Trong khi người dân liên tục kiến nghị về việc thu hồi đất trái pháp luật và làm ngơ trước hành vi vi phạm pháp luật thì UBND quận Ngô Quyền lại liên tục khất lần, trả lời mập mờ và đùn đẩy trách nhiệm.
Thời gian qua, Báo Công lý đã liên tục có bài phản ánh nhiều vấn đề bất cập trong công tác quản lý trật tự xây dựng và quản lý đất đai tại quận Ngô Quyền, TP. Hải Phòng.
Theo đó, các bài báo đã phản ánh vụ việc công trình cầu thang thoát hiểm xây dựng trái phép tại phường Đông Khê, quận Ngô Quyền. Sau khi báo phản ánh, UBND quận Ngô Quyền đã có chỉ đạo UBND phường Đông Khê giải quyết dứt điểm vụ việc trong tháng 3/2017. Thế nhưng, đến nay đã quá thời hạn trên, UBND phường Đông Khê vẫn chưa giải quyết dứt điểm vụ việc. Công trình cầu thang thoát hiểm xây dựng trái phép vẫn ngang nhiên tồn tại thách thức dư luận.
Khu đất của gia đình ông Phương bị cưỡng chế thu hồi
Tiếp đó, Báo Công lý cũng đã có bài phản ánh kiến nghị của ông Phạm Danh Phương (sinh năm 1966, trú tại số 35 tổ 5 ngõ 212 Đà Nẵng, phường Lạc Viên) về việc UBND quận Ngô Quyền thu hồi đất của gia đình ông không đúng quy định pháp luật. Thế nhưng, đến nay, vụ việc vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng, người dân vẫn tiếp tục khiếu kiện đề nghị UBND quận Ngô Quyền làm rõ một số vấn đề liên quan theo quy định pháp luật.
Cụ thể, ông Phương khẳng định diện tích hơn 500m2 đất bị UBND phường Đông Khê cưỡng chế thu hồi là đất của gia đình ông được giao theo Giấy chứng nhận quyền sở hữu ruộng đất số 7415, địa bạ số 419 do Ủy ban hành chính tỉnh Hải Phòng cấp ngày 15/6/1956. Trong khi đó, UBND quận Ngô Quyền thì khẳng định diện tích đất trên không phải của gia đình ông Phương nhưng lại không xác định được đất của gia đình ông Phương được giao ở vị trí nào.
Đáng lưu ý, quá trình tìm hiểu thông tin để thực hiện các bài viết nêu trên, phóng viên đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận lãnh đạo UBND phường Đông Khê và lãnh đạo UBND quận Ngô Quyền. Cụ thể, sau khi tiếp nhận thông tin do nhân dân phản ánh, phóng viên đã liên hệ với Chủ tịch UBND phường Đông Khê và Chánh Văn phòng UBND quận Ngô Quyền để trao đổi thông tin và xin lịch làm việc. Sau đó, Báo Công lý đã có đề nghị làm việc bằng văn bản gửi UBND quận Ngô Quyền nêu rõ nội dung thông tin cần tìm hiểu.
Tuy nhiên, sau “năm lần bảy lượt” hẹn, UBND phường Đông Khê và UBND quận Ngô Quyền mới tổ chức được các buổi làm việc nhưng phóng viên không được cung cấp đầy đủ thông tin. UBND phường thì trả lời rằng chỉ cung cấp thông tin theo thẩm quyền còn các thông tin khác thì PV lên quận mà hỏi. Trong khi đó, UBND quận lại trả lời: đó là trách nhiệm của phường…
Sau khi Báo Công lý có loạt bài phản ánh sự việc như nêu trên, phóng viên không thể liên hệ được với Chủ tịch UBND phường Đông Khê do không nghe điện thoại.
Tiếp đó, phóng viên đã liên hệ và gửi đề nghị làm việc bằng văn bản đến UBND quận Ngô Quyền với hy vọng sẽ được cung cấp đầy đủ thông tin. Văn bản đề nghị làm việc đã nêu rõ các nội dung thông tin cần tìm hiểu như: Ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo UBND quận trong việc xử lý vụ việc cầu thang thoát hiểm xây dựng trái phép tại số 19 - lô 7B - khu B1 Lê Hồng Phong, phường Đông Khê như thế nào; Đất của hộ ông Phương được giao nằm ở vị trí nào, có phần đất mà ông Phương đang phản ánh không, đất có được nộp thuế đầy đủ và liên tục không… Tuy nhiên, sau gần một tháng trôi qua, phóng viên vẫn chỉ nhận được những lời hẹn khất lần của ông Phó Chánh Văn phòng UBND quận Ngô Quyền với lý do lãnh đạo quận chưa sắp xếp được thời gian làm việc…
Không hiểu đến bao giờ, UBND quận Ngô Quyền mới giải quyết dứt điểm các kiến nghị của công dân và trả lời báo chí… Phải chăng, khất lần và đùn đẩy trách nhiệm là “phong cách” làm việc của UBND quận Ngô Quyền?