Quốc hội Khóa XIII là nền tảng tạo sự tin tưởng của nhân dân đối với Quốc hội

Vũ Quang| 29/03/2016 11:23
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Kỳ họp thứ 11 QH khóa XIII là kỳ họp cuối cùng đã nhận được nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội bày tỏ và khẳng định nhiều thành tựu, dấu ấn đặc biệt của Quốc hội mà nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII đạt được.

Đồng thời, ý kiến của đại biểu Quốc hội cũng mong muốn Quốc hội khóa XIV sẽ tiếp thu, cải tiến nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động để Quốc hội thực sự vì nhân dân.   

Còn nhiều trăn trở

Trăn trở trước nỗi lo của dân, của cử tri, nhiều đại biểu phát biểu, bày tỏ chính kiến mạnh mẽ của mình và đề nghị Quốc hội tiếp thu, tiếp tục đổi mới để đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, nhất là những phản ứng kiên quyết trong bảo vệ chủ quyền Tổ quốc.   

Thái độ, hành động, lời nói trước vấn đề Biển Đông là

Đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định Nguyễn Anh Sơn phát biểu ý kiến

Nêu các “khoản nợ” của Quốc hội khóa XIII với cử tri, nhân dân, đại biểu Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) đưa quan điểm: Đó là thái độ, lời nói và hành động của Quốc hội trước vấn đề bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) cùng chung nỗi trăn trở: “Cử tri cho rằng chúng ta chưa có những phản ứng đúng với tình hình Biển Đông. Do vậy, tôi đề nghị Quốc hội khóa XIV lưu ý vấn đề này”.   

Nhiều đại biểu khác lại bày tỏ băn khoăn trước hiệu quả, hiệu lực của hoạt động Kiểm toán Nhà nước cũng như những thực tế đặt ra trong việc nâng cao chất lượng hoạt động của của loại hình công cụ đặc biệt này của Quốc hội. Phân tích nhân lực Kiểm toán Nhà nước, đại biểu Nguyễn Văn Tiên (Tiền Giang) băn khoăn, mỗi năm chỉ thấy kiểm toán Nhà nước kiểm toán được 40-50% báo cáo giám sát. “Bao vấn đề ngổn ngang như vậy mà đầu việc kiểm toán Nhà nước đảm đương trong 1 năm quá ít” – đại biểu Nguyễn Văn Tiên nói. Theo đại biểu, nhân lực kiểm toán Nhà nước hiện quá mỏng đã ảnh hưởng tới chất lượng kiểm toán, vì vậy đại biểu Tiên đề nghị vấn đề này cần xem xét và điều chỉnh ngay mới có thể đảm bảo kiểm toán 100% ngân sách.    

Đề cập vấn đề nợ công, đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) dự báo, trước những con số đầu tư công đang “phình” ra, nợ công đang tiến sát ngưỡng trần Quốc hội cho phép thì bóng dáng của Kiểm toán Nhà nước chưa được “đậm. Đặt vấn đề tỷ lệ thu hồi sau kiểm toán chỉ chiếm khoảng 65%, phần còn lại được xử lý như thế nào, đại biểu Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) đề nghị cần có cơ chế rõ ràng, quy trách nhiệm việc theo dõi thực thi kết luận kiểm toán đến cùng, tránh tình trạng hình thức. Đại biểu cũng đề nghị cần tập trung đào tạo bộ máy, đổi mới nội dung, công tác kiểm toán; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao đạo đức kiểm toán để rút ngắn thời gian kiểm toán.

Bên cạnh đó nhiều đại biểu cũng bày tỏ sự trăn trở về những “món nợ” lớn của Quốc hội nhiệm kỳ 2011-2016 đối với cử tri cả nước như: Giải quyết bức xúc của cử tri; hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng; đồng thời mong muốn những vấn đề này sẽ được xem xét, nghiên cứu, giải quyết thấu đáo trong nhiệm kỳ tới.

Thành tựu là nền tảng sự tin tưởng của nhân dân đối với Quốc hội         

Mặc dù còn tồn tại hạn chế và không ít trăn trở về “món nợ” đối với cử tri, tuy nhiên tại phiên họp cũng như bên lề kỳ họp, các đại biểu đều nhận định Quốc hội khóa XIII đã làm được nhiều việc lớn. Đó là đã thông qua Hiến pháp năm 2013; thông qua hàng trăm dự án Luật, Nghị quyết; quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, đặc biệt là công tác giám sát, thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu, phê chuẩn. Thực sự đây là những đột phá thành công, để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng nhân dân và cũng chính là nền tảng cho sự tin tưởng của nhân dân đối với Quốc hội.   

Quốc hội Khóa XIII là nền tảng tạo sự tin tưởng của nhân dân đối với Quốc hội

Đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Minh phát biểu ý kiến      

Đại biểu Nguyễn Văn Minh (Thành phố Hồ Chí Minh) khẳng định: Quốc hội khóa XIII đã đạt được những thành tựu nhất định, đặc biệt đã thông qua Hiến pháp năm 2013 và nhiều dự án Luật quan trọng khác. Các hoạt động của Quốc hội đã phát huy được vai trò người đại biểu Nhân dân trong các nội dung giám sát, đặc biệt trong tình hình kinh tế xã hội trong 5 năm qua gặp rất nhiều khó khăn. Những Nghị quyết, chủ trương của Quốc hội và Chính phủ đã thực hiện, góp phần ổn định cuộc sống của nhân dân. Vị thế của nước ta trong 5 năm qua được giữ vững; chính trị ổn định, quan hệ ngoại giao được mở rộng... Điều đó đã tạo sự tin tưởng trong nhân dân đối với Quốc hội. 

Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Văn Minh cũng thẳng thắn: “Nhiệm kỳ tới cần thay đổi cách làm luật, theo đó các bộ ngành có thể thông tin, cung cấp tư liệu để thành lập một bộ phận riêng để biên soạn các Luật. Bên cạnh việc ghi nhận ý kiến của các đại biểu, Quốc hội cần mở rộng thêm thông tin từ người dân, nhà khoa học tham gia vào quá trình thông qua Luật, góp phần điều chỉnh Luật phù hợp với thực tế cuộc sống...”.         

Thể hiện sự đồng tình cao với báo cáo đánh giá nhiệm kỳ khóa XIII của Quốc hội, đại biểu Trương Minh Hoàng (Cà Mau) nêu rõ: Nhiệm kỳ qua, Quốc hội khóa XIII đã đạt được nhiều kết quả ấn tượng trên tất cả các lĩnh vực lập pháp, xây dựng pháp luật; giám sát tối cao; quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Những kết quả cụ thể đó được thể hiện qua những dấu mốc nổi trội. Đây là nhiệm kỳ thông qua được Hiến pháp năm 2013 và nhiều dự án Luật cụ thể hóa Hiến pháp. Quốc hội thực hiện việc đốc thúc, đưa ra các giải pháp để giảm thiểu tối đa việc lùi và điều chỉnh việc thông qua các dự án Luật.  

Thể hiện sự quan tâm đối với công tác giám sát tối cao của Quốc hội, đại biểu Trương Minh Hoàng cho rằng công tác này đã có tác động hết sức tích cực đặc biệt là việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu, phê chuẩn giúp các đại biểu làm tròn trọng trách được giao; giám sát giảm án oan sai; kịp thời điều chỉnh những công việc quan trọng tại các địa phương, bộ ngành.      

Đại biểu Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) đề cập về tình hình kinh tế nước ta tăng trưởng chưa bền vững - các giải pháp đưa ra căn bản nhưng cần có các giải pháp thực sự hiệu lực trong phát triển kinh tế. Đại biểu kiến nghị Quốc hội nhiệm kỳ mới cần tập trung vào hai vấn đề lớn: tiếp tục phát triển kinh tế xã hội; tăng cường bảo vệ an ninh quốc phòng, chủ quyền biển đảo thiêng liêng.

Thể hiện sự trăn trở những điều chưa làm được, hoặc làm hết sức mình nhưng kết quả chưa thực sự đạt được như mong muốn, các đại biểu kỳ vọng và gửi gắm các đại biểu Quốc hội khóa tới tiếp tục đổi mới, nỗ lực phấn đấu đạt nhiều kết quả, thành tựu hơn nữa, xứng đáng là người đại biểu ưu tú, trung thành của Đảng, Nhà nước và nhân dân. 

"Tại nhiệm kỳ này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã hoàn thành khối lượng công việc lớn, bảo đảm chất lượng, có trọng tâm, trọng điểm, đặc biệt là chỉ đạo việc chuẩn bị trình Quốc hội sửa đổi Hiến pháp và ban hành nhiều bộ luật, luật quan trọng nhằm triển khai thi hành Hiến pháp, hoàn thiện thể chế kinh tế, tổ chức bộ máy nhà nước, bảo đảm quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân... góp phần quan trọng vào những thành tựu chung của Quốc hội…” - Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quốc hội Khóa XIII là nền tảng tạo sự tin tưởng của nhân dân đối với Quốc hội