Đời sống

Quảng Nam: Vì sao 4 năm chưa thi công xong 5km đường?

Hải Nam 24/10/2024 - 07:05

Dự án đường ô tô đến Trung tâm hành chính (TTHC) xã Ninh Phước (huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam) có chiều dài 5,1km, tuy nhiên sau 4 năm triển khai, khối lượng thực hiện dự án chỉ đạt 17%, đứng trước nguy cơ vỡ tiến độ.

4 năm thi công không xong 5km đường

Dự án đường ô tô đến TTHC xã Ninh Phước có tổng chiều dài là 5,1km. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2021 – 2024. Nhà thầu là liên doanh Công ty CP 6.3 và Công ty CP Trung Trung Bộ. Nhưng sau gần 4 năm triển khai, chủ đầu tư đã bàn giao 90% khối lượng mặt bằng cho Công ty CP Trung Trung Bộ và 30% khối lượng mặt bằng cho Công ty CP 6.3. Khối lượng thực hiện dự án mới đạt khoảng 17%, đứng trước nguy cơ vỡ tiến độ.

Lý giải nguyên nhân này, ông Nguyễn Văn Hòa – Chủ tịch UBND huyện Nông Sơn cho biết, tại khu vực đầu tuyến chưa thể giải phóng mặt bằng do vướng nhà ông Nguyễn Văn Long. Đây là hộ nghèo, có hoàn cảnh hết sức khó khăn khi vợ mắc bệnh hiểm nghèo, còn 4 người con đang tuổi ăn học, nhưng diện tích đất gia đình đang sinh sống không phải đất ở. Do đó, chủ đầu tư không thể bố trí theo phương án tái định cư.

Theo đơn giá hiện nay, một vị trí đất tái định cư khoảng 400 triệu đồng là nằm ngoài khả năng của gia đình này. Địa phương đã nỗ lực vận động, tuyên truyền nhiều năm nay, song vẫn chưa được tìm được "tiếng nói chung".

ns2(1).jpg
Gần 4 năm nhưng vẫn chưa xong 5km đường vào TTHC xã Ninh Phước (Nông Sơn - Quảng Nam)

Ngoài ra, trong khu vực thực hiện dự án có diện tích đất liên quan đến các vụ phá rừng xảy ra tại địa bàn xã Ninh Phước. Hiện công tác kiểm tra hiện trạng rừng đã xong, vụ án đã được khởi tố theo quy định pháp luật. Vì vậy, UBND huyện đang đề xuất phương án lấy đánh giá hiện trạng để bàn giao đất triển khai dự án trước. Bởi nếu chờ khởi tố xong mới bàn giao đất cho dự án thì mất thời gian rất lâu.

Bên cạnh đó, trong quá trình thi công dự án còn xuất hiện lượng lớn đất thừa, trong khi bãi thải không đảm bảo công suất. Theo Chủ tịch UBND huyện Nông Sơn, toàn bộ dự án đang thừa 125.000 m3 đất, trừ 75.000 m3 đất phân hóa thì còn lại 65.000 m3 phải đổ đi. Thực tế huyện Nông Sơn có quy hoạch 3 bãi để phục vụ dự án, trong đó 1 bãi công suất 30.000m3 hiện đã đổ đầy, 2 bãi còn lại chưa giải phóng xong mặt bằng.

Còn theo đơn vị thi công, ngoài khó khăn trong quá trình xử lý khối lượng đất dư thừa, thì trong thời gian qua do vướng công tác giải phóng mặt bằng nên buộc đơn vị thi công phải thi công cầm chừng. Chính vì kéo dài thời gian nên giá cả vật tư, nhân công leo thang khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.

Chủ đầu tư cần linh hoạt hơn trong xử lý các vướng mắc

Mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam ông Trần Nam Hưng trong quá trình kiểm tra tiến độ thi công dự án đã thẳng thắn phê bình công tác giải phóng mặt bằng của Nông Sơn. Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam cũng đề nghị UBND huyện Nông Sơn cần có báo cáo giải trình, kiểm kiểm trách nhiệm các tập thể, cá nhân có liên quan và được sự thống nhất của Ban Thường vụ Huyện ủy.

ns1-2-.jpg
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam phê bình các tập thể, cá nhân có liên quan

Đối với hộ ông Nguyễn Văn Long, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo UBND huyện Nông Sơn cần có phương án giải quyết dứt điểm để có mặt bằng triển khai thực hiện dự án. Cần linh hoạt các phương án bố trí tái định cư. Chẳng hạn, chuyển đổi mục đích sử dụng đất của gia đình ông Long hoặc bố trí xen cư ở một vị trí phù hợp trên địa bàn huyện. Trường hợp hộ không có đất ở, nhà ở nào khác trên địa bàn, huyện nên thống nhất chủ trương cho nợ tiền sử dụng đất theo quy định tại Điều 26 Nghị định số 88/2024 ngày 15/7/2024 của Chính phủ. Mảnh đất này gia đình ông được cấp "sổ đỏ" nhưng ghi nợ nên không thể giao dịch ngân hàng hoặc mua bán. Khi nào gia đình có điều kiện thì trả nợ và xóa nợ trên "sổ đỏ". Trong quá trình vận động, huyện cần giải thích để người dân hiểu và đồng thuận.

Bên cạnh đó, chủ đầu tư cần khẩn trương phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, làm cơ sở để vận động các hộ dân bàn giao mặt bằng trong tháng 10/2024. “Xem xét hỗ trợ gia đình ông Long căn nhà đại đoàn kết. Trường hợp hộ dân không thống nhất thì UBND huyện khẩn trương thực hiện các thủ tục cưỡng chế thu hồi đất để triển khai thực hiện dự án. Và khi đã cưỡng chế sẽ không được hưởng các chính sách hỗ trợ” – ông Hưng lưu ý.

Liên quan đến vụ việc phá rừng, UBND huyện Nông Sơn phối hợp và cung cấp đầy đủ các hồ sơ, tài liệu liên quan. Hạt Kiểm lâm huyện tiến hành quay phim, chụp hình toàn bộ hiện trạng rừng trong phạm vi dự án để làm cơ sở cho việc đánh giá hiện trạng trước khi thực hiện thi công công trình và thực hiện nhiệm vụ liên quan.

Đối với lượng đất dư thừa, theo Chủ tịch UBND huyện Nông Sơn Nguyễn Văn Hòa, toàn bộ dự án đang thừa 65.000 m3 phải đổ đi, trong khi dự án hồ Hố Cái đang thiếu khoảng 65.000 m3 đất. UBND huyện Nông Sơn đã hoàn thành hồ sơ, thủ tục liên quan, trình Sở TN-MT xin cấp phép lấy nguồn đất thừa từ tại đây để đổ vào hồ Hố Cái vừa là giải pháp giảm dự toán, vừa đẩy nhanh tiến độ thi công.

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam giao Sở GTVT chủ trì, phối hợp với Sở KH&ĐT và các ngành, đơn vị liên quan tham mưu tỉnh xem xét, điều chỉnh gia hạn thời gian thực hiện dự án đến tháng 12/2025. Yêu cầu UBND huyện Nông Sơn chỉ đạo nhà thầu linh hoạt phương án thi công để đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn 2023 kéo dài (khoảng 5,6 tỷ đồng) trước ngày 31/12/2024.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Nam: Vì sao 4 năm chưa thi công xong 5km đường?