Theo tin từ ông Phan Ngọc Minh, Phó Chánh án TAND tỉnh Quảng Ngãi thì đơn vị này vừa ra quyết định trả hồ sơ vụ án hình sự “Cố ý làm trái trong đền bù Dự án thuỷ điện Đăkrinh, Quảng Ngãi” cho VKSND tỉnh để điều tra, bổ sung những vấn đề còn nghi vấn.
Trước đó, Báo Công lý đã có bài: “Cố ý làm trái trong đền bù Dự án thuỷ điện Đăkrinh, Quảng Ngãi: Hai bị can kêu oan”, phản ánh việc kêu oan của hai cán bộ huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi. Những người này cho rằng họ thực hiện đúng chỉ đạo của cấp trên trong việc đền bù giải tỏa để thực hiện Dự án Thủy điện Đăkđrinh nhưng họ lại bị khởi tố, bắt giam. Đó là ông Hà Văn Tiên, nguyên Trưởng phòng TN&MT và ông Nguyễn Anh Dũng, nguyên Trưởng phòng NN&PTNT huyện Sơn Tây.
Quyết định trả hồ sơ số 13/2016/HSST-QĐ ngày 26/9/2016 của TAND tỉnh Quảng Ngãi nêu rõ: Để có đủ căn cứ buộc tội đối với các bị can thì cần phải điều tra, xác minh làm rõ các bị can tự ý thực hiện “quy chủ cũ” hay chỉ thực hiện theo sự chỉ đạo của cấp trên? Trong khi đó, quá trình chuẩn bị xét xử sơ thẩm, Ban Thường vụ Huyện uỷ Sơn Tây có Công văn số 292-CV/HU ngày 18/7/2016 gửi TAND tỉnh Quảng Ngãi khẳng định việc thực hiện quy chủ được Ban Thường vụ Huyện uỷ chỉ đạo xuyên suốt trong quá trình bồi thường, giải phóng mặt bằng Dự án Thuỷ điện Đăkrinh.
Thủy điện Đăkrinh, Quảng Ngãi
TAND tỉnh Quảng Ngãi còn yêu cầu điều tra làm rõ, các hộ dân có đất tại khu vực lòng hồ Dự án Thuỷ điện Đăkrinh thực hiện việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất trước hay sau khi có quy hoạch Dự án? Việc chuyển nhượng có đúng theo trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật đất đai hay không? Nếu việc chuyển nhượng không đúng theo quy định của pháp luật thì hợp đồng đó vô hiệu, các bên phải hoàn trả lại cho nhau những gì đã nhận nên người có quyền sử dụng đất là người đã bán đất. Nếu đúng như vậy, việc hỗ trợ tiền đền bù đất, hỗ trợ tái định cư, chuyển đổi nghề nghiệp cho người có đất tại Dự án có trái với quy định của pháp luật hay không?
Tại Thông báo số 03-TB/BCĐ ngày 31/10/2013 của Ban Chỉ đạo bồi thường, giải phóng mặt bằng Dự án Thuỷ điện Đăkrinh có nêu: “Nếu đất không có giấy đăng ký quyền sử dụng đất và hiện đang tranh chấp thì lấy ý kiến của người dân địa phương và người có uy tín trong làng để biểu quyết quy chủ”. Và, tại Công văn số 5361/UBND-NC ngày 30/12/2013 của UBND tỉnh Quảng Ngãi về việc chỉ đạo xử lý nội dung liên quan đến việc bồi thường, giải phóng mặt bằng, di dân tái định cư và hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp tại Dự án nêu rõ: “Đối với trường hợp người nhận chuyển nhượng đất trái pháp luật là tư thương, không thuộc người dân sở tại, không trực tiếp sản xuất nông ngiệp thì xác định lại cho đúng đối tượng và bồi thường, hỗ trợ đúng chính sách, không vận dụng chính sách để hỗ trợ”. Việc “xác định lại cho đúng đối tượng” nêu tại hai văn bản trên có phải là quy về cho người bán đất hay không và có phải nhằm mục đích tạo điều kiện cho người dân trong vùng Dự án có cuộc sống bằng và cao hơn theo quan điểm chỉ đạo của Đảng?
Hơn nữa, theo lời khai của các bị can thì việc thực hiện chủ trương quy chủ được Hội đồng bồi thường (HĐBT) nêu công khai tại các cuộc họp của huyện Sơn Tây và các xã. Các cuộc họp của HĐBT đều có sự tham gia đầy đủ của các thành viên trong Ban chỉ đạo, các thành viên của HĐBT. Vì vậy, nếu việc “quy chủ cũ” là trái pháp luật thì cần phải điều tra, làm rõ trách nhiệm của các thành viên trong Ban chỉ đạo, trách nhiệm của các thành viên khác trong HĐBT, GPMB và những người có liên quan để tránh oan sai hoặc bỏ lọt tội phạm.