Vấn đề quan tâm

Quản lý chặt tổ chức con nuôi nước ngoài tại Việt Nam

Nguyễn Cúc 16/10/2024 - 12:37

Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 21/2011/TT-BTP ngày 21/11/2011 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã đề xuất Bộ Tư pháp sẽ quyết định số lượng tổ chức con nuôi nước ngoài được hoạt động tại Việt Nam.

Đảm bảo thống nhất pháp lý

Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 21/2011/TT-BTP ngày 21/11/2011 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc quản lý Văn phòng con nuôi nước ngoài tại Việt Nam đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Thông tư số 11/2021/TT-BTP ngày 28/12/2021.

Theo Bộ Tư pháp, ngày 29/11/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 98/2022/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp. Theo quy định tại Điều 3 Nghị định số 98/2022/NĐ-CP, Cục Con nuôi được chuyển đổi thành Vụ Con nuôi. Do đó, một số quy định của Thông tư số 21/2011/TT-BTP đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Thông tư số 11/2021/TT-BTP liên quan đến trách nhiệm được giao cho Cục Con nuôi trong việc thực hiện hoạt động nghiệp vụ cấp, gia hạn, sửa đổi giấy phép hoạt động của Văn phòng con nuôi nước ngoài tại Việt Nam không còn phù hợp khi Cục Con nuôi chuyển thành Vụ Con nuôi.

connuoi.jpg
Hình minh họa

Thực tiễn thực hiện Thông tư số 21/2011/TT-BTP đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Thông tư số 11/2021/TT-BTP còn có những tồn tại, hạn chế, cụ thể như sau:

Theo quy định tại khoản 1 Điều 2 của Thông tư số 21/2011/TT-BTP đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Thông tư số 11/2021/TT-BTP, căn cứ vào số lượng và nhu cầu của trẻ em Việt Nam cần tìm gia đình thay thế ở nước ngoài, điều kiện và năng lực của tổ chức con nuôi nước ngoài có nhu cầu hoạt động tại Việt Nam, sau khi trao đổi với Cơ quan Trung ương về con nuôi quốc tế của nước ngoài hữu quan, hằng năm Cục Con nuôi phối hợp với cơ quan chức năng của Bộ Ngoại giao và Bộ Công an xem xét, báo cáo Bộ trưởng Bộ Tư pháp ấn định số lượng tổ chức con nuôi nước ngoài được cấp phép hoạt động tại Việt Nam. Tuy nhiên, trên thực tế việc ấn định (quyết định) số lượng tổ chức con nuôi chỉ được thực hiện trước khi Bộ Tư pháp cấp phép cho tổ chức con nuôi nước ngoài tại Việt Nam. Trong khi đó, việc cấp phép không được thực hiện hàng năm, mà chỉ được thực hiện khi có yêu cầu cấp giấy phép cho một tổ chức con nuôi mới của nước có quan hệ hợp tác về nuôi con nuôi với Việt Nam hoặc khi Việt Nam thiết lập quan hệ hợp tác với một nước thành viên mới trong khuôn khổ Công ước La Hay số 33 về bảo vệ trẻ em và hợp tác trong lĩnh vực con nuôi quốc tế.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 9 của Thông tư số 21/2011/TT-BTP đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Thông tư số 11/2021/TT-BTP, trên cơ sở báo cáo của cha mẹ nuôi, Văn phòng con nuôi nước ngoài có trách nhiệm gửi Cục Con nuôi (nay là gửi cho Bộ Tư pháp) báo cáo về tình hình phát triển của trẻ em Việt Nam được nhận làm con nuôi ở nước ngoài theo quy định tại điểm g khoản 2 Điều 43 của Luật Nuôi con nuôi. Như vậy, trường hợp tổ chức con nuôi nước ngoài bị thu hồi Giấy phép trong thời hạn báo cáo tình hình phát triển của con nuôi thì cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cần trao đổi với cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài về cách thức tiếp tục thực hiện trách nhiệm gửi báo cáo tình hình phát triển của con nuôi. Tuy nhiên, hiện nay chưa có quy định điều chỉnh nội dung này.

Từ cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn nêu trên, Bộ Tư pháp cho rằng cần thiết xây dựng dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 21/2011/TT-BTP đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Thông tư số 11/2021/TT-BTP nhằm bảo đảm sự thống nhất trong hệ thống pháp luật, đồng thời khắc phục một số tồn tại trong thực tiễn.

Xem xét, quyết định số lượng tổ chức con nuôi nước ngoài

Tại dự thảo, Bộ Tư pháp đề xuất sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 2 Thông tư số 21/2011/TT-BTP theo hướng bỏ quy định hằng năm Cục Con nuôi phối hợp với đơn vị chức năng của Bộ Ngoại giao và Bộ Công an xem xét, báo cáo Bộ trưởng Bộ Tư pháp ấn định số lượng tổ chức con nuôi nước ngoài được cấp phép hoạt động tại Việt Nam.

Thay vào đó, chỉ quy định Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao và Bộ Công an quyết định số lượng tổ chức con nuôi nước ngoài được cấp phép hoạt động tại Việt Nam. Việc sửa đổi, bổ sung này nhằm bảo đảm phù hợp với thực tiễn của công tác cấp phép hoạt động cho các tổ chức con nuôi nước ngoài tại Việt Nam. Các nội dung khác của khoản 1 hướng dẫn cụ thể quy định tại Điều 37 Nghị định số 19/2011/NĐ-CP vẫn được giữ nguyên.

Dự thảo sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 6 Thông tư số 21/2011/TT-BTP đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 1 Điều 1 Thông tư số 11/2021/TT-BTP theo hướng, trường hợp tổ chức con nuôi nước ngoài bị thu hồi giấy phép hoạt động tại Việt Nam theo quy định tại khoản 1 Điều 36 Nghị định số 19/2011/NĐ-CP, Bộ Tư pháp trao đổi với cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài về 02 nội dung sau: (1) biện pháp hỗ trợ hoàn tất việc giải quyết đối với những hồ sơ đã được chuyển cho Sở Tư pháp (theo quy định hiện hành); (2) cách thức tiếp tục thực hiện trách nhiệm gửi báo cáo tình hình phát triển của trẻ em Việt Nam được nhận làm con nuôi theo quy định tại khoản 2 Điều 9 của Thông tư này.

Bộ Tư pháp cho rằng việc bổ sung quy định này là cần thiết, để khắc phục những khó khăn trong việc gửi báo cáo tình hình phát triển của con nuôi khi tổ chức con nuôi nước ngoài bị thu hồi giấy phép.

Trên thực tiễn, sau khi tổ chức con nuôi bị thu hồi giấy phép, Bộ Tư pháp và cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài thường trao đổi, thống nhất giao cho tổ chức con nuôi khác của nước đó đang hoạt động tại Việt Nam tiếp tục thực hiện trách nhiệm gửi báo cáo tình hình phát triển của trẻ em Việt Nam được nhận làm con nuôi. Trường hợp nước đó không có tổ chức con nuôi khác đang hoạt động tại Việt Nam thì có thể giao cho cá nhân là người đã từng là đại diện của Văn phòng con nuôi nước ngoài tại Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quản lý chặt tổ chức con nuôi nước ngoài tại Việt Nam