không tương ứng thì giảm hoặc tăng để phù hợp với nhiệm vụ mà cơ quan đó được giao. Để nâng cao năng lực cơ quan dân cử, để thực quyền, đủ lực thực hiện nhiệm vụ, cần xem lại các cấp cho hợp lý, có nơi cần giảm nhưng có nơi phải tăng.

Có nên giảm số lượng Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh?

Đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Quyết Tâm phát biểu ý kiến

Nhất trí với quy định về số lượng đại biểu HĐND như dự thảo Luật, đại biểu cho rằng phải tăng đại biểu chuyên trách để cơ quan dân cử hoạt động chuyên nghiệp, tiến tới tăng tính chuyên nghiệp trong hoạt động của cơ quan dân cử.

Đại biểu đề nghị tăng biên chế chuyên trách HĐND cấp tỉnh, thường trực các ban HĐND phải đủ lực hoạt động nên phải tính toán số lượng cấp phó phù hợp.

Chủ tịch HĐND tỉnh có thể chuyên trách hoặc không tùy thuộc tình hình cụ thể, nhưng phải có 2 Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh.

"Nếu Quốc hội thấy khó quá về biên chế thì cũng không nên cào bằng các tỉnh. Những thành phố lớn, tỉnh có đông dân số thì số lượng đại biểu HĐND đông, luật cần có độ mở nhất định và không nên cào bằng," đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm đề xuất.

Bà cũng đề nghị không quy định cào bằng số lượng phó trưởng ban HĐND cấp tỉnh. Ví dụ được đại biểu này đưa ra là ở thành phố Hồ Chí Minh có 2 Phó trưởng ban chuyên trách là cần thiết, nếu giảm đi sẽ ảnh hưởng đến hiệu lực hoạt động của các ban chuyên trách, hoạt động thẩm tra, giám sát.

Bên cạnh đó, Luật lần này nên có quy định về thẩm quyền tổ chức giải trình của các ban HĐND cấp tỉnh. Các ban có thẩm quyền lớn, phụ trách nhiều nội dung, những vấn đề phát sinh tại địa phương không nhất thiết phải là thường trực HĐND đứng ra giải trình mà các ban giải quyết. Thực tế tại thành phố Hồ Chí Minh, việc giao cho ban tổ chức giải trình cho thấy tính kịp thời cao, giải quyết được vấn đề cụ thể.

Cho rằng tổ chức bộ máy là một yếu tố quan trọng để bảo đảm nâng cao hiệu lực hoạt động giám sát, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm đề nghị nghiên cứu sửa Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, đảm bảo hiệu lực, thực quyền của HĐND.

Cần phân cấp mạnh cho địa phương

Đại biểu Bùi Sỹ Lợi – Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, không phải vì Nghị quyết 18 về sắp xếp bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu quả mà phải giảm 1 biên chế của đại biểu HDNĐ cấp tỉnh, huyện.

Vấn đề quan trọng là năng lực của cán bộ giữ vị trí có đáp ứng được yêu cầu để thực hiện nhiệm vụ hay không. Hoạt động của HĐND cấp tỉnh, huyện là theo quy định của pháp luật, vấn đề quan trọng để nhà nước phát triển, tồn tại thì phải có cơ quan lập pháp, hành pháp và cơ quan giám sát.

“Trong quá trình thực thi chính sách mà không có người kiểm tra, giám sát xem các cấp có làm đúng hay không thì tại sao phải bỏ cơ quan giám sát đi? Vấn đề quan trọng là phải phân cấp cho các địa phương. Khi đã được phân cấp thì bộ máy đồng bộ cả về chính quyền, tức là HĐND giám sát UBND để làm sao việc phục vụ của chính quyền được tốt hơn. Nếu 600 huyện đều giảm 1 ông thì giải quyết vấn đề gì? Tỉnh giảm bớt 1 người thì giải quyết vấn đề gì, trong khi chúng ta đang rất cần cơ chế kiểm tra, giám sát và kiểm soát lẫn nhau về quyền lực”, đại biểu Bùi Sỹ Lợi nói.

Nhấn mạnh việc không vì việc tinh giản biên chế mà phải giảm 1 Phó Chủ tịch HĐND huyện, tỉnh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội cho rằng, nên đánh giá lại hiện trạng của bộ máy tổ chức hiện nay có cần thiết phải giảm vị trí này hay không. Hay do chưa sắp xếp cán bộ đúng với năng lực trình độ chuyên môn, nên họ chưa làm tốt chức năng, nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, đánh giá và kiểm soát cơ quan quyền lực?

Trung ương cần phân cấp mạnh cho địa phương, cấp tỉnh phân cấp cho cấp huyện, cấp huyện phân cấp cho xã. Chức năng của cơ quan nào thì cơ quan đó thực hiện, không nên ôm đồm, rồi phải giảm bớt biên chế ở địa phương.

Cũng theo đại biểu Bùi Sỹ Lợi, không phải cái gì giảm cũng tốt mà cần thiết phải giảm những người không đáp ứng yêu cầu và vị trí công tác đó không cần thiết. Còn những người hoàn toàn cần thiết cho nhiệm vụ, chức năng là cơ quan giám sát ở địa phương thì phải để tồn tại.

Liên quan vấn đề này, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (đoàn Quảng Bình) cũng cho biết, vấn đề ông quan tâm nhất là làm thế nào để phân cấp được quản lý Nhà nước cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã. Nếu làm được vấn đề phân cấp thì tạo điều kiện chủ động của các đơn vị, đồng thời giảm bớt phiền hà cho các cơ quan ở các Bộ.

Ông cho rằng, việc giữ nguyên 2 Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh và cấp huyện là hoàn toàn hợp lý. Bởi thực tế giữ nguyên số lượng cán bộ này có vai trò quan trọng, tạo thêm cơ hội, điều kiện, giúp cho HĐND cấp tỉnh, cấp huyện phát huy vai trò, trách nhiệm của mình trong việc thực hiện giám sát.

“Trước kia có thường trực HĐND cấp tỉnh, cấp huyện nhưng hiện nay không mà chỉ có 2 Phó Chủ tịch. Biên chế trước và sau không có gì thay đổi, nên để biên chế giữ như hiện nay và có thêm 2 Phó ban của HĐND chuyên trách của cấp tỉnh hoặc cấp huyện”, đại biểu Phương nói.

“Tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế cán bộ, công chức, viên chức là cần thiết, nhưng giảm thường trực HĐND làm cho bộ máy, chức năng của cơ quan này yếu đi chứ không phải tăng lên”, đại biểu Phương nhận định.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Có nên giảm số lượng Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh?