Quận Tân Phú, TP.HCM: Ai “chống lưng” để biệt thự lấn chiếm lề đường tồn tại?

Nghinh Xuân – Trần Linh| 25/05/2018 14:25
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Mặc dù, người dân đã nhiều lần phản ánh, chính quyền quyết liệt xử lý nhưng căn biệt thự tại quận Tân Phú đang thách thức pháp luật khi vẫn tiếp tục vi phạm, lấn chiếm hành lang hẻm gây cản trở, mất an toan cho người dân và các phương tiện khi lưu thông.

Theo ghi nhận thực tế, căn biệt thự địa chỉ 125 đường Nguyễn Thế Truyện, phường Tân Sơn Nhì, quận Tân Phú - TP.HCM thuộc sở hữu của ông Phạm Thanh Bình, Bí thư khu phố 7, nguyên Đội trưởng Đội quản lý thị trường quận Tân Phú. Căn biệt thự này được khởi công xây dựng vào năm 2012 và trong quá trình xây dựng đã có hành vi lấn chiếm mở rộng diện tích sử dụng, không tuân thủ quy định pháp luật và quy hoạch chung nên gặp không ít sự phản ứng quyết liệt từ phía người dân địa phương trước khi bị cơ quan chức năng lập biên bản vi phạm, xử phạt hành chính và ra quyết định cưỡng chế.

Biệt thự, xây dựng sai giấy phép, bất chấp lệnh xử phạt 

Theo thông tin từ Phòng Quản lý đô thị quận Tân Phú, trong quá trình xây dựng chủ sở hữu công trình biệt thự này, ông Phạm Thanh Bình đã xây dựng sai nội dung giấy phép được cấp. Cụ thể, xây dựng phần tường rào và cổng lấn chiếm hẻm 27 Nguyễn Văn Săng, phường Tân Sơn Nhì, quận tân Phú. Sự việc vi phạm này của ông Phạm Thanh Bình đã bị Chánh Thanh tra Sở Xây dựng đã ra Quyết định xử phạt và buộc ông Bình phải tháo dỡ phần tường cổng rào xây dựng vi phạm cao 3m, dài 37,71m đồng thời phạt hành chính số tiền 7,5 triệu đồng.

Quận Tân Phú, TP.HCM: Ai “chống lưng” để biệt thự lấn chiếm lề đường tồn tại?

Căn biệt thự 125 Nguyễn Thế Truyện P.TSN, Q.Tân Phú vẫn ngang nhiên tồn tại thách thức pháp luật và dư luận.

Theo đó, ông Phạm Thanh Bình đã thừa nhận hành vi vi phạm của mình và đồng ý nộp tiền phạt. Tuy nhiên, ông Bình vẫn cố tình “chây ì” không tháo dỡ tường cổng rào lấn chiếm hẻm. Trước dấu hiệu bất hợp tác, không chấp hành pháp luật của ông Bình, Chánh thanh tra Sở Xây dựng tiếp tục ban hành Quyết định cưỡng chế đối với vi phạm của ông Phạm Thanh Bình tại địa chỉ 125 Nguyễn Thế Truyện. Đến lúc này ông Bình xin được tự tháo dỡ nhưng lại tiếp tục “tung chiêu” kéo dài thời gian cho phần vi phạm tồn tại như để "trêu ngươi" dư luận với lý do: xác định lại ranh đất. 

Thời điểm hiện tại, mặc dù công trình đã bị xử lý sai phạm lấn chiếm vẫn chưa được khôi phục như đúng hiện trạng quy hoạch và đang tiếp tục lấn chiếm hàng chục m2 đất thuộc hành lang hẻm 27 Nguyễn Văn Săng và mặt tiền đường Nguyễn Thế Truyện. Cụ thể, chiều dài cạnh vạt góc đầu hẻm 27 Nguyễn Văn Săng tiếp giáp với đường Nguyễn Thế Truyện theo giấy phép xây dựng là 7,33m để đảm bảo tầm nhìn cho người tham gia giao thông quan sát khi ra vào hẻm. Thế nhưng, thực tế cạnh vạt góc chỉ còn 5,68 m, bốn cây cau kiểng to cao chiếm gần hết vỉa hè, làm hạn chế tầm quan sát của người ra vào hẻm. Theo đó, mặt tiền phía đường Nguyễn Thế Truyện thay vì có chiều rộng là 5,05m nhưng công trình cho xây dựng phần tiếp giáp mặt tiền lên đến 8,39m...

Quan hạ cánh, vẫn xem thường pháp luật

Trao đổi với một số người dân được biết, toàn bộ khu đất rộng 333,66 m2 được ông Phạm Thanh Bình mua từ khi ông Bình còn là Đội trưởng Đội Quản lý thị trường quận Tân Phú có giá hàng chục tỷ đồng, nhưng phải đến khi ông Bình chính thức "hạ cánh" thì khu đất mới được tiến hành xây dựng một công trình hoành tráng như hiện nay. Và cũng từ khi căn biệt thự bắt đầu xây dựng đã có không ít hộ dân không đồng tình có đơn phản ánh lên UBND phường Tân Sơn Nhì, UBND quận Tân Phú yêu cầu kiểm tra xử lý hành vi mở rộng vượt quá diện tích cho phép, ước tính công trình đã lấn chiếm hàng chục m2  đất hẻm.

Ngoài ra, công trình cũng từng bị UBND phường Tân Sơn Nhì lập biên bản, đình chỉ thi công và ra Quyết định cưỡng chế... nhưng không hiểu sao công trình phần lấn chiếm vẫn không được xử lý dứt điểm, trả lại đúng hiện trạng vốn có để người dân lưu thông cho an toàn? Cũng theo một số người dân cho biết, Chủ công trình vốn là "người của nhà nước" giàu có lại có quan hệ nhiều để “chống lưng” nên mới vô tư lấn chiếm. Dù dư luận có phản ánh thì việc xử lý cũng chỉ để lấy lệ, cũng chỉ là động thái để "đánh lừa dư luận" vì thực tế ông Bình vẫn hưởng lợi phần diện tích lấn chiếm và bộ mặt công trình cũng hoành tráng hơn so với giới hạn cho phép của cơ quan chức năng.

Điều đáng nói, thực tế việc lấn chiếm trên đã ảnh hưởng rất lớn đến việc tham gia giao thông của người dân, gây bất bình trong dư luận khi công trình quy mô hàng 1.000 m2 sàn xây dựng, hồ bơi, sân... những vẫn cố lấn chiếm thêm vài chục m2 hành lang đường và đường hẻm để mở rộng không gian sân, khiến hẻm nhỏ lưu thông khó khăn. Ngoài ra, một phần công trình che khuất tầm nhìn khiến các phương tiện lưu thông ra vào hẻm 27 Nguyễn Văn Săng thật sự không an toàn.

Qua sự việc trên cũng cho thấy, để bảo đảm việc tổ chức thi hành nghiêm túc quyết định xử phạt hành vi mở rộng, lấn chiếm lề đường của chủ công trình, các cơ quan chức năng cần đặc biệt chú trọng đến công tác tổ chức, giám sát chặt chẽ việc thi hành hình phạt bổ sung “buộc người vi phạm phải tháo dỡ công trình xây dựng sai phép, khôi phục lại hiện trạng ban đầu”. Xử lý dứt điểm, tránh tình trạng “nhờn thuốc”. Chỉ khi nào khôi phục, trả lại được hiện trạng ban đầu, lợi ích xã hội, lợi ích Nhà nước về lâu dài mới bảo đảm. Tránh trường hợp chỉ chấp hành hình phạt qua loa cho có để tìm cách hợp thức hóa việc sử dụng diện tích sai phạm như hiện nay.

Hành vi lấn chiếm đất công, chiếm dụng hành lang an toàn giao thông đường bộ đã được pháp luật nghiêm cấm. Vì thế, việc để công trình xây dựng kiên cố lấn chiếm lề đường, ảnh hưởng giao thông, làm xấu bộ mặt đô thị, thì UBND phường Tân Sơn Nhì và lực lượng Thanh tra Xây dựng - Sở Xây dựng cần xem lại trách nhiệm của mình.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quận Tân Phú, TP.HCM: Ai “chống lưng” để biệt thự lấn chiếm lề đường tồn tại?