Sáng 21/4, tại Trung tâm Đền thờ Trần Hưng Đạo, bên dòng Bạch Đằng Giang lịch sử (TX Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh) đã diễn ra lễ kỷ niệm 1080 năm (938 - 2018) và 730 năm (1288 - 2018) chiến thắng Bạch Đằng.
Đây là hoạt động nhằm tri ân công lao to lớn các bậc tiền nhân đã có công đánh giặc giữ yên bờ cõi đất nước và là sự kiện quan trọng chào mừng Năm Du lịch Quốc gia 2018 - Hạ Long - Quảng Ninh.
Năm nay, Lễ kỷ niệm 1080 năm và 730 năm Chiến thắng Bạch Đằng được tổ chức quy mô hơn mọi năm. Sau phần dâng hương tưởng niệm Đức thánh Trần Hưng Đạo, các đại biểu và người dân được tham dự phần hội với nhiều hoạt động sôi nổi như: Chương trình nghệ thuật sử thi với “Bạch Đằng Giang - Bản hùng ca của dân tộc”, giải bơi thuyền chải truyền thống trên sông Bạch Đằng tại khu vực bến đò cổ…
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Đức Long, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh khẳng định: Chiến thắng Bạch Đằng là mốc son chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta; là sự kết tinh trí tuệ, mưu trí, sáng tạo và lòng dũng cảm trung kiên của ông cha ta trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ đất nước. Lễ kỷ niệm 1080 năm và 730 năm Chiến thắng Bạch Đằng là sự kiện chính trị, văn hóa quan trọng. Là dịp để chúng ta ôn lại truyền thống lịch sử, khơi dạy niềm tự hào, tinh thần yêu nước và truyền thông anh hùng của dân tộc cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.
Đua thuyền trên sông Bạch Đằng
Bạch Đằng là vùng sông thiêng bậc nhất của Việt Nam, nơi dân tộc ta đã 3 lần chiến thắng quân đánh đuổi giặc phương Bắc vào năm 938, năm 981 và năm 1288. Đại thắng trên sông Bạch Đằng năm Mậu Tý 1288 được xem là trận thủy chiến lớn nhất và tiêu biểu nhất của quân dân Đại Việt, là khúc khải hoàn ca hùng tráng trong truyền thống chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta.
Ghi nhận những giá trị lịch sử to lớn đó, năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã công nhận di tích Bạch Đằng là di tích Quốc gia đặc biệt. Tỉnh Quảng Ninh đang triển khai quy hoạch tổng thể bảo tồn di tích Bạch Đằng với tổng kinh phí đầu tư các dự án trên 700 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương và xã hội hóa, nhằm phát huy giá trị di tích, đáp ứng nhu cầu tham quan, chiêm bái của nhân dân, khách du lịch.