Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng Phan Văn Giang vừa ký Thông tư 19/2025/TT-BQP hướng dẫn thực hiện chính sách, chế độ đối với các đối tượng thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy.
Thông tư hiệu lực từ 11/4, áp dụng với sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng; cán bộ, công chức, viên chức nhiệm vụ lãnh đạo, quản lý; công chức, viên chức không giữ chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý.
Ngoài ra, người làm việc trong tổ chức cơ yếu thuộc Ban Cơ yếu Chính phủ; lao động hợp đồng hưởng lương từ ngân sách nhà nước và đơn vị, tổ chức và cá nhân liên quan thuộc diện điều chỉnh của văn bản này.
Căn cứ xét hưởng chế độ chia thành hai thời điểm, gồm nghỉ trong vòng 12 tháng tính từ lúc quyết định sáp nhập có hiệu lực và từ tháng 13 trở đi. Lương cơ sở làm căn cứ tính tiền lương hiện hưởng là mức 2,34 triệu đồng do Chính phủ quy định.
Số tháng nghỉ hưu trước tuổi hưởng trợ cấp một lần tính từ tháng có quyết định nghỉ so với hạn tuổi phục vụ cao nhất theo luật hiện hành, tối đa không quá 60 tháng.
Số năm nghỉ hưu trước tuổi hưởng chế độ tính từ tháng có quyết định hưởng lương hưu so với hạn tuổi phục vụ cao nhất. Số tháng tính hưởng trợ cấp phục viên, thôi việc là thời gian công tác có đóng BHXH bắt buộc, tối đa không quá 60 tháng.
Trường hợp nghỉ hưu sớm từ 2 - 5 năm trong thời hạn 12 tháng đầu tiên kể từ ngày quyết định sắp xếp tổ chức bộ máy của cấp có thẩm quyền có hiệu lực thì mức trợ cấp hưu trí một lần = tiền lương tháng hiện hưởng x 1,0 x số tháng nghỉ sớm.
Nghỉ hưu từ tháng thứ 13 trở đi kể từ ngày quyết định sắp xếp tổ chức bộ máy của cấp có thẩm quyền có hiệu lực thì mức trợ cấp hưu trí một lần = tiền lương tháng hiện hưởng x 0,5 x số tháng nghỉ sớm.
Mức trợ cấp cho số năm nghỉ sớm = tiền lương tháng hiện hưởng x 5 x số tháng nghỉ sớm.
Chính sách và trợ cấp theo thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thực hiện như sau: Được hưởng lương hưu theo tỷ lệ % tương ứng với thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội và không bị trừ tỷ lệ % hưởng lương hưu do việc nghỉ hưu trước so với tuổi quy định.
Thông tư lấy ví dụ đại tá Trần Văn Long, sinh tháng 5.1971, nhập ngũ tháng 2.1990. Theo quy định hiện hành, đến hết tháng 5.2029, ông Long đủ 58 tuổi, hết hạn tuổi cao nhất theo cấp bậc quân hàm đại tá. Tuy nhiên, do cơ quan sáp nhập, tháng 3.2025, ông Long được cấp trên chấp nhận cho nghỉ hưu sớm (không nghỉ chuẩn bị hưu), hưởng lương hưu từ ngày 1.6.2025 (đủ 54 tuổi).
Vì vậy, ông Long thuộc trường hợp nghỉ hưu trong thời hạn 12 tháng đầu tiên kể từ ngày quyết định sáp nhập, thời gian nghỉ hưu trước hạn tuổi là 4 năm (48 tháng) và có 35 năm 4 tháng công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc (được làm tròn 35,5 năm).
Giả sử tiền lương trước khi nghỉ hưu của ông Long là 30 triệu đồng thì áp dụng quy định trên, ông Long sẽ được tổng số tiền là hơn 2,42 tỉ đồng.
Trường hợp nghỉ hưu sớm từ 5 - 10 năm trong thời hạn 12 tháng đầu tiên kể từ ngày quyết định sắp xếp tổ chức bộ máy của cấp có thẩm quyền có hiệu lực thì mức trợ cấp hưu trí một lần = tiền lương tháng hiện hưởng x 0,9 x 60 tháng; nghỉ hưu từ tháng thứ 13 trở đi kể từ ngày quyết định sắp xếp tổ chức bộ máy của cấp có thẩm quyền có hiệu lực thì mức trợ cấp hưu trí một lần mức trợ cấp hưu trí một lần = tiền lương tháng hiện hưởng x 0,45 x 60 tháng.
Mức trợ cấp cho số năm nghỉ sớm = tiền lương tháng hiện hưởng x 0,4 x số năm nghỉ sớm.
Chính sách và trợ cấp theo thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thực hiện giống như trường hợp trên.
Trường hợp nghỉ hưu sớm dưới 2 năm thì được hưởng trợ cấp hưu trí một lần cho số tháng nghỉ sớm; cách tính hưởng trợ cấp hưu trí một lần thực hiện giống các trường hợp trên.
Xem toàn văn Thông tư tại đây.