Trước diễn biến phức tạp của siêu bão Yagi, các địa phương trong tỉnh Quảng Ninh đã tiến hành kiểm tra và chỉ đạo tại hiện trường các phương án, sẵn sàng ứng phó, nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân.
Tại Cô Tô, 10h sáng ngày 6/9, trên địa bàn huyện Cô Tô có gió cấp 2-3, hướng gió Đông Nam, trời trong, nắng gắt, không mưa.
Ngay trong sáng nay, thị trấn Cô Tô đã phối hợp với lực lượng biên phòng kiểm tra Khu dịch vụ hậu cần nghề cá Bắc vịnh Bắc Bộ và các bãi ốc, yêu cầu các chủ phương tiện chằng chống thuyền bè, di chuyển người lên bờ trước 12h ngày 6/9.
Đối với một số phương tiện thuộc địa phương khác chưa thực hiện di chuyển vào nơi tránh trú an toàn, chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng đã yêu cầu các phương tiện phải nghiêm chỉnh chấp hành và kí cam kết thực hiện di chuyển vào nơi tránh trú an toàn.
Trên cơ sở rà soát toàn huyện, hiện khoảng 10 hộ dân có nhà ở trong khu vực có nguy cơ bị ảnh hưởng do sạt lở đất, nhà quá cũ (do mái ngói đã lâu), chính quyền địa phương cùng các lực lượng chức năng đã huy động lực lượng hỗ trợ các hộ dân sử dụng bao cát, chằng chống mái nhà và di chuyển người vào khu vực tránh trú an toàn.
Chính quyền địa phương tiếp tục phối hợp cùng các lực lượng quân sự, công an, biên phòng kiểm tra tình hình phòng chống bão ở các thôn, khu; huy động lực lượng chằng chống nhà cửa cho người dân, kiểm tra các nơi xung yếu, có nguy cơ sạt lở nhằm đảm bảo tuyệt đối an toàn về tính mạng và tài sản cho nhân dân.
Huyện tiếp tục rà soát các bè nuôi trồng thủy sản, tàu bán hàng trên biển, các bãi ốc, yêu cầu không để người ở lại trên tàu, bè nuôi thủy sản, trên bãi nuôi ốc khi có bão về. Đồng thời, huyện chỉ đạo các lực lượng phối hợp với người dân tháo dỡ lều, quán ở các bãi biển; thông báo đến các cơ sở lưu trú có khách du lịch đang lưu trú biết về tình hình của bão để khách du lịch chủ động có kế hoạch di chuyển vào đất liền.
Tại TP Hạ Long, sáng 6/9, ông Vũ Quyết Tiến, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Hạ Long đã kiểm tra công tác phòng, chống cơn bão số 3 tại một số điểm xung yếu, sạt lở trên địa bàn thành phố, bao gồm: Đồi Đặng Bá Hát (phường Hồng Gai); Trạm biến áp 110kV Yên Cư (phường Đại Yên); khu 1B (phường Hồng Hải).
Ngay từ ngày 5/9, các cấp ủy, chính quyền từ thành phố tới cơ sở cũng đã đình, hoãn các cuộc họp không thật cấp bách, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, phân công các đồng chí trong Ban Thường vụ, Thường trực UBND thành phố trực tiếp xuống các địa bàn trọng điểm để lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, đôn đốc, kiểm tra công tác phòng chống bão, lũ, trong đó tập trung vào những điểm trọng tâm sau: Rà soát kỹ, triển khai ngay công tác đảm bảo an toàn đối với các hoạt động trên biển; bảo đảm an toàn cho người, tàu thuyền, phương tiện hoạt động trên biển và tại nơi tránh trú rà soát ngay các khu vực có nguy cơ sạt lở trên địa bàn, sẵn sàng có phương án đảm bảo an toàn, thực hiện ngay việc cảnh báo và cắm các biển cảnh báo sớm, đặc biệt là các vị trí đã sạt lở trước đó nhưng đến nay chưa thực hiện khắc phục xong, trường hợp cần thiết phải chủ động cưỡng chế di dời để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân; đảm bảo an toàn công trình đê điều, hồ đập, an toàn giao thông, các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở, ngập úng, các công trình đang thi công xây dựng, các khai trường khai thác khoáng sản, các khu vực đổ thải…
Thành phố cũng yêu cầu Đảng ủy Công an, Quân sự thành phố khẩn trương rà soát, cập nhật phương án ứng phó theo mức độ rủi ro của bão, chủ động bố trí lực lượng, phương tiện phối hợp với các lực lượng có liên quan để triển khai công tác phòng chống bão, lũ theo quy định; các phòng, ban, đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ tiếp tục chỉ đạo, triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả công tác phòng chống bão số 3.
Tại TX Quảng Yên, từ ngày 5/9, các đồng chí lãnh đạo thị xã đã trực tiếp kiểm tra một số tuyến đê và một số cống tiêu thoát nước, đồng thời chỉ đạo tại hiện trường một số giải pháp phòng chống bão.
Kiểm tra đoạn cửa khẩu qua đê, thuộc KCN Nam Tiền Phong tại thôn 4, xã Tiền Phong, ông Trần Đức Thắng - Chủ tịch UBND thị xã giao xã Tiền Phong cùng với Ban lãnh đạo KCN chuẩn bị các phương tiện cần thiết như cánh phai, xe nâng, xe cẩu để sẵn sàng xử lý tình huống khi có mưa to kéo dài.
Chủ tịch UBND thị xã yêu cầu Ban lãnh đạo KCN cùng với chính quyền địa phương tuyệt đối không được chủ quan, hết sức chú ý đoạn đường qua đê này, chủ động ứng phó, đảm bảo an toàn cho người dân trên địa bàn yên tâm lao động, sản xuất.
Ngay sau khi nhận được công điện của UBND tỉnh về việc triển khai các biện pháp phòng chống cơn bão số 3, Ban chỉ huy PCLB-TKCN TX Quảng Yên đã triển khai thực hiện, ban hành Kế hoạch chỉ đạo các địa phương, các ngành liên quan khẩn trương triển khai phương án phòng chống; tổ chức ứng trực 24/24h, phân công các đoàn công tác xuống tận cơ sở chỉ đạo việc ứng phó với bão.
Thực hiện phòng, chống bão số 3 với phương châm “3 trước, 4 tại chỗ”, TP Móng Cái đã chỉ đạo các xã, phường và lực lượng chức năng thông tin, kêu gọi trên 1.200 tàu, thuyền, bè, mảng hoạt động trên sông, vùng ven biển và tàu thuyền của các tỉnh, thành khác đang hoạt động trên vùng biển Móng Cái về nơi tránh, trú an toàn; tuyên truyền, hỗ trợ nhân dân chằng chống nhà cửa, gia cố các lồng, bè nuôi trồng thủy sản trên biển, rà soát số người đang có mặt trên các nhà bè nuôi trồng thủy sản để sẵn sàng sơ tán khi có yêu cầu.
Quà rà soát, trên địa bàn TP Móng Cái có 615 nhà yếu, thiếu kiên cố, với tổng số trên 2.000 nhân khẩu. Thành phố đã chỉ đạo các xã, phường rà soát, xây dựng phương án chuẩn bị sẵn sàng việc di dời các hộ dân sinh sống trong nhà yếu, nhà thiếu kiên cố, khu vực nguy hiểm, số lao động nuôi trồng thủy sản các vùng bãi triều ven biển, ven đê đến nơi an toàn khi có yêu cầu như di dời về các trụ sở UBND xã, phường, nhà văn hóa, trường học, các hộ dân có nhà kiên cố liền kề. Rà soát lại hệ thống đê điều, kiểm tra các khu vực, vị trí có nguy cơ sạt lỡ ngập úng.