Tin địa phương

Quảng Bình: Tháo gỡ điểm ‘nghẽn’ pháp lý để phủ sóng chính sách

Minh Phương 16/12/2023 - 12:08

25 Nghị quyết được thông qua tại kỳ họp thứ 12, khóa XVIII, HĐND tỉnh Quảng Bình đã tháo gỡ nhiều điểm ‘nghẽn’ về tính pháp lý để phủ sóng chính sách đến nhiều nhóm đối tượng thụ hưởng.

Nghị quyết đáp ứng yêu cầu từ thực tiễn

Mặc dù trong điều kiện còn nhiều khó khăn, nhưng nhiều chính sách nhân văn, kịp thời đã được HĐND tỉnh Quảng Bình thông qua, đáp ứng nguyện vọng, mong muốn của cử tri tỉnh nhà. Cụ thể, tại kỳ họp thứ 12, khóa XVIII, HĐND tỉnh đã ban hành chính sách hỗ trợ cước thuê bao dịch vụ giám sát hành trình (GSHT) tàu cá giai đoạn từ năm 2024 đến 2026. Hiện số lượng tàu cá đã lắp đặt thiết bị GSHT 1.127/1.165 (đạt 96,7%).

qunagbinh.jpg
Đại biểu HĐND tỉnh Quảng Bình biểu quyết thông qua nhiều Nghị quyết quan trọng tại kỳ họp thứ 12, khóa XVIII.

Theo quy định mỗi 1 tàu cá phải chi trả cước thuê bao GSHT từ 3 đến 6 triệu đồng/năm để duy trì hoạt động. Việc này đã tạo thêm áp lực về kinh phí sau mỗi chuyến vươn khơi, bám biển của ngư dân. Vì thế, thời gian gần đây đã có hơn 100 tàu cá mất kết nối dài ngày do không đóng cước thuê bao GSHT cho các đơn vị cung cấp dịch vụ, và con số này đang tiếp tục tăng do chủ tàu gặp khó khăn.

Nhằm chia sẻ khó khăn này với ngư dân, hướng đến chống khai thác IUU, tiến tới gỡ thẻ vàng EC, HĐND tỉnh Quảng Bình đã ban hành Nghị quyết có hiệu lực từ tháng 1/2024.

Theo đó, mỗi tàu cá được hỗ trợ 100% cước thuê bao dịch vụ GSHT theo hợp đồng và hoá đơn thực tế, nhưng tối đa không quá 300.000 đồng/tháng/tàu cho đến hết năm 2026, kinh phí hỗ trợ theo tỷ lệ là 70% và 50%. Dự kiến tổng kinh phí hỗ trợ là hơn 9,2 tỷ đồng được trích từ ngân sách tỉnh thông qua Sở NN và PTNT chi trả cho các đối tượng chủ tàu cá theo quy định.

“Một trong những yêu cầu quan trọng của tàu cá khai thác ngư trường đánh bắt cá xa bờ là phải duy trì hoạt động của thiết bị GSHT, nên khi đi biển nhiều chủ tàu phải vay mượn tiền để đóng phí thuê bao, có tàu còn phải “vay nóng” bởi nếu thiết bị không hoạt động sẽ ảnh hưởng rất lớn đến an toàn tàu cá và các quy định IUU. Vì thế, khi nghe thông tin này, tôi và nhiều ngư dân rất phấn khởi”, anh Nguyễn Tuấn Anh, xã Cảnh Dương (huyện Quảng Trạch) chủ 4 tàu cá tham gia khai thác ngư trường xa bờ tâm sự.

Chăm lo đội ngũ cán bộ cơ sở, người hoạt động không chuyên trách

Theo quy định hiện hành, cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố được chi trả theo Nghị định 33 của Chính phủ. Tuy nhiên, từ 1/1/2024, ngoài số tiền trên, tỉnh Quảng Bình sẽ trích ngân sách địa phương để khoán kinh phí cho các tổ chức chính trị - xã hội ở cấp xã và hỗ trợ người trực tiếp tham gia hoạt động ở thôn, bản, tổ dân phố.

z4974890416179_86bbdc6d10d1df8b0d10e98bf5182c0b.jpg
Đội ngũ cán bộ cơ sở, người hoạt động không chuyên trách ở Quảng Bình sẽ được tăng cường sức mạnh nhờ có thêm chính sách hỗ trợ.

Theo đó, mức khoán kinh phí hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội ở cấp xã loại 1 được khoán quỹ bằng 8,0 lần mức lương cơ sở/tổ chức/năm; loại 2 và loại 3 lần lượt bằng 7,0 và 6,0 lần. Mức hỗ trợ đối với người trực tiếp tham gia hoạt động ở thôn, bản, tổ dân phố (bao gồm các chức danh: phó bí thư chi bộ (phó bí thư đảng bộ bộ phận); phó trưởng thôn, bản, tổ dân phố; chi hội trưởng các hội: cựu chiến binh, nông dân; phụ nữ, bí thư chi đoàn) được hỗ trợ từ 0,3 đến 0,4 lần mức lương cơ sở/người/tháng theo quy định về quy mô, khu vực.

Với 5 tổ chức chính trị - xã hội ở cấp xã, dự kiến khoán kinh phí cho mỗi năm tỉnh Quảng Bình chi khoảng gần 10 tỷ đồng. Mỗi thôn, bản, tổ dân phố bố trí 6 chức danh trực tiếp tham gia hoạt động, số tiền hỗ trợ là trên 49 tỷ đồng. Tính chung mức hỗ trợ cho các tổ chức chính trị - xã hội ở cấp xã và người trực tiếp tham gia hoạt động ở thôn, bản, tổ dân phố là khoảng 60 tỷ đồng/năm.

Chia sẻ về chính sách này, ông Bùi Anh Tuấn, Bí thư Huyện ủy Minh Hóa cho biết, chế độ, chính sách cho tổ chức chính trị - xã hội cấp xã và đội ngũ cán bộ thôn, bản, tổ dân phố là vấn đề luôn được cử tri và nhân dân rất quan tâm. Cùng với thực hiện quy định số 33 của Chính phủ, việc HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết với nội dung trích kinh phí khoán cho các tổ chức chính trị - xã hội ở cấp xã và hỗ trợ người trực tiếp tham gia hoạt động ở thôn, bản, tổ dân phố sẽ tạo động lực cho đội ngũ cán bộ cơ sở, người hoạt động không chuyên trách, nhất là đối với địa bàn còn nhiều khó khăn như Minh Hóa. Đặc biệt, các xã biên giới, các tổ chức chính trị - xã hội và cán bộ thôn, bản, tổ dân phố sẽ được tăng cường sức mạnh, củng cố niềm tin cho cán bộ, đảng viên, nhân dân để thêm phần quyết tâm, nỗ lực trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.

Chính sách cho những người lầm lỡ rộng mở “lối về”

Cùng với 2 Nghị quyết nêu trên, HĐND tỉnh Quảng Bình cũng ban hành Nghị quyết về mức hỗ trợ đối với người cai nghiện ma tuý (CNMT). Theo đó, người cai nghiện bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở CNMT bắt buộc được hỗ trợ chi phí cho các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, vui chơi giải trí với mức 150.000 đồng/người/năm. Sau khi chấp hành xong về địa phương sẽ được hỗ trợ tiền mua quần áo với mức 400.000 đồng/bộ/người.

z4974890413575_4da7ce938f77a315e300ac884e23f837.jpg
Người CNMT tự nguyện, được cấp phát thuốc miễn phí tại cơ sở y tế.

Đối với đối tượng CNMT tự nguyện, Nghị quyết quy định chính sách thù lao cho người được giao nhiệm vụ tư vấn tâm lý, xã hội, quản lý, hỗ trợ các đối tượng cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng, đối tượng quản lý sau CNMT tại cấp xã với 0,3 mức lương cơ sở/người/tháng.

Theo đó, người tham gia CNMT tự nguyện tại cơ sở CNMT công lập được hỗ trợ tiền ăn, các vật dụng cá nhân bằng 70% mức hỗ trợ đối với người nghiện ma tuý bị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Dự kiến nguồn kinh phí hỗ trợ này sẽ tùy theo tỷ lệ tăng hoặc giảm hằng năm để ngân sách hỗ trợ.

Mọi sự phát triển đều hướng đến nhân dân

Đây là 3 trong tổng số 25 Nghị quyết mà HĐND tỉnh Quảng Bình vừa thông qua kỳ họp thứ 12, khóa XVIII, đã góp phần tháo gỡ nhiều điểm “nghẽn” về tính pháp lý trong công tác quản lý, điều hành của UBND tỉnh và chính quyền các cấp, nhằm chăm lo ngày một tốt hơn cho nhiều nhóm đối tượng được thụ hưởng, để không ai còn bị bỏ lại phía sau. Vì thế, nhiều chủ trương, chính sách của tỉnh Quảng Bình đưa ra luôn được người dân đồng tình hưởng ứng, thực hiện hiệu quả, bởi tất cả mọi sự phát triển của Quảng Bình đều hướng đến nhân dân, đích cuối đều vì hạnh phúc của nhân dân.

Đồng chí Trần Hải Châu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cho biết: “Đây là những Nghị quyết xuất phát từ thực tiễn phát triển, đáp ứng tâm tư, nguyện vọng, mong muốn của cử tri và nhân dân tỉnh nhà, có hiệu lực từ 1/1/2024. Việc thực hiện hiệu quả các Nghị quyết sẽ góp phần tạo động lực to lớn và sự đồng thuận cao trong cán bộ, đảng viên và nhân dân trong thực hiện các nhiệm vụ được giao, góp phần đưa quê hương Quảng Bình phát triển nhanh và bền vững”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Bình: Tháo gỡ điểm ‘nghẽn’ pháp lý để phủ sóng chính sách