Quốc hội đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách

Ngọc Mai| 30/05/2019 06:59
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Theo chương trình, phiên họp sẽ được truyền hình, phát thanh trực tiếp trên Đài Truyền hình Việt Nam để cử tri và nhân dân cả nước theo dõi.

Hôm nay (30/5), Quốc hội thảo luận tại hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2018; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2019; Quyết toán ngân sách nhà nước năm 2017.

Theo chương trình, phiên họp sẽ được truyền hình, phát thanh trực tiếp trên Đài Truyền hình Việt Nam, Truyền hình Quốc hội Việt Nam và Đài Tiếng nói Việt Nam.

Quốc hội đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách

Phiên thảo luận Quốc hội ngày 29/5

Trước đó ngày 29/5, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ 8 của kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.

Buổi sáng, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường nghe các cơ quan trình bày Tờ trình, Báo cáo thẩm tra về những nội dung sau đây:

Nội dung 1: Thực hiện sự phân công của Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng điều hành nội dung này. Theo đó, Quốc hội đã nghe:

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về việc phân bổ dự phòng chung vốn ngân sách trung ương trong nước còn lại và 10.000 tỷ đồng từ nguồn điều chỉnh giảm nguồn vốn dự kiến bố trí cho các dự án quan trọng quốc gia của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020; bổ sung danh mục dự án mới từ nguồn điều chỉnh nội bộ và dự phòng 10% tại bộ, ngành, địa phương và một số nội dung liên quan đến việc giao kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trình bày Tờ trình về việc gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể; Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trình bày Báo cáo thuyết minh Công ước số 98; Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày Báo cáo thẩm tra về việc gia nhập Công ước trên.

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung và Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi).

Nội dung 2: Theo sự phân công của Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành việc xin ý kiến đại biểu Quốc hội bằng hệ thống điện tử về 02 nội dung của dự thảo Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi).

Kết quả cụ thể như sau:

Về khoản 3 Điều 27 quy định về quyền và nghĩa vụ của phạm nhân, các đại biểu Quốc hội thể hiện ý kiến về Phương án 1 với 269 đại biểu Quốc hội đồng ý (bằng 55,58%); có 119 đại biểu Quốc hội không đồng ý (bằng 24,59%); có 22 đại biểu Quốc hội không tham gia ý kiến (bằng 4,55%).

Về Điều 33 quy định về tổ chức cho phạm nhân lao động ngoài trại giam, có 234 đại biểu đồng ý (bằng 48,35%); có 180 đại biểu Quốc hội không đồng ý (bằng 37,19%); có 10 đại biểu Quốc hội không tham gia ý kiến (bằng 2,07%).

Thảo luận ở Tổ về: Việc phân bổ, sử dụng nguồn dự phòng Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020. Trong quá trình thảo luận, các đại biểu đã cho ý kiến về Tờ trình của Chính phủ, trong đó tập trung vào các nội dung sau: Về tình hình thực hiện Nghị quyết số 71/2018/QH14 của Quốc hội và các kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; xác định nguồn vốn và khả năng cân đối ngân sách hàng năm; việc thanh toán nợ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt dự án Đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng 4.069 tỷ đồng từ nguồn 10.000 tỷ đồng điều chỉnh giảm nguồn vốn dự kiến bố trí cho các dự án quan trọng quốc gia; thẩm quyền quyết định danh mục, mức vốn phân bổ cụ thể cho các dự án sử dụng dự phòng chung vốn ngân sách trung ương trong nước còn lại, nguồn vốn từ điều chỉnh kế hoạch đầu tư trung hạn và dự phòng 10% để lại các bộ, ngành, địa phương của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020; một số nội dung liên quan đến việc giao kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020…

Buổi chiều, Quốc hội thảo luận tại Tổ về: Việc gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể và dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi).

Đối với việc gia nhập nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể: Thảo luận về nội dung này, các ý kiến phát biểu đều tán thành về sự cần thiết gia nhập Công ước số 98, cho rằng việc gia nhập Công ước số 98 là phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước trong hội nhập quốc tế về lao động, xã hội;  khẳng định quyết tâm và nỗ lực của Việt Nam trong quá trình thực thi các cam kết liên quan đến lao động trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và thực hiện nghĩa vụ của Việt Nam với trách nhiệm là quốc gia thành viên ILO, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiến tới ký kết Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng tập trung thảo luận về một số nội dung cụ thể sau:  Việc tuân thủ trình tự, thủ tục đề xuất xem xét, quyết định gia nhập Công ước số 98; tính hợp hiến và mức độ phù hợp của Công ước số 98 với luật, nghị quyết của Quốc hội và pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; khả năng áp dụng trực tiếp, toàn bộ hoặc một phần Công ước số 98; yêu cầu sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành luật, nghị quyết của Quốc hội và pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để thực hiện Công ước số 98…v...v

Đối với dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi): Trong quá trình thảo luận, đa số ý kiến đại biểu tán thành với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội về sự cần thiết xây dựng dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi)  nhằm thể chế hóa đầy đủ, kịp thời, toàn diện các quan điểm chỉ đạo của Đảng và tinh thần Hiến pháp năm 2013 về bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong lĩnh vực lao động, hướng tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện.

Ngoài ra, các đại biểu cũng tập trung thảo luận về các nội dung như: Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng; thời giờ làm việc bình thường; việc mở rộng khung thỏa thuận giờ làm thêm tối đa lên không quá 400 giờ (tăng thêm 100 giờ); căn cứ xác định, điều chỉnh tiền lương tối thiểu; tiền lương làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm; nghỉ lễ, tết; việc nghỉ bù thời gian nghỉ Tết Âm lịch; việc bổ sung thêm ngày nghỉ lễ là Ngày Thương binh, Liệt sỹ (ngày 27 tháng 7 Dương lịch); độ tuổi, lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu; việc thay đổi từ quy định người lao động “có thể nghỉ hưu” bằng quy định người lao động “có quyền nghỉ hưu” ở tuổi thấp hơn hoặc cao hơn; công việc, nơi làm việc cấm sử dụng người từ đủ 15 đến dưới 18 tuổi; quyền của thanh tra viên lao động; hợp đồng lao động và hình thức hợp đồng lao động; quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động; thử việc, kết quả thử việc; việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Ban hợp tác hai bên tại nơi làm việc; thương lượng tập thể; thỏa ước lao động tập thể; tổ chức đại diện của người lao động; về tổ chức đại diện của người sử dụng lao động; đình công và giải quyết tranh chấp lao động; việc bỏ thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, bổ sung thẩm quyền giải quyết của Hội đồng trọng tài lao động…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quốc hội đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách